• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cây trôm bén đất Ia Le

Nguồn tin: Báo Gia Lai, 18/12/2018
Ngày cập nhật: 20/12/2018

Trong gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của huyện Chư Pưh, Gia Lai tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tổ chức cách đây hơn 2 tuần, sản phẩm mủ trôm của gia đình ông Trần Ngọc Tại (thôn Phú Hòa, xã Ia Le) đã được nhiều du khách chọn mua.

Ông Trần Ngọc Tại tâm sự: Tôi biết đến cây trôm rất tình cờ. Năm 2012, trong một lần đến TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) chơi, tôi thấy vùng này có một loại cây trồng rất lạ, giữa thời tiết khô hạn mà vẫn xanh tốt. Hỏi ra mới biết đó là cây trôm, trồng để thu hoạch mủ. Tôi liền mua giống cây này về trồng, dự định là làm trụ hồ tiêu. Nhưng trong bối cảnh giá hồ tiêu ngày càng xuống thấp nên tôi chuyển hướng sang trồng để thu hoạch mủ.

Vợ chồng ông Trần Ngọc Tại (thôn Phú Hòa, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) phơi mủ trôm. Ảnh: T.B

Hiện tại, vườn trôm 1.600 cây trồng trên diện tích 1,6 ha của gia đình ông Tại đang phát triển xanh tốt. Theo ông Tại, cây trôm rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và có khả năng chịu hạn tốt. Loại cây này không cần tưới nước vẫn phát triển. Lúc mới trồng, lá của cây trôm thường bị bọ trĩ ăn nên phải thường xuyên theo dõi để kịp thời xử lý, tránh lây lan ra cả vườn. Để cây sinh trưởng tốt thì cần bón thêm phân hữu cơ và làm cỏ thường xuyên. Khi cây đã tạo tán, thường là sau 2 năm, thì không còn sợ sâu bệnh. Lá cây trôm khá đắng, hoa lại có mùi hôi khó chịu nên tránh được côn trùng, sâu bệnh gây hại.

Sau 5 năm trồng, năm 2017, vườn trôm của gia đình ông Tại cho thu hoạch đợt mủ đầu tiên. Cây trôm càng lớn thì cho mủ càng nhiều, bình quân mỗi cây cho 1-1,5 kg mủ/năm. Quá trình lấy mủ trôm cũng rất tỉ mỉ. Ông Tại phải cẩn thận cạo sạch lớp vỏ ngoài của cây rồi khoan những lỗ tròn khoảng 25 mm trên thân cây để mủ ứa ra. Mỗi lần khoan khoảng 7-10 lỗ/cây, các lỗ nằm so le nhau. Sau đó, ông Tại lấy các chai nhựa 250 ml, cắt lấy phần đầu chai bỏ vào lỗ vừa khoan trên cây để hứng mủ. Mủ trôm chảy ra sẽ đông thành từng cục nhỏ có dạng đặc, nhờn; khoảng 1 tuần, gia đình ông Tại thu hoạch một lần. Vào mùa nắng, lượng mủ thu hoạch nhiều và đảm bảo chất lượng. Còn thu hoạch vào mùa mưa thì phải lấy mủ trong ngày bởi mủ trôm khi gặp nước sẽ bị nở, hư hỏng. “Cây trôm có tuổi đời tương đối dài, càng lớn thì lượng mủ càng nhiều. Tuy nhiên, mỗi năm tôi chỉ thu khoảng 6 tháng, 1 tháng thu thì 1 tháng nghỉ để dưỡng sức cho cây. Nếu khai thác liên tục, cây sẽ bị kiệt sức, cho ít mủ”-ông Tại cho biết.

Ông Lê Thành Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le: “Hiện tại, trên địa bàn xã có 2 hộ đang trồng cây trôm nhưng diện tích của ông Tại lớn hơn. Qua tìm hiểu, cây trôm dễ trồng, có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và có hiệu quả kinh tế khá cao. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức cho người dân trên địa bàn xã tham quan vườn trôm của ông Tại để có định hướng nhân rộng loại cây trồng mới này”.

Điểm đặc biệt của cây trôm là sau khi khai thác mủ khoảng 2 tháng thì vết thương trên thân cây sẽ lành trở lại. Khi đó, người trồng tiếp tục cạo vỏ để thu hoạch. Sau khi thu hoạch, gia đình ông Tại làm mủ trôm thành từng viên nhỏ rồi đem phơi nắng khoảng 1 tuần cho khô, giúp bảo quản được lâu. Trung bình, 1 kg mủ tươi sau khi phơi sẽ được khoảng 0,5 kg mủ khô. Cách sử dụng mủ trôm khá đơn giản, ngâm 1-2 viên vào 1 lít nước lọc, sau vài giờ có thể dùng được. Do mủ trôm không có vị nên tùy theo khẩu vị của mỗi người mà có thể thêm đường hoặc mật ong khi dùng. Với nhiều công dụng như: tăng sức đề kháng cho cơ thể, điều tiết đường huyết, ngăn ngừa bệnh tim mạch, mát gan, lợi tiểu, làm đẹp da, ngăn ngừa lão hóa… nên mủ trôm được nhiều người ưa chuộng. Tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, ông Tại bán mủ trôm với giá 300.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Mai-một du khách đến từ Nha Trang-cho biết: “Tôi thường mua mủ trôm có xuất xứ từ tỉnh Bình Thuận. Do mủ trôm có nhiều công dụng, lại khá ngon nên gia đình tôi rất thích dùng. Tham gia Festival, biết đến sản phẩm mủ trôm của ông Tại, tôi đã giới thiệu cho người thân ở Gia Lai mua dùng thử”.

Do mới thu hoạch từ năm 2017 nên cây trôm của gia đình ông Tại cho lượng mủ chưa nhiều. Theo ông Tại, hiện đầu ra sản phẩm cũng chưa ổn định, chủ yếu bán cho người dân trong huyện và ở TP. Đà Nẵng. “Tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu mủ trôm Ngọc Tại và liên hệ để tìm đầu ra bền vững cho loại sản phẩm mới này. Khi có thị trường, tôi sẽ nhân rộng diện tích, đầu tư máy móc để chế biến mủ trôm tốt hơn”-ông Tại chia sẻ.

Thủy Bình

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang