• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Điện Biên: Người dân Mường Ảng vẫn lao đao vì cà phê mất mùa, mất giá

Nguồn tin: VOV, 27/11/2018
Ngày cập nhật: 28/11/2018

Cà phê liên tục rớt giá, đặc biệt là vụ cà phê năm nay mất cả mùa lẫn giá, khiến nhiều người dân Mường Ảng, Điện Biên lao đao.

Huyện Mường Ảng là vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Điện Biên với sản lượng chiếm đến 90%. Nhiều năm qua, cây cà phê được chính quyền địa phương xác định là cây trồng chủ lực trong việc xóa đói giảm nghèo.

Bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2007, đến nay toàn huyện Mường Ảng có hơn 3.300 héc ta cây cà phê, tập trung ở các xã: Ẳng Cang, Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Búng Lao, Mường Đăng, Ngói Cáy và thị trấn Mường Ảng. Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân huyện, giá cà phê từ năm 2012 đến nay có nhiều biến động và giảm mạnh. Các niên vụ 2015 đến 2017 giá thu mua chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg quả tươi; riêng năm nay đặc biệt thấp, chỉ từ 4.000 - 6.000 đồng/kg quả tươi.

Vụ cà phê năm nay, người dân Mường Ảng mất cả mùa, mất cả giá

Giá thấp, thời tiết không thuận lợi, người dân không mặn mà chăm sóc khiến sản lượng năm nay cũng giảm mạnh theo. Niên vụ 2018 năng suất cà phê ở Mường Ảng chỉ ước đạt 8 tạ/ha, sản lượng cà phê trấu khoảng 2.500 tấn; giảm hơn 3 lần so với niên vụ 2017. Điều này khiến các hộ dân trồng cà phê tại đây đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Tòng Văn Chung, người dân bản Búng 1, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết: gia đình ông có 4 héc ta cà phê, hiện tại đã thu hái được khoảng 4 tấn quả tươi. Giá đầu vụ là 5.300 đồng/kg quả tươi, trừ công hái cho nhân công mất 2.000 đồng/kg, còn lại phải lo rất nhiều chi phí. Nếu không tiếp tục trồng cà phê thì không có công ăn việc làm, mà đầu tư sẽ lỗ vốn.

“Giá cả bấp bênh, đầu vụ chỉ có 3.000 – 4.000 đồng/kg, cuối vụ khoảng 6.000 đồng/kg. Không đầu tư, không làm thì không có công ăn việc làm. Nói chung là quá vất vả vì đầu tư vào là lỗ vốn”, ông Chung chia sẻ.

Chủ trương của huyện Mường Ảng là vẫn sẽ tiếp tục duy trì ổn định những diện tích cà phê hiện có

Cùng chung suy nghĩ với ông Chung, ông Bạc Cầm Phiu (ở bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) cho biết, mấy năm gần đây người trồng cà phê trên địa bàn phải chịu cảnh lỗ vốn liên tục. Nhiều người không chịu được đã phải tự thay đổi sang loại cây trồng khác. Tuy nhiên, hầu hết bà con vẫn cố bám trụ vì loại cây này đã gắn bó với họ nhiều năm nay và đầu tư vào không ít tiền của, công sức. Ông và nhiều người dân khác mong chính quyền địa phương sớm tìm ra giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm cà phê.

“Hiện nay thị trường cà phê rất bấp bênh, nhưng đối với gia đình đã gắn bó rồi thì không thể nào bỏ được vì khoản đầu tư đã quá nhiều. Mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ tìm con đường có đầu ra ổn định cho bà con khi đã sản suất đầu tư về cây cà phê”, ông Bạc Cầm Phiu kiến nghị.

Về vấn đề này, chính quyền huyện Mường Ảng cũng thừa nhận, việc trồng cà phê những năm qua mới chỉ quan tâm đến vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm, chưa chú trọng đến thị trường tiêu thụ, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp bên ngoài khiến người trồng cà phê bị ép giá.

Tuy nhiên, chủ trương của huyện vẫn sẽ tiếp tục duy trì ổn định những diện tích cà phê hiện có. Bởi đây vẫn là loại cây trồng mang lại lợi nhuận lớn, giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Theo tính toán, hằng năm, thu nhập cho người lao động nhân công tại các vườn cà phê lên đến trên 100 tỷ đồng.

Tỉnh Điện Biên cần sớm tìm ra các giải pháp cụ thể hơn trong việc tìm đầu ra ổn định cho cây cà phê

Để giải quyết những khó khăn trước mắt, chính quyền huyện Mường Ảng đang tiếp tục đề nghị tỉnh Điện Biên cân nhắc các chính sách hỗ trợ cho người trồng cà phê về vật tư, phân bón. Ngoài ra, cũng đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giá đối với bà con khi giá cà phê thấp hơn 5.000 đồng/kg quả tươi.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết, quan điểm của huyện dù có những bước thăng trầm nhưng sẽ vẫn duy trì ổn định diện tích cà phê hiện có và tập trung phát triển diện tích cà phê ở những hộ gia đình có điều kiện, những vùng đất có thể phát triển tốt cây cà phê.

“Hiện nay chúng tôi cũng đã đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ vật tư phân bón cho người trồng cà phê. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ban hành cơ chế hỗ trợ giá, khi giá cà phê xuống dưới 5.000 đồng/kg thì tỉnh nên có chính sách hỗ trợ để làm sao cho người trồng cà phê ít nhất là hòa vốn không bị bù lỗ”, ông Hiệp cho biết thêm.

Theo định hướng giai đoạn 2018 - 2020, huyện Mường Ảng sẽ giữ vững diện tích cà phê hiện có, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cà phê toàn huyện đạt 3.500 ha, sản lượng cà phê trấu đạt trên 8.000 tấn.

Song với việc giá cà phê liên tục xuống thấp, bị ép giá, địa phương chưa có chỉ dẫn địa lý cho nông sản, cơ sở hạ tầng các tuyến đường giao thông liên xã, liên bản, đường vào khu sản xuất còn yếu, chưa đồng bộ thì tỉnh Điện Biên cần sớm tìm ra các giải pháp cụ thể hơn trong việc tìm đầu ra ổn định cho cây cà phê, tạo thị trường lành mạnh giúp người dân yên tâm sản xuất./.

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang