• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chủ động phòng trừ dịch bệnh hại cây hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 29/01/2018
Ngày cập nhật: 30/1/2018

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có hơn 2.494 ha hồ tiêu, sản lượng thu hoạch năm 2017 đạt hơn 2.279 tấn, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người nông dân. Tuy nhiên thời gian qua, thời tiết diễn biến bất thường, mưa rét kéo dài gây ngập úng, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như tạo tâm lý lo lắng cho người dân. Trước tình hình đó, công tác phòng ngừa dịch bệnh trên cây hồ tiêu đang được các ngành chức năng và người trồng hồ tiêu chủ động triển khai.

Hướng dẫn người dân đào rãnh để thoát nước trong vườn tiêu

Gia đình ông Nguyễn Đăng An ở tại thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh có gần 6 sào hồ tiêu, hàng năm cho thu hoạch trên dưới 1 tấn hạt tiêu khô. Thời gian qua do mưa rét kéo dài, hàng loạt cây hồ tiêu đang xanh tốt trong vườn nhà ông bỗng nhiên rụng lá, rụng quả rồi chết rất nhanh. Theo ông An, từ trước đến nay ông chưa thấy cây tiêu bị bệnh gì mà lây lan nhanh, chết nhanh như thế này. Ban đầu chỉ có mấy gốc bị chết, nay lan ra khắp vườn với hơn 100 cây. Cây tiêu rụng hết lá, hết quả rồi chết rất nhanh. “Mọi chi tiêu trong gia đình tôi lâu nay chỉ trông chờ vào mấy gốc tiêu đó, giờ không biết làm thế nào đây”, ông An không giấu được vẻ lo lắng.

Theo chị Trần Thị Hà, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Hòa, hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của xã với tổng diện tích 130 ha, hàng năm mang lại thu nhập cho người dân hàng chục tỷ đồng Tuy nhiên thời gian qua do tình trạng mưa rét kéo dài đã làm cho nhiều vườn tiêu trên địa bàn xã ngập úng, nhiều cây tiêu bị chết với các dấu hiệu đặc trưng là vàng lá, héo úa, rụng lá, rụng quả, gốc cây bị thối đen, lá chuyển sang màu vàng trước khi rụng, dây thân tiêu thâm đen. Cây tiêu chết rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ từ 1 - 2 tuần, cây tiêu chết khô nhưng các thân dây chính vẫn bám trên trụ. Không chỉ gây chết nhanh mà bệnh này còn lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở những vườn tiêu thoát nước kém. “Theo thống kê, đến thời điểm này toàn xã đã có hơn 16 ha hồ tiêu bị chết. Hàng loạt vườn tiêu mới cho thu hoạch vài năm bị nhiễm bệnh chết đã gây thiệt hại lớn cho người dân”, chị Hà nói.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu, ông Ngô Toàn Thắng, Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Vĩnh Linh cho biết, trong thời gian từ tháng 10/2017 đến đầu tháng 1/2018 do thời tiết không thuận lợi, mưa rét liên tục dẫn đến nhiều vườn tiêu trên địa bàn huyện bị ngập úng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên cây hồ tiêu, đặc biệt là bệnh chết nhanh phát sinh và gây hại. Trước tình hình trên, Trạm TT&BVTV huyện đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về tận các xã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, trạm cũng khuyến cáo với người dân về việc phải thường xuyên phun thuốc để phòng cho cây tiêu trước khi dịch bệnh tấn công, đồng thời các hộ gia đình cần tăng cường công tác vệ sinh vườn tiêu, bổ sung thêm các loại phân bón để cây có đủ sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh. Khi mưa rét kéo dài phải bảo đảm việc thoát nước trong vườn để cây tiêu không bị ngập úng; thường xuyên theo dõi diễn biến các loại bệnh, nếu phát hiện dịch bệnh thì cần phải cách ly và tiêu hủy nhanh chóng các cây nhiễm bệnh để tránh lây lan trên diện rộng.

Còn tại huyện Gio Linh, sau những đợt mưa kéo dài vào những tháng cuối năm 2017 cho đến thời điểm hiện tại cây tiêu tiếp tục nhiễm bệnh và chết do nhiễm bệnh từ trước gặp điều kiện ẩm độ cao, chăm sóc, phòng trừ bệnh kém. Tính đến thời điểm này toàn huyện đã có 187 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, trong đó có 6 ha bị chết hoàn toàn. Tỷ lệ bệnh trung bình 4%, nơi cao 50%, gây hại ở các xã Gio An, Hải Thái, Trung Sơn, Linh Hải, Gio Phong...Ngoài bệnh chết nhanh, một số bệnh như bệnh chết chậm, tuyến trùng cũng gây hại nặng; bệnh thán thư, đốm lá, bọ xít lưới cũng phát sinh gây hại từ mức nhẹ đến trung bình.

Theo chị Võ Thị Tuyết Trinh, Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh, nguyên nhân dịch bệnh chết nhanh bùng phát trên cây hồ tiêu đó là do tập quán trồng âm để chống hạn nên rất khó thoát úng trong mùa mưa, làm cho vườn tiêu bị đọng nước, ẩm độ cao thuận lợi cho bệnh gây hại. Đa số các vườn tiêu bị bệnh đều không phòng bệnh đầu mùa mưa, bón phân chuồng chưa hoai mục, tuyến trùng gây hại nặng làm cho bộ rễ bị tổn thương dễ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, cơn bão số 10 năm 2017 đã gây gió mạnh, mưa lớn, làm đổ ngã các trụ tiêu ở một số vườn, làm bộ rễ tiêu bị tổn thương. Nhưng tại thời điểm đó, đa phần người dân chỉ buộc lại dây tiêu, chống lại trụ, không xử lý thuốc để phòng bệnh tấn công vào các vết thương. “Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, trạm đã chủ động hướng dẫn người dân triển khai một số biện pháp phòng trừ bệnh như: Xử lý thuốc, thu gom nguồn bệnh đưa ra khỏi vườn và tiêu hủy. Tuy nhiên diện tích phòng trừ chưa được nhiều do đa số người trồng tiêu theo hình thức quảng canh, trồng trong vườn nhà nên ngại xử lý thuốc hóa học. Bên cạnh đó, đa số vườn tiêu đã lâu năm, trồng xen nhiều loại cây khác như nghệ, gừng, bơ, … làm ẩm độ trong vườn cao, thoát nước kém, nước chảy từ vườn này sang vườn khác tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan phát tán”, chị Trinh cho biết.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết, do tình hình khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều đợt mưa lớn kéo dài đã làm ngập úng hơn 300 ha hồ tiêu, gây hiện tượng rụng lá và chết 100 ha tại các huyện trọng điểm trồng hồ tiêu trong tỉnh. Mưa lớn, độ ẩm cao cũng đã tạo điều kiện cho bệnh chết nhanh gây hại 267,5 ha ở các vùng trồng tiêu, trong đó gây hại nặng 23 ha tại huyện Gio Linh và Vĩnh Linh..., bệnh có khả năng bùng phát trên diện rộng và gây hại nghiêm trọng các vườn hồ tiêu khác nếu không có biện pháp xử lý kịp thời và triệt để. Đây là bệnh do nấm Phytophthora spp gây nên. Loài nấm này tấn công ở bộ rễ và phần thân nằm trong đất của cây tiêu, khiến các mầm ngừng phát triển, lá chuyển màu xanh nhạt rồi biến màu vàng và rụng, phần dây thân trên mặt đất có dấu hiệu héo. Triệu chứng này xảy ra khá nhanh, chỉ sau một vài tuần sẽ làm chết cả cây tiêu. Nấm bệnh thường phát sinh, xâm nhiễm và gây hại rễ tiêu vào đầu hoặc giữa mùa mưa nhưng cuối mùa mưa mới gây chết hàng loạt. Bệnh phát sinh và lây lan mạnh nếu vườn không được thoát nước tốt, không làm tốt khâu vệ sinh vườn cây, bón phân không cân đối. Nguồn bệnh chết nhanh tồn tại trong đất, trong tàn dư cây bệnh, lây lan qua những cây khác bằng nhiều con đường như qua dụng cụ làm đất, qua các loại côn trùng, đặc biệt là lây lan qua nguồn nước, do đó chỉ cần trong vườn có một vài cây bị bệnh, bệnh sẽ nhanh chóng lây lan cho các cây khác trong vườn khi có mưa lớn, nước chảy tràn trên bề mặt của vườn tiêu dẫn tới việc tiêu chết hàng loạt.

Do vậy, để chủ động phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu theo bà Nguyễn Hồng Phương với những vườn bị ngập úng nông dân cần thực hiện gấp các giải pháp như: Tìm mọi biện pháp để nhanh chóng thoát nước trong vườn tiêu và hạ thấp mạch nước ngầm bằng cách đào rãnh sâu để thoát nước; hạn chế đi lại trong vườn, không được bón thêm các loại phân hoặc phun thuốc kích thích khi chưa xử lý thuốc phòng bệnh. Khi trời tạnh ráo tiến hành sử dụng các loại thuốc hóa học đặc hiệu như: Agrifos-400, Ridomil gold 68WP, Mataxyl 500WP... bằng cách phun lên toàn bộ cây và tưới vào gốc với liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất để phòng bệnh chết nhanh hại hồ tiêu. Đối với bệnh chết nhanh hại hồ tiêu cần thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột; cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, hạn chế lây lan nguồn nấm bệnh từ đất lên; sau đó sử dụng các loại thuốc hóa học đặc hiệu như trên để phòng trừ bệnh. “Điều quan trọng là bà con nông dân cần phải thay đổi tập quán trồng “âm”, công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vườn tiêu phải được quan tâm đúng mức, tiến hành thường xuyên, không nên để đến khi bệnh gây hại nặng mới tiến hành xử lý thì hiệu quả trị bệnh mang lại không cao, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất tiêu. Bên cạnh đó chúng tôi cũng khuyến khích các hộ nông dân áp dụng các biện pháp trồng hồ tiêu theo hướng bền vững, hữu cơ, sinh học. Sử dụng giống có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng; không nên phát triển diện tích hồ tiêu trồng mới ở những vùng không đủ điều kiện canh tác, vùng có mực nước ngầm cao”, bà Phương chia sẻ.

Thục Quyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang