• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhân và nuôi trồng thành công 2 giống nấm dược liệu

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 18/12/2018
Ngày cập nhật: 21/12/2018

Phong trào trồng nấm ở Ninh Bình có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến nay, toàn tỉnh có hàng nghìn cơ sở, hộ dân trồng nấm, khẳng định nghề trồng nấm phù hợp với phát triển kinh tế nông thôn, có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường, đồng thời khẳng định đây là nghề đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn.

Một góc trại nấm của hộ ông Trần Văn Tư, xóm 2, Khánh Vân, Yên Khánh.

Đa số các hộ trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ trồng các loại nấm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm như nấm sò, mỡ, mộc nhĩ, kim phúc… trong khi nấm dược liệu chỉ có một số ít hộ trồng và chủ yếu là giống nấm Linh chi. Từ thực tế trên, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Ninh Bình (Sở Khoa học và Công nghệ) tiến hành đề xuất thực hiện đề tài “ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phân lập, nhân giống và nuôi trồng thử nghiệm một số loại nấm dược liệu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Thực hiện đề tài, Trung tâm cử các cán bộ đi đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật phân lập, nhân giống nấm, kỹ thuật nuôi trồng nấm Hoàng chi, Vân chi tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp).

Cùng với đó, tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật quy trình trồng nấm Vân chi, Hoàng chi cho các hộ dân trên địa bàn thị trấn Me (Gia Viễn) và xã Khánh Vân (Yên Khánh). Vân chi, Hoàng chi là hai loài nấm dược liệu quý không chỉ mang hàm lượng dinh dưỡng phong phú mà còn cả thành phần dược liệu rất cao. Giống nấm dược liệu Linh chi, Vân chi có khả năng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, nâng cao năng lực hoạt động của đại thực bào, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, kích thích cơ thể sản sinh Interferon - một chất ức chế được quá trình sinh trưởng của virus, làm hạ lượng cholesterol, điều hòa huyết áp.

Hiệu quả chữa bệnh của nấm Vân chi thông qua hai hợp chất chính là PSP (Polysaccharide Peptide) và PSK (Polysaccharide Kureha). Các chất này được coi là có khả năng chữa trị ung thư, tăng miễn dịch cơ thể, chống các phản ứng phụ của xạ trị và hoá trị, ức chế sự nhân lên của HIV…, chống lại các tác dụng phụ của các loại thuốc hóa trị liệu và phục hồi nhanh những thiệt hại của các tế bào tạo máu gây ra bởi tia X. Từ đầu năm đến nay, nhóm thành viên tham gia đề tài đã thực hiện kỹ thuật phân lập, nhân giống ngay tại Ninh Bình, đến nay đã cho kết quả rất khả quan.

Thạc sỹ Đinh Thị Lan, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Thông qua đề tài đã giúp các thành viên tham gia làm chủ kỹ thuật phân lập, nhân giống cấp I giúp đơn vị chủ động được nguồn giống, tự phân lập được nhiều loại nấm khác, góp phần vào việc lưu trữ và bảo tồn nhiều loài nấm năng suất, chất lượng tại Ninh Bình.

Cùng với đó, giúp giảm giá thành giống nấm cấp III so với việc nhập giống gốc và giống cấp I từ nơi khác. Hơn nữa, việc đưa giống nấm mới vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong khi, bã nấm được sử dụng làm phân hữu cơ được sử dụng để thay thế lượng phân chuồng để bón cho cây trồng giúp giảm những chi phí đầu tư trong nông nghiệp. Thống kê kỹ thuật cho thấy, cứ mỗi tấn nguyên liệu trồng nấm Hoàng chi hoặc Vân chi cho lãi từ 8-12 triệu đồng.

Thời gian nuôi trồng đối với nấm Hoàng chi và Vân chi kéo dài từ 4,5-5 tháng, trong đó thời gian ươm sợi kéo dài từ 30-40 ngày, thời gian từ khi ra quả thể đến thu hoạch kéo dài 30-35 ngày, thu được 3 lứa. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nếu trong quá trình ươm sợi, ra quả thể gặp nhiệt độ thấp quá hoặc cao quá, hệ sợi nấm ngừng sinh trưởng, kéo dài thời gian nuôi trồng.

Hộ ông Trần Văn Tư và hộ ông Phạm Văn Mỹ, thành viên HTX nấm Khánh Vân (Yên Khánh) là những hộ tham gia mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng giống Hoàng chi và Vân chi, đều cho kết quả tốt. Ông Phạm Văn Mỹ cho biết: Giống nấm Hoàng chi và Vân chi đưa ra nuôi trồng theo một quy trình liên tục không qua giai đoạn bảo quản, gia đình tôi nhận thấy giống nấm rất khỏe, lan sợi rất nhanh, sợi nấm khỏe, ăn trắng bịch.

Đối với giống Hoàng chi, thời gian ăn kín bịch chỉ kéo dài khoảng 30 ngày, từ khi cấy tới khi ra quả thể từ 20-25 ngày. Bịch cho quả thể ra đều, cánh dày. Giống nấm khỏe nên tỷ lệ nhiễm bệnh rất thấp. Bình thường ở khâu nuôi trồng nhiều khi tỷ lệ nhiễm tới vài chục % nhưng ở giống này tỷ lệ nhiễm dưới 5%.

Trong khi đó, giống Vân chi thì ăn chậm hơn. Thời gian ăn kín bịch kéo dài xung quanh 50 ngày, sau khi ăn kín bịch thì tiến hành rạch bịch, sau 7-10 ngày mới xuất hiện mô sẹo. Giống nấm Vân chi ưa khí hậu mát mẻ, nhưng trong điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình ươm sợi và hình thành quả thể.

Cũng theo 2 hộ này, trồng nấm dược liệu tuy khó hơn so với nấm ăn, nhưng nó đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu so với giá bán các loại nấm tươi như nấm sò, nấm mỡ có giá từ 20 nghìn - 30 nghìn đồng/kg; nấm mộc nhĩ khoảng 160 nghìn đồng/kg thì nấm Linh chi có giá gần 800 nghìn đồng/kg và nấm Vân chi đạt mức giá 1,6 triệu đồng/kg.

Hơn nữa, quá trình chăm sóc, thu hoạch nấm dược liệu cũng không tốn nhiều công như nấm sò, nấm mỡ vì hai giống này có thể thu hoạch làm nhiều đợt, sản phẩm bán ở dạng khô nên thời gian bán kéo dài. Tính trung bình một tấn nguyên liệu thu được từ 25-30 kg nấm Hoàng chi khô, trừ hết chi phí nguyên vật liệu, giống, công lao động, khấu hao lán trại thì từ 1 tấn nguyên liệu trồng nấm Hoàng chi cho lãi từ 6-8 triệu đồng. Trong khi đó, giống nấm Vân chi nếu cho năng suất 15-18 kg nấm/1 tấn nguyên liệu, thì nấm Vân chi thu lãi được từ 10-12 triệu đồng.

Hiện, mỗi năm gia đình ông Phạm Văn Mỹ có thể dùng tới 40 - 50 tấn nguyên liệu, hộ ông Trần Văn Tư sử dụng đến 120 tấn nguyên liệu trồng nấm dược liệu. Mặc dù mặt bằng lán trại của 2 hộ này còn nhiều hạn chế, nếu có điều kiện đầu tư mạnh hơn, thì hiệu quả thu được là rất lớn.

Từ thực tế đó, các hộ này cũng mạnh dạn đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền và Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiếp tục nhân rộng mô hình để người dân có thể tiếp cận với những giống mới, kỹ thuật mới để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng nấm.

Bài, ảnh: Nguyễn Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang