• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cây tiêu chết hàng loạt, người dân xã nghèo lo lắng

Nguồn tin: Báo Nhân Dân, 05/09/2018
Ngày cập nhật: 9/9/2018

Vườn tiêu 800 gốc của ông Phan Văn Thảnh chỉ còn 70 gốc khi cây tiêu chết hàng loạt

Khoảng một năm nay, hàng chục héc-ta trồng tiêu của người dân xã nghèo Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đang xanh tươi bỗng nhiên vàng lá rụng dần rồi chết. Mặc dù đã tìm mọi cách phòng trị dịch bệnh nhưng tình trạng cây tiêu chết vẫn không giảm khiến người dân hết sức lo lắng.

Khi nghe chúng tôi hỏi về tình trạng cây tiêu chết hàng loạt, ông Trần Đức Dục ở thôn 4, xã Quảng Thạch vội vàng dẫn chúng tôi ra thẳng vườn tiêu của gia đình, nói: “Các chú coi, với hơn 600 gốc tiêu, trong đó hơn một nửa đã thu hoạch, ít nhất mỗi năm gia đình tui thu nhập 50 triệu đồng, thế nhưng khoảng một năm trở lại đây, vườn tiêu bỗng nhiên vàng lá rồi chết dần khiến gia đình đứng ngồi không yên. Tui lên xã hỏi rồi lên tận Trạm bảo vệ thực vật huyện hỏi mua thuốc về phun, mua vôi rắc xuống gốc nhưng không ăn thua. Tiêu vẫn héo vàng rồi chết rụi. Chú xem ở xã nghèo này, ruộng đất ít, chỉ đồi núi, có cây tiêu để mang lại nguồn thu, rứa mà chết rụi hết thì biết làm chi đây.”

Không chỉ gia đình ông Dục mà hàng chục hộ khác ở xã Quảng Thạch cũng lo lắng trước tình trạng cây tiêu nối tiếp nhau chết hàng loạt. Nhiều gia đình bỏ công, bỏ sức gây dựng vườn tiêu nhiều năm qua với chi phí hàng trăm triệu đồng nay đành bất lực nhìn những gốc tiêu dần lụi tàn.

Ông Phan Văn Thảnh có 800 gốc tiêu giờ chỉ còn chưa tới 70 gốc. Ngồi thẫn thờ bên hàng tiêu, ông Thảnh bảo, vườn tiêu này mỗi năm mang lại cho ông gần 100 triệu đồng, từ đó để tích lũy làm nhà cửa, mua sắm vật dụng, cho con cái ăn học. Ông đang có ý định đầu tư trồng thêm khoảng 300 gốc nhưng chưa kịp thực hiện thì phải dừng lại do tiêu trong vườn chết nhiều.

“Cả vườn cây đang xanh tươi thì ngả héo vàng rồi từ chết từ ngọn xuống gốc, ban đầu chỉ một cây, rồi vài cây và cả khu vườn, kể cả những cây vừa mới trồng xen. Tui đoán đây là bệnh nấm như trên ti-vi từng nói đến. Tui tự mua thuốc bảo vệ thực vật về chữa trị cho tiêu nhưng không hiệu quả. Rất mong cán bộ kỹ thuật về tìm hiểu, sớm giúp bà con cách chữa trị dứt điểm bệnh tiêu chết hàng loạt” - ông Thảnh nói.

Cũng theo ông Phan Văn Thảnh, tình trạng cây tiêu chết hàng loạt làm cho nhiều gia đình mất vốn đầu tư. Có nhà thuê máy xúc đào bỏ gốc tiêu, xới lại đất nhưng vẫn loay hoay chưa biết trồng cây gì để có thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Phan Thanh Sơn cho biết, cây tiêu có mặt ở vùng đồi Quảng Trạch đã hàng chục năm nay và khá hợp với chất đất. Hiện toàn xã có 140 ha trồng tiêu, trong đó có 100 ha đang vào thời kỳ thu hoạch mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên đến nay, hơn 30% diện tích tiêu chết chưa rõ nguyên nhân và mức độ lây lan còn cao. UBND xã đã cử cán bộ phụ trách nông nghiệp về tận các gia đình hướng dẫn biện pháp phòng trừ nhưng chưa đạt kết quả. Việc tìm nguyên nhân và biện pháp chữa trị bệnh cây tiêu chết hàng loạt này tương đối khó, phải cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên ngành cấp trên.

Cây tiêu chết dần từ ngọn nên người dân xã Quảng Thạch phải cắt bỏ phần ngọn để hạn chế lây lan bệnh.

Theo Phó trưởng phòng NN và PTNT huyện Quảng Trạch Võ Xuân Hồng, nhận được phản ánh của người dân, Phòng đã cử cán bộ xuống cơ sở xem xét, bước đầu nhận định, hiện tượng cây tiêu chết hàng loạt do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là bệnh chết chậm, do tuyến trùng và một số nấm bệnh khác trong đất gây hại. Trên cơ sở đó, Phòng NN và PTNT huyện khuyến cáo biện pháp phòng trừ cho người dân. Mặc dù đã có khuyến cáo, song trên thực tế, theo nhiều nông dân xã Quảng Thạch, biện pháp mà cơ quan chức năng của huyện Quảng Trạch đưa ra vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hiện tượng cây tiêu chết hàng loạt vẫn chưa dừng lại.

Cây tiêu là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân vùng đồi núi xã Quảng Thạch. Việc cây tiêu chết hàng loạt khiến cho cuộc sống của bà con ở xã nghèo này gặp nhiều khó khăn. Do đó, các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cần sớm tìm ra giải pháp để hạn chế tình trạng cây tiêu chết hàng loạt, giúp người dân sớm hồi phục sản xuất để ổn định cuộc sống.

HOÀNG PHÚC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang