• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả

Nguồn tin: Báo An Giang, 01/08/2018
Ngày cập nhật: 2/8/2018

Từ diện tích đất kém hiệu quả, sau khi tìm hiểu thông tin thị trường, kỹ thuật canh tác, nông dân (ND) đã mạnh dạn chuyển đổi sang nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, còn là sự đồng hành của các ngành chuyên môn trong việc cùng ND tìm những giống mới, ứng dụng, thử nghiệm những giống cây trồng khác có hiệu quả hơn để thay thế các mô hình hiện tại.

Tại huyện Phú Tân (tỉnh An Giang), để phát triển các mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đi đôi với việc chuyển giao kỹ thuật cho ND, ngành nông nghiệp tiến hành rà soát các mô hình tự phát đã và đang mang lại hiệu quả để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Đơn cử như mô hình trồng mồng tơi lấy hạt tại xã Phú Xuân, trước đây chỉ có vài hộ thực hiện mang tính tự phát, thấy lợi nhuận khả quan, nhiều hộ lân cận trong vùng học theo.

Chủ tịch Hội ND xã Phú Xuân Lê Thành Sơn cho biết, toàn xã phát triển được gần 30 hộ trồng mồng tơi lấy hạt. Ưu điểm của mô hình này là chỉ tốn chi phí ban đầu, dây sẽ tiếp tục phát triển cho thu hoạch và kéo dài trong các năm tiếp theo. Thời gian qua, xã đã tổ chức hội thảo cho bà con tìm hiểu về kỹ thuật, lợi nhuận cũng như khuyến cáo không trồng “ồ ạt” để tránh tình trạng “dội chợ”, nguồn cung vượt quá nhu cầu của thị trường.

Do là mô hình mới nên trong vụ vừa rồi, ông Lê Văn Tùng (ND ấp Phú Hạ, xã Phú Xuân) chỉ bắt tay vào trồng thử nghiệm mồng tơi lấy hạt trên diện tích 1.000m2 đất của gia đình. Mặc dù, đã đi học hỏi kinh nghiệm cũng như được hướng dẫn kỹ thuật từ ngành chuyên môn, nhưng ông Tùng vẫn rất cẩn thận từ khâu làm đất, bắt liếp, làm cỏ, tạo rãnh thoát nước để chống ngập úng.

Sau đó, ông Tùng mới tiến hành gieo 700gr hạt giống mồng tơi để trồng trên 1.000m2 đất. Do thời gian sinh trưởng và thu hoạch kéo dài trong khoảng 3 tháng nên mồng tơi lấy hạt được làm giàn cố định, cao khoảng 1,5m và giăng dây nhằm tạo điều kiện cho dây phát triển cho nhiều đợt, hạt từ đó cũng nhiều hơn.

Tìm ra những giống mới để giúp nông dân phát triển kinh tế

Tuy là loại dễ trồng nhưng để đạt hiệu quả, ND phải chú ý các giai đoạn sinh trưởng của cây mồng tơi, giảm thiểu tác hại của một số sâu bệnh gây hại trong suốt vụ như: sâu ăn lá, ốc sên, bọ hút, sâu xanh da láng, bệnh đốm lá… “Để tránh dịch bệnh xảy ra trên ruộng, bà con không trồng nhiều vụ liên tục trên cùng một đơn vị diện tích đất mà nên luân canh để hạn chế mầm bệnh. Như vậy, vừa giảm chi phí lại đảm bảo năng suất cho cây trồng” - ông Tùng chia sẻ.

Chỉ với diện tích 1.000m2, nhưng nhờ làm đất tốt, trồng đúng kỹ thuật, thu hoạch nhiều đợt đã giúp ông Tùng thu được khoảng 1.600kg hạt mồng tơi. Với giá bán được thương lái thu mua là 75.000 đồng/kg hạt, sau khi trừ các chi phí, mô hình trồng mồng tơi lấy hạt đã giúp gia đình ông Tùng thu về lợi nhuận trên 40 triệu đồng.

So với nhiều loại cây trồng trước đây đã canh tác, ông Tùng cho rằng, mồng tơi lấy hạt dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và cho lợi nhuận cao hơn so với các loại cây rau màu khác. Nếu ổn định về thị trường, giá cả, đây là loại cây trồng ND ở địa phương có thể bắt tay vào thử nghiệm và phát triển.

Đối với sản phẩm nông nghiệp đặc thù là nếp, bên cạnh giống chủ lực như: CK92, CK2003, ngành nông nghiệp còn tích cực giới thiệu những giống mới đến ND, trồng thử nghiệm ở hầu hết các tiểu vùng để khuyến khích nhân rộng. Điển hình, OM441, OM406, số 3 - ĐHCT… Hiện nay, giống mới do các viện, trường cung cấp đang trong giai đoạn khảo nghiệm và hoàn tất thủ tục đăng ký vào danh mục. Đối với giống, địa phương có thể liên hệ cơ sở sản xuất nếp giống tại Phú Tân, nơi có đăng ký kiểm định kiểm nghiệm để mua được giống cấp xác nhận.

Hàng năm, Trạm Khuyến nông huyện còn hỗ trợ kinh phí cùng với ND tổ chức hội thảo trình diễn để bà con tham quan, học hỏi kinh nghiệm, lựa chọn loại giống phù hợp để sản xuất. Ngoài ra, để thay thế dần cây nếp kém hiệu quả ở các ruộng đất lâu năm, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Tân đã thử nghiệm nhiều loại cây màu, cây ăn trái có triển vọng để ND tham khảo, như: đậu nành rau, rau dền lấy hạt, chuối…

ÁNH NGUYÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang