• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tưới nước nhỏ giọt, nâng cao năng suất mía

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 05/09/2018
Ngày cập nhật: 6/9/2018

Các đại biểu tham quan mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại thị trấn Hai Riêng. Ảnh: HOÀI NAM

Niên vụ 2018 - 2019, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại các vùng nguyên liệu trên diện tích 3ha tại hai xã Sơn Phước, Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) và thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh). Mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm nước mà còn “giải hạn” cho cây trồng cạn, nâng cao năng suất cây mía, tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Ra Lan Thu ở xã Sơn Phước, có 1ha mía lưu gốc năm 2. Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía, ông Thu tiến hành tưới nước cho mía theo công nghệ Israel, kết hợp với bộ châm phân tự động. Trong quá trình sinh trưởng, cây mía mọc mầm mạnh, đẻ nhánh khỏe, tập trung, vươn lóng đều. Hiện chiều cao cây đạt 226,7cm, chiều cao nguyên liệu đạt 105cm, trong khi mía đối chứng chỉ đạt 180cm ở chiều cao cây và 85cm ở chiều cao nguyên liệu.

Ông Thu cho hay: Cùng điều kiện canh tác, giống, phân bón, năng suất của mô hình ước đạt 100 tấn/ha, trong khi đó năng suất mía trồng đại trà theo phương pháp truyền thống ăn nước trời chỉ đạt 50 tấn/ha. Tính đến thời điểm cuối tháng 8, tôi đã vận hành hệ thống tưới 2 lần/tháng, thời gian mỗi lần tưới từ 6 - 8 giờ/ha, tiêu hao trung bình 1 lít dầu diesel/giờ, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho mía từ thời kỳ nảy mầm cho đến vươn lóng, duy trì độ ẩm đất cho ruộng mía khoảng 70 - 80%.

Còn 1ha mía của ông Đoàn Đắc Miên ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) để gốc 4 năm cũng áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt. Hiện mía lưu gốc 4 năm của ông Miên có bộ lá xanh tốt, số lá xanh cao trong khi mía đối chứng lá bị vàng, chiều cao cây thấp, đường kính thân nhỏ do thiếu nước. “Cái hay của tưới nhỏ giọt là tưới được khu vực gò đồi, chỗ đất cao kéo ống đến phun ướt, cây mía xanh tươi. Còn tưới bằng máy hút nước xả ra ống tràn từ đám này qua đám khác, gặp chỗ gò cao nước không tràn qua được, mía sẽ khô héo”, ông Miên nói.

Đám mía tơ của bà Trần Kim Tuyến ở thị trấn Hai Riêng trồng từ tháng 3 vừa qua, mía được tưới đầy đủ nước trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển nên năng suất cao, dự kiến đạt 100 tấn/ha. Bà Tuyến cho hay: “Năm nay vùng này nắng hạn, mía nhà tôi nhờ áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt nên xanh tốt, còn mía trồng xung quanh đỏ che đỏ chét”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hai Riêng, thực hiện mô hình nói trên, sau khi được hướng dẫn ban đầu, nông dân tự vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Việc này đã “giải hạn” cho vùng trồng mía gặp thời tiết nắng nóng, qua đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập nên cần nhân rộng.

ThS Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, chủ nhiệm dự án, cho biết: Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại các vùng nguyên liệu ở Phú Yên đã được UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện từ năm 2018 - 2020. Qua theo dõi hơn 5 tháng, bước đầu chúng tôi đánh giá sơ bộ về ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía.

Theo đó, cả ba mô hình cây mía mọc mầm khỏe, đều; đẻ nhánh khỏe, tập trung, vươn lóng đều và sinh trưởng tốt, mặc dù từ tháng 3 đến tháng 8 tại các địa điểm triển khai mô hình rất ít mưa (chỉ xuất hiện 1 - 2 cơn mưa giông), thời tiết nắng nóng, khô hạn. Vì được tưới đầy đủ nước trong suốt quá trình sinh trưởng, nên mía phát triển tốt, dự kiến cho năng suất trên 100 tấn/ha. Mô hình này được nhân rộng sẽ phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định, tăng năng suất, chất lượng và nâng thu nhập cho người trồng mía.

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT: Việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tăng năng suất, chất lượng cho cây mía, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng mía, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho ngành Mía đường trong thời kỳ hội nhập và ứng phó biến đổi khí hậu. Cùng với đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao giá trị và sản xuất bền vững, góp phần thực hiện thành công đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên.

LÊ TRÂM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang