• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đề phòng bệnh khảm lá virus trên khoai mì

Nguồn tin: Báo An Giang, 06/09/2018
Ngày cập nhật: 7/9/2018

Đây được xem là dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, nguy cơ gây thiệt hại nặng đến năng suất và sản lượng khoai mì nếu không có biện pháp quản lý, phòng chống hiệu quả và triệt để.

Hầu hết các giống đều bị gây hại

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), bệnh khảm lá virus hại sắn (khoai mì) có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng khoai mì. Hiện nay, bệnh đã xuất hiện và gây hại tại một số tỉnh ĐBSCL. Bệnh gây hại trên hầu hết các giống khoai mì nhưng gây hại nặng trên các giống HLS11, KM419. Nhiều hộ dân sử dụng nguồn giống trong vùng dịch, giống nhiễm bệnh để trồng nên bệnh có nguy cơ lây lan nhanh ra diện rộng, gây hại nghiêm trọng hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, trên địa bàn An Giang canh tác khoảng 450ha khoai mì, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Để chủ động phòng, chống bệnh khảm lá khoai mì, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện có sản xuất khoai mì phân công các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát các diện tích trồng khoai mì để phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời; ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây khoai mì đã nhiễm bệnh làm giống, đồng thời tăng cường kiểm soát không để các tổ chức, cá nhân vận chuyển giống từ các địa phương đang có dịch bệnh về sử dụng để sản xuất. Đối với các Phòng NN&PTNT, tăng cường rà soát, phát hiện và thống kê diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá, hướng dẫn nông dân (ND) các biện pháp phòng, trừ bệnh theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật. Song song đó, tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn ND không trồng các giống khoai mì đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm mua, bán, trồng giống HLS11 và tích cực tổ chức phòng, trừ bọ phấn (môi giới truyền bệnh). “Khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng khoai mì chuyển sang các loại cây trồng khác hoặc không trồng khoai mì ít nhất 1 vụ để cắt đứt nguồn bệnh” - ông Lâm lưu ý.

Cần kiểm soát nguồn giống khoai mì, không sử dụng giống nhiễm bệnh

Tăng cường trách nhiệm

Đối với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), Sở NN&PTNT yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện sớm và chỉ đạo phòng, chống triệt để đối với các diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh, trong đó tập trung biện pháp tiêu hủy nguồn bệnh và phòng, trừ bọ phấn trắng. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các Trạm TT&BVTV tăng cường điều tra, phát hiện sớm bọ phấn trắng, bệnh khảm lá virus hại khoai mì và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, trừ kịp thời. Chi cục TT&BVTV hướng dẫn các địa phương sử dụng tạm thời một số loại thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam để phục vụ công tác chống dịch trong thời gian chưa có sản phẩm mới được đăng ký chính thức. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn giống khoai mì trên địa bàn, nhất là các vùng đã xác định có bệnh khảm lá virus, tuyệt đối không sử dụng giống có nhiễm bệnh để sản xuất; thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán giống khoai mì, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các giống mang mầm bệnh.

Đối với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống khuyến nông các cấp tập trung tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn tới hộ ND các biện pháp phòng, trừ bọ phấn trắng, bệnh khảm lá khoai mì. Trung tâm có trách nhiệm xây dựng các mô hình phòng, trừ bệnh có hiệu quả, kịp thời tổng kết và phổ biến kết quả mô hình để áp dụng trên diện rộng; tổ chức in ấn sổ tay, tờ rơi, Poster, thông tin tuyên truyền phòng, trừ bọ phấn trắng và bệnh khảm lá khoai mì.

Đối với Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi, Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ phối hợp Chi cục TT&BVTV tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng giống khoai mì đang canh tác trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và áp dụng rộng rãi các quy trình công nghệ sản xuất mới, sạch bệnh; phổ biến, chuyển giao các mô hình sản xuất mới có hiệu quả và tuyên truyền để người dân thực hiện đúng các quy định về sản xuất - kinh doanh giống.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang