• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗi buồn sản xuất cà phê VietGAP

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng, 02/02/2018
Ngày cập nhật: 3/2/2018

Nhiều người dân tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đầu tư sản xuất cà phê VietGAP với kỳ vọng vừa tạo ra sản phẩm sạch, vừa cho thu nhập cao. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra vẫn chưa bán được mức giá tương xứng với công sức đầu tư.

Vườn cà phê đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Lê Viết Hợp

Bán giá cà phê thường

Vào năm 2017, UBND xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Đức Cơ vận động người dân thôn Ia Gôn (xã Ia Krêl) thành lập tổ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhận thấy việc sản xuất cà phê VietGAP ngoài tạo ra sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng, lại được hứa hẹn khi thu hoạch sẽ tìm kiếm doanh nghiệp mua với giá cao hơn cà phê sản xuất bình thường nên họ hào hứng đăng ký tham gia. Tổng cộng có 60 hộ dân làng Ia Gôn tham gia Tổ sản xuất cà phê vối VietGAP với diện tích 100ha. Tuy nhiên, khi cà phê thu hoạch xong, người dân vẫn chưa thể bán sản phẩm chất lượng của mình với giá tương xứng.

Có mặt tại làng Ia Gôn, chúng tôi thấy các vườn cà phê của dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đều gắn biển, những cây cà phê tốt tươi đang mùa trổ hoa. Ông Lê Viết Hợp (thôn Ia Gôn) cho biết, khi được vận động, ông tham gia vào tổ và đăng ký sản xuất 1,5ha. Quá trình trồng, gia đình tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về cách bón phân, thời gian bón, thời gian cách ly, tỷ lệ quả chín khi hái, cách bảo quản... Thậm chí để đảm bảo mật độ phơi, gia đình anh phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng làm sân phơi cà phê.

“Mùa vụ năm 2017, cũng là mùa đầu tiên sản xuất cà phê tiêu chuẩn VietGAP, gia đình thu được 6 tấn nhân. Tuy nhiên, thu hoạch đóng gói xong cả 1,5 tháng, chẳng thấy doanh nghiệp nào đến thu mua. Chờ lâu, lại kẹt tiền, gia đình đành chở cà phê ra điểm thu mua để bán với giá 36,8 triệu đồng/tấn nhân, bằng với giá cà phê thường. Dù rất xót nhưng chẳng biết làm gì hơn”, ông Hợp nói.

Tại kho nhà ông Nguyễn Sĩ Hậu (thôn Ia Gôn) vẫn đang cất 7 tấn cà phê nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 1,6ha. “Sản xuất cà phê VietGAP rất mất công, chi phí đầu tư lại cao, không đành lòng bán bằng giá cà phê thường nên gia đình để trong kho từ lúc thu hoạch đến nay”, ông Hậu nói.

Theo UBND xã Ia Krêl, việc sản xuất cà phê VietGAP của dân Ia Gôn mùa vụ qua đều đảm bảo đúng quy chuẩn. Tổng sản lượng thu được trên 100ha là 500 tấn nhân. Trong đó, người dân đã bán khoảng 150 tấn với mức giá bằng với giá cà phê thường, còn lại 350 tấn dân đang giữ lại để chờ tổ hợp tác làm việc với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm VietGAP, hy vọng sẽ được thu mua giá cao hơn.

Kết nối sản xuất, tiêu thụ

Theo ông Siu Luynh, Chủ tịch UBND xã Ia Krêl, trước khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân mạnh ai nấy làm, rất dễ bị thương lái ép giá và năng suất không cao. Vì thế, UBND xã cùng với Phòng NN-PTNT huyện mới vận động dân liên kết thành tổ hợp tác và hướng người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Xã dự tính triển khai ở làng Ia Gôn trước, nếu hiệu quả sẽ vận động nhân rộng. Ngay khi thành lập tổ, ngành chức năng đã liên hệ trước 2 doanh nghiệp để thu mua sản phẩm cho bà con. Những đơn vị này hứa sẽ xuống xem sản phẩm trước khi mua. Hiện UBND xã vẫn đang làm việc với Phòng NN-PTNT huyện để quảng bá, kêu gọi các cơ sở thu mua bao tiêu sản phẩm cà phê VietGAP cho dân, đồng thời vận động dân tiếp tục sản xuất.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng thôn Ia Gôn, kiêm Tổ tưởng Tổ sản xuất cà phê vối VietGAP thôn Ia Gôn, cho biết thực tế có doanh nghiệp xuống đặt vấn đề thu mua cà phê VietGAP của dân với giá cao hơn cà phê thường 500 đồng/kg. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ nói thế rồi không thấy quay lại mua. “Nếu mua giá chênh 500 đồng/kg thì tính ra cũng chưa tương xứng với công sức đầu tư sản xuất của dân. Sau vụ việc này, dân không còn mơ mộng sản xuất cà phê VietGAP nữa”, ông Thủy cho biết.

Theo ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Gia Lai, thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, năm 2017 diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn là 130ha, tập trung ở huyện Đức Cơ 100ha và 30ha còn lại ở TP Pleiku. Sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng nói chung và VietGAP nói riêng là phương thức sản xuất tiên tiến, vừa đảm bảo chất lượng, phát triển bền vững, vừa thân thiện với môi trường. Sản phẩm được chứng nhận sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường khó tính. Vì thế, cần khuyến khích sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng cao nói chung và VietGAP nói riêng.

“Giá cả tuân theo thị trường. Chúng tôi hướng người dân làm theo tổ hợp tác để có cơ chế kiểm soát chéo, đảm bảo chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Sau đó, chúng tôi tổ chức các buổi chợ phiên hoặc mời người mua gặp gỡ người bán để liên kết tạo chuỗi sản xuất”, ông Toàn nói.

Hữu Phúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang