• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thâm canh cây trồng chống suy thoái và hoang mạc hóa trên vùng cát

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 14/08/2018
Ngày cập nhật: 15/8/2018

Quảng Trị hiện có hơn 30.000ha đất cát ven biển, phân bố rải rác trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Những năm trở lại đây, trước những tác động của biến đổi khí hậu, vùng đất cát ven biển ngày càng bị hoang mạc hóa nên sản xuất nông nghiệp trên vùng đất cát luôn gặp nhiều khó khăn. Vì thế việc tìm kiếm phương pháp thâm canh nhằm chống suy thoái và hoang mạc trên vùng cát đang đặt ra rất cấp bách...

Trồng thử nghiệm cây dứa trên vùng cát xã Trung Giang, Gio Linh

Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên các xã ở vùng đông Gio Linh như Gio Thành, Gio Mỹ, Gio Mai, Trung Giang, Gio Hải là địa bàn sẽ chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Hầu hết các xã này có đặc thù thổ nhưỡng là đất cát nên luôn thiếu nước do hạn hán cũng như nguồn dinh dưỡng trong đất rất kém. Do đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền xã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết. Một trong những giải pháp đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác diện tích chưa được canh tác hoặc chuyển đổi những cây trồng không có hiệu quả trên đất cát sang cây trồng cạn khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng cát và ven biển bãi ngang, huyện Gio Linh định hướng cho người dân chuyển sang trồng các loại cây gia vị và rau quả như cây ném, kiệu, mướp đắng... phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang Dương Thị Xuân cho biết: “Để cải thiện thu nhập cho người dân, địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung chuyển từ cây khoai, sắn, lúa, ngô có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây ném, kiệu, dưa và mướp đắng, lạc có giá trị kinh tế cao. Xã Trung Giang hiện có 3 ha đất trồng ném cho năng suất đạt 2 tấn/ha; không ít gia đình thu từ cây ném đạt 6 triệu đồng/vụ”. Nhận thấy được nguồn lợi đem lại từ cây ném, nhiều địa phương ở vùng đông Gio Linh đã mở rộng diện tích, hình thành vùng chuyên canh, tìm kiếm thị trường để cây ném phát triển bền vững, là cây trồng chủ lực ở vùng cát góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Nếu Trung Giang tập trung thâm canh cây ném thì xã Gio Mỹ lại chọn cây mướp đắng làm cây trồng chủ lực trên vùng cát. Hiện xã Gio Mỹ có trên 200 hộ dân tham gia trồng mướp đắng với diện tích khoảng 17 ha. So với các loại cây màu khác, mướp đắng cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Bình quân mỗi sào đất trồng mướp đắng thu nhập khoảng 16 triệu đồng so với ngô khoảng 3 triệu đồng/2 vụ. Trồng cây mướp đắng đang trở thành thế mạnh trong việc tái cơ cấu cây trồng tại xã Gio Mỹ. Để cây mướp đắng phát triển bền vững, tìm được đầu ra ổn định trên thị trường, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong quy trình sản xuất, tránh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng hóa chất hay chất kích thích, từ đó tạo ra sản phẩm mướp đắng sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Giỏ ở thôn Lại An cho biết, nhờ trồng hơn 5 sào mướp đắng mà hằng năm gia đình chị thu nhập từ 20-30 triệu đồng.

Ngoài ra trong năm 2014, xã Gio Mỹ được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu triển khai dự án chống suy thoái đất và hoang mạc hóa vùng đất cát duyên hải tỉnh Quảng Trị thông qua xây dựng mô hình thử nghiệm sử dụng tổng hợp tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cộng đồng tại địa phương. Với mục tiêu giảm thiểu rủi ro trong sản xuất trước tác động của hạn hán, ngập úng và thời tiết cực đoan nhằm đảm bảo năng suất cây trồng, ổn định cuộc sống cho người dân vùng cát, dự án triển khai nhiều mô hình cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật như trồng lạc L14 phủ bạt nilon, trồng các giống dưa gang, dưa hồng, ớt chìa vôi và ném… Các mô hình triển khai thực hiện đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách thức canh tác truyền thống, nhưng điều quan trọng là chống suy thoái đất và hoang mạc hóa, tiến tới sử dụng bền vững, hiệu quả vùng đất cát nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và bảo vệ môi trường cho người dân ở vùng cát.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Nghi cho biết: “Với tiềm năng hàng chục ngàn héc ta đất cát, những năm qua để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng cát và ven biển bãi ngang, huyện đã tích cực hỗ trợ người dân chuyển sang trồng loại cây gia vị và rau quả như cây ném, kiệu, mướp đắng... Đây là những loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Mặt khác, nhờ áp dụng phương pháp canh tác hiện đại với quy trình chăm sóc khép kín nên năng suất và sản lượng cây trồng đạt cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Mô hình chuyển đổi trồng ném, kiệu và mướp đắng ở các xã vùng đông của huyện đã khẳng định được hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu ở vùng cát. Bình quân mỗi năm huyện phấn đấu chuyển đổi 2.500ha đất sang trồng các loại cây trồng cạn để đảm bảo thu nhập cho nông dân. Huyện cũng tích cực tìm kiếm, giới thiệu các công ty cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, từ đó nhân rộng mô hình thâm canh cây trồng cạn chống suy thoái đất và hoang mạc vùng cát ở hầu hết các địa phương có diện tích đất cát”.

Tân Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang