• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bài toán sản xuất cây giống cấy mô sạch bệnh

Nguồn tin: Báo Lâm Ðồng, 17/08/2018
Ngày cập nhật: 19/8/2018

Ðảm bảo nguồn giống sạch bệnh trong việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô (công nghệ invitro) trên các giống rau, hoa đã trở thành hướng đi nhắm đến xuất khẩu các loại giống có ưu điểm nổi bật về năng suất và chất lượng của Ðà Lạt - Lâm Ðồng.

Phòng nuôi cấy mô của Công ty Cổ phần Cây giống Cao Nguyên (HIVICO) cung cấp hơn 500 loại hoa cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: H.Yên

Nguồn giống chất lượng chưa cao

Tình hình dịch bệnh xoăn lá cà chua bùng phát mạnh tại thủ phủ cà chua Đơn Dương, nguyên nhân là do virus đốm vùng hoại tử (TNVR) có trên nguồn giống cà chua, bệnh xuất hiện sớm ngay ở giai đoạn 15 - 30 ngày sau trồng, sau đó lan rộng và gây hại nặng vào thời điểm 30 - 45 ngày sinh trưởng của cây, khiến hàng trăm hecta cà chua bị thiệt hại, thậm chí phải nhổ bỏ. Hay như dịch bệnh bùng phát trên cây hoa cúc ở thành phố Đà Lạt đã làm cho nhiều nông dân điêu đứng. Chị Trần Thị Thanh Hải (nông dân Phường 12) cho biết, gia đình chị có 4 sào nhà kính trồng hoa cúc, bệnh đốm héo xuất hiện từ năm 2017 nhưng lúc ấy bệnh không gây hại nhiều nên chị khá chủ quan. Bước sang năm 2018, bệnh hoành hành trên diện rộng, gây thiệt hại 80% diện tích của gia đình. Triệu chứng của bệnh là gây hại theo đám, các lá ngọn có triệu chứng teo nhỏ lại, lốm đốm vàng. Phần thân cây bị bệnh có các vết màu nâu đen, mới xuất hiện chỉ là các sọc màu đen, khi bị nặng nhiễm đen cả đoạn, phổ biến xuất hiện ở giữa thân, khô và thối biểu bì, tại vị trí bị thâm đen lá cây chuyển vàng, hơi méo và chết khô, thân giòn dễ gãy… Điều lạ là bộ rễ cây phát triển bình thường. Ông Đặng Bảo Vinh, cán bộ khuyến nông Phường 12 cho biết, nguyên nhân dịch bệnh xảy ra phỏng đoán có thể là từ cây giống, việc lây lan thông qua bọ trĩ.

Chất lượng giống cây tại nhiều cơ sở cung cấp giống chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng, chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng giống cây trồng. Năm 2017, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tiến hành phân tích các mẫu hạt giống của 11 vườn ươm cây họ cà. Kết quả 5/16 mẫu hạt giống, 26/33 mẫu cây giống bị nhiễm virus ToCM, CMV; trên cây giống hoa quy trình tuyển chọn cây mẹ chưa đúng chuẩn, khai thác cây mẹ quá tuổi, cây mẹ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cây giống. Theo nghiên cứu của Đại học Đà Lạt thì có những loại virus nhiễm vào cây sau khi cây được đưa ra ngoài đồng ruộng nhưng cũng có loại virus đã có sẵn trong các mẫu cấy mô. Qua khảo sát sơ bộ về các loại virus gây bệnh xoăn lá cà chua và bệnh đốm héo trên hoa cúc, các mẫu thu được đều có nguyên nhân do virus trên mẫu vườn ươm.

Nguyên nhân là do công tác kiểm soát chất lượng cây giống còn hạn chế vì chưa có máy móc, trang thiết bị kiểm tra đúng giống và sạch bệnh để nuôi cấy mô mà chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan, đo đếm thủ công. Chưa có cơ sở nuôi cấy mô nào ở Lâm Đồng có thể test virus trên cây mẹ, đây thực sự là “lỗ hổng” từ lâu của ngành nuôi cấy mô. Bên cạnh đó, nguồn vật liệu nhân giống ban đầu của nhiều loại cây chưa được tuyển chọn, nghiên cứu, chọn lọc và chưa được kiểm soát sạch bệnh làm đầu vào cho nuôi cấy mô. Nhiều cơ sở còn tận dụng phòng ở của gia đình, không phù hợp, khó kiểm soát dịch hại kỹ càng, do đó cây giống dễ bị nhiễm bệnh. Quy trình nhân cấy mô chủ yếu do các cơ sở tự nghiên cứu và làm theo kinh nghiệm, nên chưa có quy trình nghiên cứu cơ bản.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, thực trạng sản xuất nuôi cấy mô còn gặp nhiều khó khăn, như việc tuyển chọn cây mẹ; thiếu quy trình nhân nuôi; nguồn nhân lực công nghệ cao được đào tạo chuyên ngành còn hạn chế; chưa có quy định cụ thể đối với các cơ sở sản xuất nuôi cấy mô; các cơ sở vườn ươm chưa thực hiện tốt việc quản lý dịch hại trong sản xuất... Vì vậy, nguy cơ virus phát sinh và gây hại rất cao, ảnh hưởng đến sản xuất ngoài đồng ruộng. Việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp ở các trung tâm nghiên cứu tại Lâm Đồng vẫn còn chậm, chỉ đạt ở mức lưu giữ gen các giống rau, hoa nhằm bảo tồn đa dạng sinh học cho các nguồn gen và nhân nhanh một số giống sản xuất chứ chưa chú trọng công tác chọn tạo một giống mới mang tính bản quyền. Ngoài ra, chưa có cách kiểm soát công tác nhân giống ở các cơ sở nuôi cấy mô, công tác tạo nguồn mẫu invitro ban đầu cũng chưa xây dựng quy chuẩn trong việc lựa chọn mẫu, test mẫu, sử dụng cây chỉ thị để phát hiện virus. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân không kiểm soát được một số dịch bệnh trên cây trồng hiện nay.

Giống sạch cho sản xuất, xuất khẩu

Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần CNSH Rừng hoa Đà Lạt cho biết, hơn 10 năm phát triển công ty đã đạt những thành tựu nhất định, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm quy mô công nghiệp và hiện đại với diện tích khoảng 5.000 m2, sản lượng 12 triệu cây/năm cung cấp cho các nước như: Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Mỹ, Đan Mạch, Austraulia, New Zealand… Bên cạnh đó, nhờ biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư quy mô bài bản nên tình hình sản xuất và kinh doanh sản phẩm nuôi cấy mô đi vào ổn định và ngày càng phát triển, nhận được nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu. Mặt khác, công ty luôn được khách hàng cung cấp thường xuyên giống mới để thay thế và nhân giống; đồng thời, thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên với khách hàng về chất lượng cây khi trồng, nhằm xử lý nhanh chóng đơn đặt hàng, cải thiện chất lượng cây khi có vấn đề thiệt hại cũng như cập nhật thường xuyên tình trạng mô giống cho sản xuất.

Còn ông Trương Đức Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần Cây giống Cao Nguyên (HIVICO) cho biết thêm, thời gian qua, nuôi cấy mô hộ gia đình nở rộ vì ngày xưa không có doanh nghiệp, cơ sở lớn mà hầu như xuất phát từ nuôi cấy mô của Nhà nước tách ra làm tư nhân, họ cắt một diện tích nhà ở để làm nên tính chuyên nghiệp không cao. Trại giống nuôi cấy mô PH thuộc Công ty HIVICO cung cấp chủ yếu hoa đồng tiền cho thị trường trong nước và trên 500 giống hoa các loại cho thị trường các nước Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ. Để cho ra đời giống cây chất lượng, trước tiên phải chọn cây mẹ khỏe mạnh, sạch bệnh, khả năng kháng bệnh và năng suất cao… Cũng theo ông Phú, để tiếp cận được giống tốt nhân giống xuất khẩu, thì phải nâng tầm quy mô của cơ sở và sản xuất ra nguồn giống đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, phải hoàn chỉnh đơn hàng đảm bảo đúng số lượng bên nước xuất khẩu yêu cầu. Quy mô hộ gia đình sẽ khó làm công nghệ giống sạch bệnh được. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay của không chỉ trại giống PH mà còn cả hệ thống nuôi cấy mô của tỉnh Lâm Đồng là công tác kiểm soát chất lượng cây giống còn hạn chế vì chưa có máy móc, trang thiết bị kiểm tra nguồn giống và tính sạch bệnh để nuôi cấy mô mà chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan, đo đếm thủ công. Ông Phú cũng chia sẻ: “Nếu ngành nuôi cấy mô phát triển, thì có thể có cơ hội tiếp cận thị trường làm giống hoa xuất khẩu. Làm cây xuất khẩu có nhiều lợi thế mà máy móc không thể thay thế được, chỉ có thể là con người làm, nếu làm giống hoa xuất khẩu sẽ được họ chuyển giao công nghệ, chuyển giao quy trình quản lý nên đòi hỏi phải có đội ngũ và nguồn nhân lực lớn”.

Hiện nay, các cơ sở chưa triển khai thực hiện nhân nuôi cấy đỉnh sinh trưởng để sản xuất cây giống khỏe và sạch virus; vì việc nuôi cấy đỉnh sinh trưởng đòi hỏi nguồn nhân lực kỹ thuật cao và máy móc, trang thiết bị hiện đại. Từ năm 2017 đến nay, Công ty Himeji - Nhật Bản thực hiện dự án phát triển các vùng sản xuất hoa chất lượng cao, hiện đại hóa vườn ươm; sử dụng công nghệ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng trên cây hoa cúc, cẩm chướng, nhằm tạo ra cây giống sạch virus. Thông qua dự án, Công ty Himeji chuyển giao công nghệ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng cho Trung tâm Giống và Vật tư nông nghiệp Lâm Đồng để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống khỏe, sạch bệnh và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống rau, hoa trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mỗi năm sản xuất trên 45 triệu cây giống các loại nên việc đảm bảo chất lượng giống, sạch bệnh không chỉ gia tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn tạo cơ hội xuất khẩu giống.

Ông Hồ Anh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học F1: Cần phát huy Câu lạc bộ nuôi cấy mô. Câu lạc bộ (CLB) nuôi cấy mô là một bộ phận trực thuộc Hiệp hội hoa, ra đời nhằm mục đích tập hợp những thành viên tham gia lĩnh vực nuôi cấy mô để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, trao đổi thông tin về kỹ thuật, thị trường, nguồn nhân lực. CLB ra đời lâu, tuy nhiên, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan CLB tạm ngưng hoạt động. Trong thời gian tới, Hiệp hội hoa Đà Lạt sẽ khởi động lại CLB để các thành viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật mới và thông tin về nhu cầu sản xuất giống hoa xuất khẩu, nhất là xuất khẩu cây giống invitro sang các thị trường có tiềm năng như: Bỉ, Hà Lan,... Từng bước nâng cấp, hiện đại hóa sản xuất giống rau, hoa đạt tiêu chuẩn, sạch bệnh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Ông Lê Ngọc Triệu - Ðại học Ðà Lạt: Làm sạch giống trước khi đưa vào nuôi cấy mô. Vấn đề kiểm soát bệnh trên nguồn cây giống, nhất là các bệnh do virus vẫn chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến các loại bệnh xuất hiện ở nhiều vùng trồng, trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau. Việc xâm nhiễm nấm và vi khuẩn gây bệnh cho cây có thể được phát hiện và loại bỏ trong quá trình khử mẫu, việc ứng dụng công nghệ mới trong nuôi cấy invitro để làm sạch bệnh chủ yếu tập trung vào đối tượng gây bệnh là virus. Hai giải pháp kỹ thuật cho việc làm sạch virus trong giống trong trường hợp là sử dụng các thuốc ức chế virus và nuôi cấy sử dụng nhiệt độ cao kết hợp với tách đỉnh sinh trưởng. Chính vì vậy, cần hình thành nên các quy trình làm sạch virus riêng cho từng đối tượng hay nhóm đối tượng cây trồng riêng.

Ông Lại Thế Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV: Xây dựng quy trình sản xuất giống cây trồng đảm bảo tiêu chuẩn sạch bệnh. Lâm Đồng đang được xem là vùng nông nghiệp công nghệ cao trọng điểm của cả nước với nhiều cơ sở sản xuất cây giống invitro và một trong những khâu then chốt dẫn đến thành công trong quá trình sản xuất nông nghiệp chính là đảm bảo về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cây giống cung cấp cho canh tác đại trà. Chính vì vậy, việc xây dựng quy trình sản xuất giống cây trồng đảm bảo tiêu chuẩn sạch bệnh để cung ứng cho các cơ sở nhân giống trên địa bàn là điều cần thiết. Do vậy, Chi cục đang hoàn thiện dự thảo quản lý cây giống invitro theo quy mô và cấp sản xuất để đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 25/1/2011 của UBND tỉnh, về việc ban hành quy định quản lý sản xuất, kinh doanh giống rau, hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện sản xuất ở các cơ sở, chất lượng cây giống invitro và cây giống trước khi xuất vườn; qua đó, giới thiệu những cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, cây giống có chất lượng tốt, sạch bệnh cho sản xuất và khắc phục những hạn chế, tồn tại của các cơ sở không đạt tiêu chuẩn.

HOÀNG YÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang