• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phải tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu!

Nguồn tin: Mard, 26/01/2018
Ngày cập nhật: 27/1/2018

Đó là nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững” tại TP HCM do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu nước ta tăng rất nhanh. Năm 2010 cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha, năm 2014 là 85,591 ngàn ha. Đến hết 2017 là 152.668ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016 và vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.

Sự gia tăng diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng diện tích hồ tiêu thế giới. Năm 2010, thế giới trồng 443.881ha. Đến năm 2015 là 518.823ha, tăng xấp xỉ 75 nghìn ha so với năm 2010, tập trung chủ yếu ở Việt Nam.

Diện tích tiêu tăng nhanh ở Việt Nam và một số nước khác, đã làm gia tăng mạnh sản lượng trên toàn cầu. Sản lượng tiêu toàn thế giới năm 2016 đạt 434.000 tấn đến năm 2017 đã tăng lên 510.000 tấn. Theo nghiên cứu của Nedspice, nguồn cung đang bắt đầu vượt quá nhu cầu và có sự tăng đáng kể mức dự trữ tồn kho ở các nước sản xuất tiêu trên thế giới. Trong giai đoạn 2012 – 2017, mức tăng sản xuất là 5,5% trong khi mức tăng nhu cầu chỉ đạt 2,4%/năm. Dự báo trong giai đoạn tới 2017 – 2030, nguồn cung tiềm năng sẽ đạt thấp nhất là 420.000 tấn và cao nhất là 670.000 tấn.

Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, riêng trong năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu. Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu với nông dân không được như những năm trước. XK tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước NK như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan.

Do cung vượt cầu, giá tiêu trên thế giới nói chung và giá tiêu ở Việt Nam đã liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Hiện tại, giá tiêu ở Việt Nam chỉ còn hơn 60.000 đ/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là hơn 49.000 đ/kg. Sự phát triển quá “nóng” của diện tích hồ tiêu đang là nguyên nhân chính gây ra những bất cập lớn cho cả ngành hàng như tình trạng dịch bệnh gia tăng, báo động dư lượng thuốc BVTV do thâm canh quá mức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sự phát triển “thần tốc” của ngành hồ tiêu trong những năm qua đang đặt ra những vấn đề lớn mà nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm cho hồ tiêu bị tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.

Trước hết, diện tích tiêu tăng quá nhanh nên không thể kiểm soát được. Nghiên cứu khoa học, công nghệ và công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của hồ tiêu. Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị XK hơn 1 tỷ USD mà đến nay vẫn chưa có giống tiêu nào được công nhận là không thể chấp nhận được. Hay việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu.

Chính vì vậy, Bộ trưởng cho rằng từ nay, với cây tiêu, không đi theo con đường “thi” năng suất, sản lượng nữa, mà phải là chất lượng. Phải tập trung tái cơ cấu ngay ngành hàng hồ tiêu. Trước hết, diện tích hồ tiêu không những không được tăng thêm nữa mà phải giảm xuống. Theo đó, tập trung giảm ở những nơi không phù hợp với cây tiêu, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ sản lượng hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu, tiêu là gia vị nên lượng sử dụng có hạn…, vì thế không nên phát triển ồ ạt diện tích, sản lượng.

Bộ NN-PTNT phải tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ngay ra được những giống tốt để công nhận giống. Đồng thời, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái.

Về sản xuất, cần đẩy mạnh các mô hình liên kết chuỗi. Đây là con đường tất yếu để phát triển bền vững cho ngành hàng hồ tiêu. Nếu không liên kết, các DN cũng sẽ không thể tồn tại được. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải nâng cao vai trò đối với sự phát triển của hồ tiêu Việt Nam và vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ban Biên tập tổng hợp

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang