• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tác hại khôn lường

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 19/12/2018
Ngày cập nhật: 21/12/2018

Vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị bỏ lại ở mương nước thuộc xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) - Ảnh: LÊ TRÂM

Những ngày này, nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân. Trước khi gieo sạ, người dân phun thuốc cháy, lưu dẫn diệt trừ cỏ dại, cỏ bờ; sạ xong không quá 3 ngày, họ tiếp tục phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm, rồi phun đi, phun lại mỗi khi lúa bị sâu bệnh hại. Tính ra mỗi vụ, đồng ruộng “hứng” hàng ngàn lít thuốc trút xuống, tồn dư thuốc ngấm vào đất, chảy theo dòng nước gây tác hại khôn lường.

“Đầu độc” đồng ruộng

Trên cánh đồng từ các xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc đến Hòa Trị (huyện Phú Hòa), nông dân đang cho cày lần 2 sau đó bừa kéo láng để sạ lúa đông xuân; mới chuẩn bị vào vụ nhưng bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã ngổn ngang trên đồng ruộng, dưới mương nước. Ông Bùi Văn Tiến ở xã Hòa Quang Nam cho biết: Trước đây, khi chuẩn bị sạ, nông dân bỏ ra một buổi cuốc gốc, làm bờ; nay chỉ cần bỏ tiền mua thuốc cháy, lưu dẫn phun 30 phút là xong, cỏ dại sẽ chết rục. Trên cánh đồng có bể chứa nhưng ít ai làm siêng phun xong mang chai lọ đi xa cả cây số đến bỏ vào bể, vì thế chai lọ nằm đầy bờ ruộng, mương nước.

Đáng lo ngại là các loại thuốc này không chỉ có mùi hôi thối nồng nặc, mà còn là những loại thuốc có tính độc cao, nếu không quản lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng cách dễ khiến người và gia súc, tôm cá bị ngộ độc; đồng thời gây ô nhiễm môi trường sinh thái. “Họ đổ thuốc vào bình phun rồi quăng chai thuốc xuống mương nước lập tức chỗ chai thuốc nổi màng tan chảy theo dòng nước, gặp cá thì cá chết, còn trúng cua thì cua trồi đầu”, bà Trần Thị Bích ở xã Hòa Quang Bắc nói.

Đối với thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, người dân có lúc phun lúc không, do có vụ không xảy ra dịch bệnh, còn đối với thuốc trừ cỏ thì họ không bỏ sót đám ruộng nào. Trung bình một sào (500m2), mỗi vụ nông dân phun một chai thuốc trừ cỏ (loại 10-30ml). Như vậy, 1ha phun 20 chai thuốc; trong khi vụ đông xuân, toàn tỉnh gieo sạ 25.500ha, thì tính ra có đến hàng ngàn lít thuốc trút xuống “đầu độc” đồng ruộng.

Đó là chưa kể nhiều vùng, nông dân sử dụng thuốc “cặp” (thuốc 2 chai), tác động đồng thời lên hạt cỏ chưa nảy mầm và cỏ đã nảy mầm. Ông Nguyễn Văn Đông ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Hồi trước khi gieo sạ, người dân xả nước trong ruộng ra mương, cá rô đồng róc theo dòng nước rẹt rẹt. Nay do phun thuốc quá nhiều, dưới sông cũng không còn cá rô đồng chứ đừng nói chi trên ruộng.

Phun đi phun lại

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, thời điểm trên cánh đồng xuất hiện bệnh đạo ôn, ngành Nông nghiệp kiểm tra tại các xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây và Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) thì nhận thấy nông dân phun thuốc không đúng cách.

Trên chai thuốc hướng dẫn một sào phun 2 bình (mỗi bình 8 lít nước); thế nhưng do có gia đình chồng đi làm thợ hồ ở xa, người vợ thuê nhân công phun tính sào lấy tiền nên người phun thuốc chỉ phun một bình, vì thế lúa không hết bệnh mà dây dưa, nông dân tốn tiền phun nhiều lần.

Bà Nguyễn Thị Hồng làm ruộng ở cánh đồng xã Hòa Xuân Tây, nói: Gia đình tôi làm 2 sào ruộng. Vụ trước, khi lúa trổ đòng, gié dài cả gang tay người lớn. Tôi thuê người phun thuốc ngừa đạo ôn nhưng do họ phun thuốc không đúng liều, phải phun đi phun lại nên lúa bị đạo ôn cổ bông, toàn bộ gié bạc trắng không có hạt.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, khuyến cáo người dùng thuốc diệt cỏ cần lưu ý “4 đúng”.

Đầu tiên là dùng đúng thuốc bằng cách sử dụng thuốc trừ cỏ có hiệu quả cao nhưng ít độc hại với con người và môi trường; không sử dụng thuốc cấm, thuốc không nằm trong danh mục được phép sử dụng.

Thứ hai là dùng đúng lúc, nghĩa là phải biết kết hợp cơ chế tác động của thuốc, không phun thuốc khi trời sắp mưa, có gió lớn, khi cây trồng đang thời kỳ xung yếu (dễ mẫn cảm với thuốc).

Thứ ba là dùng đúng nồng độ và liều lượng. Và cuối cùng là dùng đúng cách, tức là cần phun rải đều để thuốc tiếp xúc tốt sẽ làm tăng hiệu quả của thuốc và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng.

“Thuốc cỏ cháy có độ độc thuộc nhóm 2, còn thuốc lưu dẫn (Glyphosate) thuộc nhóm 3. Việc nông dân lạm dụng những loại thuốc này không chỉ khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư nhiều trên nông sản, gây ô nhiễm môi trường, tăng chi phí sản xuất, mà còn gây ngộ độc cho nông dân phun thuốc”, ông Minh nói.

LÊ TRÂM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang