• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Định hướng cây trồng theo chất lượng đất

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 08/08/2018
Ngày cập nhật: 9/8/2018

Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã, đang tiến hành đánh giá chất lượng đất ở một số huyện để định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên. Việc này sẽ giúp các địa phương tránh được tình trạng cùng phát triển một loại cây trồng, dẫn đến cung vượt cầu.

Hà Nội hiện có hơn 188.600ha đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; diện tích trồng cây hằng năm 281.953ha, diện tích cây lâu năm 18.397ha, trong đó có hơn 15.700ha trồng cây ăn quả. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, triển khai đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc chọn lựa vùng đất với từng loại cây trồng có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, nhiều năm trước, Hà Nội chưa có đánh giá tổng thể, đồng bộ về dinh dưỡng đất sản xuất nông nghiệp nên chưa phân bố các vùng sản xuất phù hợp.

Đáng nói, một số vùng đã lạm dụng phân bón vô cơ nên đã tác động, làm thay đổi tính chất lý - hóa học của đất, dẫn đến một số vùng đất bị thoái hóa, chai cứng, ô nhiễm... ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng.

Để chọn lựa phù hợp và nâng cao chất lượng cây trồng, tạo những vùng sản xuất sạch, từ năm 2017, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa đánh giá chất lượng đất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở 6 huyện, gồm: Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thanh Oai. Qua đó, xác định được chất lượng đất từng huyện, tạo bản đồ nông hóa, chỉ ra một số hạn chế của thành phần dinh dưỡng có trong đất...

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: Theo kết quả chương trình đánh giá chất lượng đất của Sở NN&PTNT, đối với Thanh Oai, hơn 95% diện tích đất nông nghiệp (tương đương 6.530ha) là đất phù sa, gồm: Phù sa glây, phù sa mới biến đổi, phù sa úng nước, phù sa được bồi và phù sa không được bồi. Thông qua đánh giá, có thể thấy, hầu hết đất của Thanh Oai thích hợp với cây lúa, chỉ có khoảng 11ha ở các xã: Thanh Cao, Thanh Mai, địa hình thấp trũng có thể chuyển sang nuôi trồng cây, con phù hợp. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho rằng, với chất lượng đất nông nghiệp như vậy, huyện Thanh Oai có thể quy hoạch thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao trọng điểm của thành phố với khoảng 825ha; chuyển 125ha đất chuyên lúa sang trồng rau màu...

Trong khi đó, theo chương trình đánh giá chất lượng đất, đất trên địa bàn huyện Sóc Sơn có biểu hiện chua hóa, chai cứng; huyện Ứng Hòa và Phúc Thọ qua nhiều năm canh tác, bón phân không cân đối đất đã có biểu hiện thiếu lân, kali dễ tiêu; vùng trồng lúa ở huyện Ứng Hòa có biểu hiện ngộ độc hữu cơ… Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, việc đánh giá chất lượng đất có ý nghĩa rất lớn trong định hướng phát triển cây trồng, xây dựng các vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, phù hợp. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho rằng, việc này giúp Hà Nội phân bố vùng sản xuất hài hòa, tránh nhiều địa phương cùng phát triển một loại cây trồng, dẫn đến cung vượt cầu…

Với lợi thế, vị thế riêng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang có nhiều thuận lợi để phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hoàn thành dồn điền đổi thửa cùng việc đánh giá dinh dưỡng đất là những tiền đề, cơ sở khoa học quan trọng để Hà Nội đề xuất các biện pháp cải tạo đất, lựa chọn cây trồng phù hợp, nâng cao giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường; tạo hành lang xanh cho Thủ đô. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, hạ tầng kỹ thuật, thị trường, lựa chọn sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong, ngoài nước.

Đỗ Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang