• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người trồng tiêu lao đao vì tiêu chết hàng loạt

Nguồn tin: Báo Bình Dương, 3/12/2018
Ngày cập nhật: 3/12/2018

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng bởi giá cả xuống thấp, thời tiết thất thường khiến cho người trồng tiêu trong tỉnh Bình Dương nói chung, tại huyện Phú Giáo nói riêng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vụ tiêu 2018-2019, nhiều vườn tiêu trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt khiến cho nhiều hộ trồng tiêu có nguy cơ lỗ nặng!

Người trồng tiêu bất lực

Ông Nguyễn Kim Thành người có hàng chục năm gắn bó với cây tiêu ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, than thở nhiều năm gắn bó với cây tiêu những tưởng vụ tiêu năm 2017 đã “xuống đáy” với người trồng tiêu rồi, nhưng vụ mùa năm nay còn khó khăn hơn do không những giá không tăng mà nhiều trụ tiêu của gia đình bị chết khô, có nguy cơ phá sản. Theo ông Thành, năm nay cây tiêu chết hàng loạt, bất thường, người trồng tiêu không kịp chống đỡ; những cây còn sống dù phát triển tốt nhưng bông chỉ lác đác và chuỗi hạt rất ngắn. Ước sản lượng tiêu của gia đình ông năm nay giảm đến 50 - 60% so với vụ tiêu 2017-2018.

“Giá tiêu thấp nhưng năng suất cao thì người trồng tiêu chúng tôi còn có đồng ra đồng vào. Đằng này, vụ mùa năm nay giá tiêu không nhích lên, trong khi năng suất vườn cây lại giảm, thậm chí có vườn tiêu mất trắng. Cứ tình hình này còn kéo dài chắc chúng tôi bỏ thu hoạch luôn, bởi thu hoạch càng lỗ nặng hơn. Tôi dự tính để vườn tiêu của gia đình chín đỏ và tự rụng, rồi tranh thủ nhặt tiêu chín để dành hoặc ai có nhu cầu thì bán, chứ thuê mướn người thu hoạch như những năm trước thì coi như không còn gì nữa”, ông Thành thở dài nói.

Một vườn tiêu ở Phú Giáo có nhiều cây bị chết. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Cũng tâm trạng như ông Thành, ông Nguyễn Đăng Liệu, ở xã Phước Sang, cho biết người nông dân trồng tiêu như ông lâu nay vẫn chấp nhận làm nông năm được mùa năm mất mùa, nhưng năm nay việc tiêu chết hàng loạt, bất thường thì thật là quá khổ sở đối với người trồng tiêu. Vườn tiêu hơn 3 ha của gia đình ông được trồng và chăm sóc theo hướng an toàn sinh học hữu cơ. Hiện vườn tiêu của gia đình ông bị chết rụi khoảng 20% diện tích, năng suất giảm chỉ còn 60 - 70% so với vụ tiêu 2017-2018.

Sớm có giải pháp căn cơ

Theo ông Liệu, những bệnh thường gặp và có ảnh hưởng lớn đến cây tiêu là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, cùng với đó là tuyến trùng. Các bệnh chết nhanh, chết chậm thường bùng phát trên cây tiêu vào thời điểm giao mùa mưa - nắng, nắng - mưa. Do vậy, ngay từ đầu, trong quá trình chăm sóc vườn tiêu, nhất là chăm sóc theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ như vườn tiêu của gia đình ông, ông luôn chủ động trong việc phòng trừ những bệnh này. Vậy nhưng, vụ tiêu 2018-2019, ông đành bất lực trước việc tiêu chết hàng loạt. Nếu tình trạng này kéo dài, gia đình ông sẽ bỏ cây tiêu, chuyển sang canh tác loại cây khác.

Ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo, cho biết trước tình hình nói trên, đối với diện tích cây tiêu bị chết người trồng nên có những biện pháp xử lý cơ bản theo hướng dẫn kỹ thuật, sau đó trồng dặm lại; đối với những diện tích tiêu còn lại đang cho trái cần tập trung vào việc chăm bón để cây tiêu có sức nuôi trái, với các loại phân bón phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây tiêu. Bên cạnh đó, người trồng tiêu hết sức lưu ý trong quá trình chăm sóc vườn tiêu đó là cây tiêu rất mẫn cảm với những giai đoạn thời tiết giao mùa, chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, hay từ mùa mưa qua mùa nắng. Thực tiễn cho thấy, bệnh chết dây tiêu chủ yếu xuất hiện vào các tháng 11, 12 và tháng 1 hàng năm khi trời bắt đầu chuyển qua lạnh.

Người trồng tiêu cũng cần lưu ý đến một biện pháp phòng bệnh chết dây tiêu rất đơn giản nhưng hiệu quả, đó là nên giữ cỏ trong vườn tiêu. Việc giữ cỏ trong vườn tiêu nhằm mục đích giữ ẩm và chống nhiệt độ đất tăng cao trong mùa nắng, chống lại sự lèn mặt đất, đóng váng trong mùa mưa, đồng thời tạo hệ sinh thái tốt giúp chống lại bệnh gây chết dây tiêu.

HOÀI PHƯƠNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang