• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Ông Dị làm giàu từ trồng sâm nam rừng

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 08/12/2018
Ngày cập nhật: 10/12/2018

Ông Dị (trái) trao đổi kinh nghiệm trồng sâm nam với cán bộ Hội Nông dân xã Hòa Bình 1 - Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Hơn 15 năm tìm tòi, nghiên cứu, trồng thử nghiệm cây sâm nam rừng trên đất vườn, đến nay, ông Lê Tư Dị (SN 1950) ở thôn Lạc Nghiệp, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) đã ươm trồng thành công cây sâm nam rừng. Bình quân, mỗi năm từ ươm trồng sâm nam rừng ông có thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Ông Lê Tư Dị cho biết: Cách đây khoảng 15 năm, ở quê tôi có rất nhiều gia đình sinh sống bằng nghề đi hái lá sâm nam ở các vùng rừng núi khu vực Đèo Cả (huyện Đông Hòa) hoặc ở huyện Đồng Xuân.

Thường sau mỗi ngày đi rừng, mọi người đem về được vài ký lá sâm nam bán để chế biến thức ăn giải nhiệt, bồi bổ cơ thể. Mặc dù nhu cầu khá cao nhưng nguồn lá sâm nam lại rất hạn chế nên từ đó tôi nảy ra ý định nhân giống trồng loại cây này tại vườn nhà.

Hồi đó, tôi thuê những người đi hái lá sâm nam đào củ đem về trồng. Ban đầu cây phát triển tốt nhưng chỉ thu được một mùa lá là cây chết, không sống được. Sau nhiều lần trồng thất bại tôi mới nghiệm ra được nguyên nhân là vì củ sâm nam được bứng về từ rừng bộ rễ đứt gãy, tổn thương nhiều, khó phục hồi nên qua mùa mưa là không thể sống được. Vì vậy tôi bắt đầu nghĩ đến việc ươm hạt giống trồng.

Tuy nhiên khi đó vì còn đang công tác tại xã, thời gian không nhiều nên ông Dị đành gác sang một bên. Đến năm 2010, sau khi nghỉ hưu, ông Dị bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Hồi đó, ông Dị lặn lội vào tận Bình Thuận, tìm đến các vùng trồng sâm nam rừng ở đây để học hỏi kinh nghiệm ươm giống, chăm sóc cây con... Sau đó, ông mua về 3kg hạt giống sâm nam rừng với giá 1,8 triệu đồng/kg.

Theo ông Dị, hạt giống sâm nam rừng nhỏ hơn hạt tiêu, lại rất cứng, việc ươm trồng đòi hỏi nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm. Thường các hạt giống khác ươm khoảng 3-5 ngày sẽ thấy nảy mầm nhưng giống sâm nam này phải ươm khoảng 18 ngày mới nảy mầm. Sau khi hạt nảy mầm vẫn phải duy trì các điều kiện ẩm độ, nhiệt độ cần thiết để nuôi cây đến 30 ngày mới đưa bầu giống ra ngoài trời, sau đó trồng đến 4 tháng, cây cao khoảng 20cm mới đưa ra đất.

Thời gian đầu, vì thiếu kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ ươm thành công thấp. Tuy nhiên, nhờ sự chịu khó học hỏi, đến năm 2014, ông đã ươm trồng thành công cây sâm nam rừng trên đất vườn và xây dựng mô hình trồng sâm nam rừng thương phẩm trên diện tích 1.000m2. Ông Dị nói: “Sâm nam rừng là loài cây dây leo nên khi trồng phải làm giàn cho dây bò theo.

Để đạt hiệu quả tối ưu, thuận lợi nhất khi thu hoạch tôi trồng cây cách cây khoảng 25-30cm, mỗi cây tôi buộc một dây leo thẳng từ gốc lên cho cây bò thẳng để dễ dàng thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn đầu tư hệ thống tưới tự động cho vườn sâm nam rừng. Nhờ đầu tư bài bản nên các chi phí chăm sóc giảm đáng kể.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm ươm trồng sâm nam rừng, tôi nhận thấy loại cây này rất phù hợp với vùng đất đỏ bazan, ưa nước nhưng lại không chịu úng. Ở những vùng trũng thấp, thường bị ngập thì tỉ lệ cây chết khi đến mùa mưa khá cao”.

Từ khi xây dựng được mô hình trồng sâm nam rừng, ông Lê Tư Dị còn tiến hành thu hạt ươm cây giống cung cấp ra thị trường. Mỗi năm một lần, cây sâm nam rừng sẽ ra hoa và đậu hạt vào khoảng tháng 8, tháng 9, vào mùa này ông thu hạt giống và tiến hành ươm trồng cây con.

Ông Dị cho biết: Từ năm 2017, nguồn giống có nhiều nên lượng cây giống tôi bán ra thị trường cũng đạt cao, đỉnh điểm có năm tôi cung ứng 30.000 cây giống cho người dân với giá 3.000 đồng/cây. Cùng với đó, mỗi năm vườn sâm nam rừng còn cho thu hoạch được 6 đợt lá (thu từ tháng 2 đến tháng 8) với sản lượng khoảng 1,2 tấn, bán với giá từ 80.000-140.000 đồng/kg tùy thời điểm. Từ trồng sâm nam rừng, mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình 1 Châu Minh Tùng nhận xét: Bằng sự chịu khó, ham học hỏi, nghiên cứu ông Lê Tư Dị đã thành công trong việc ươm, trồng sâm nam rừng trên đất vườn. Từ đó, ông Dị cung ứng ra thị trường nguồn cây giống để trồng sản xuất, góp phần giữ gìn giống cây quý của tỉnh.

SƠN CA

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang