• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xen canh trong vườn cà phê: Cần tuân thủ quy trình kỹ thuật

Nguồn tin: Báo Gia Lai, 23/08/2018
Ngày cập nhật: 25/8/2018

Thời gian gần đây, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đã tiến hành trồng xen các loại cây công nghiệp và cây ăn quả trong vườn cà phê. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tăng cường công tác quản lý và hướng dẫn nông dân xây dựng vườn cây một cách hợp lý nhằm mang lại hiệu quả.

Mô hình trồng cây bơ xen cà phê trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: L.N

Toàn tỉnh hiện có hơn 94.000ha cà phê (chiếm 14,1% diện tích cà phê cả nước), trong đó, gần 80.000ha trong giai đoạn kinh doanh. Những năm qua, người trồng cà phê ở các địa phương đã thực hiện trồng xen cây công nghiệp và cây ăn quả để vừa làm cây che bóng mát, chắn gió vừa đa dạng sản phẩm, hạn chế những rủi ro do giá cả biến động. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có hơn 4.210ha cà phê được người dân trồng xen các loại cây như: bơ, sầu riêng, mít và hồ tiêu. Tuy nhiên, diện tích cà phê có trồng xen các loại cây công nghiệp và cây ăn quả ở nhiều địa phương tăng nhanh, nhiều nơi có mật độ trồng xen và thâm canh chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây trồng chính. Để từng bước phát triển cây trồng xen trong vườn cà phê có hiệu quả và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, UBND tỉnh vừa có Công văn số 1715/UBND-NL yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương có diện tích cà phê tăng cường công tác quản lý cây trồng xen trong vườn cà phê.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá hiện trạng, đồng thời xây dựng kế hoạch trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao trong vùng trồng cà phê sao cho phù hợp điều kiện sản xuất. Ông Lê Tấn Hùng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa - cho biết: Qua rà soát, toàn huyện có khoảng 188 ha cây ăn quả, chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê. Hiện các loại cây này phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Việc trồng xen cây ăn quả nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng nguồn thu nhập cho người dân và tránh rủi ro khi giá cả một số cây trồng sụt giảm. “Tuy nhiên, việc trồng xen theo kiểu tự phát sẽ gặp rủi ro vì việc thu mua chỉ là sự thỏa thuận giữa chủ hộ với thương lái. Do đó, quan điểm của huyện là không tăng thêm diện tích trồng thuần và chỉ mở rộng diện tích trồng xen trong vườn cà phê tái canh thay cho cây che bóng để sản xuất bền vững” - ông Hùng nói.

Tại huyện Chư Pưh, ông Nguyễn Văn Khanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT - cho hay: Diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện khoảng 265ha, chủ yếu là trồng xen canh. Tuy nhiên, người dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật thâm canh kết hợp, chủ yếu trồng tự phát, theo phong trào, còn thiếu hiểu biết kỹ thuật, thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường và gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Những loại giống đưa vào trồng thường do người dân tự mua trôi nổi trên thị trường hoặc tự ươm, ghép nên nguồn gốc không rõ ràng, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng dẫn đến một số diện tích có năng suất thấp. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT đang dự thảo đề xuất quy hoạch diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện đến năm 2020 là khoảng 550ha, trong đó chú trọng phát triển cây bơ và sầu riêng.

Được biết, thông qua các hội nghị, hội thảo, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng đã có những định hướng và khuyến cáo đối với việc phát triển cây trồng xen trong vườn cà phê. Ông Trần Xuân Khải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trong khi Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa chính thức ban hành quy trình kỹ thuật trồng xen trong vườn cà phê thì Sở cũng đã có khuyến cáo về việc phát triển một số loại hình trồng xen, khoảng cách và mật độ trồng xen trong vườn cà phê. Đơn cử, đối với các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng thì 1 ha cà phê chỉ nên trồng xen với mật độ khoảng 70 cây (trung bình khoảng cách 12 x 12m) hoặc mật độ 55 cây/ha (khoảng cách trung bình 12 x 15m). Còn đối với cây hồ tiêu thì nên trồng với mật độ 550 trụ/ha (khoảng cách trung bình 3 x 6m) hoặc mật độ 270 trụ/ha (khoảng cách 6 x 6m).

Cũng theo ông Khải, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương có diện tích cà phê để xây dựng đề án trồng xen một số loại cây trồng trong vườn cà phê phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng.

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất cây ăn quả trồng xen trong vườn cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới cấp giấy chứng nhận chất lượng, cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả Gia Lai”, ông Trần Xuân Khải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật.

Lê Nam

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang