• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thủy sản Ninh Bình khép lại một năm thắng lợi

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 15/01/2018
Ngày cập nhật: 16/1/2018

Vượt lên những thách thức do dịch bệnh và thiên tai, năm 2017, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 47 nghìn tấn, giá trị sản xuất ước đạt 1.287 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2016. Đây là những con số đầy thuyết phục, ghi nhận một năm phát triển bứt phá của thủy sản Ninh Bình với thắng lợi toàn diện trên cả lĩnh vực nuôi trồng và khai thác ở cả vùng nước ngọt và nước mặn, lợ.

Áp dụng nhiều quy trình công nghệ mới trong nuôi trồng

Năm 2017, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Ninh Bình đạt khoảng 41 nghìn tấn (tăng trên 3,2 nghìn tấn so với năm 2016). Có được mức tăng ấn tượng này ngoài nguyên nhân do diện tích nuôi trồng tăng thì không thể không kể đến việc thời gian qua ngành Thủy sản cùng các nông dân đã đưa hàng loạt các quy trình công nghệ mới tiên tiến áp dụng vào trong sản xuất đem lại những kết quả không ngờ.

Đầu tiên là công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt ở vùng mặn, lợ. Nếu như nuôi tôm quảng canh thì 1 năm người dân chỉ nuôi được 2 vụ tôm nhưng với phương thức nuôi tôm nhà bạt, một số nông dân ở Kim Sơn đã chủ động sản xuất được tôm vụ đông, doanh thu tăng gấp 3-4 lần so với thông thường.

Ông Vũ Hải Đường, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh, một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc áp dụng công nghệ này cho biết: Nuôi tôm có mái che sản xuất được 4 vụ trong năm. Mật độ thả tôm giống cao, sản lượng khoảng 20 – 22 tấn/ha. Với giá bán 200 triệu đồng/tấn thì doanh thu sẽ là 4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, phần lãi đạt được là tiền tỷ chứ không gói gọn trong mấy chục triệu đồng.

Theo Chi cục Thủy sản, hiện nay diện tích nuôi tôm theo các công nghệ mới tiên tiến đang được những ngư dân Kim Sơn tiếp tục nhân rộng. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp là 150 ha (tăng 30 ha so với năm 2016); nuôi tôm trong nhà bạt, ao nổi, diện tích nhỏ, áp dụng công nghệ biofloc là 20 ha…

Chính những điều này đã góp phần thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ năm 2017 phát triển mạnh mẽ: Tổng diện tích nuôi toàn vùng đạt 3.317 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 1.913 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 180 ha, diện tích nuôi ngao 1.20 ha… Đây cũng là một năm mà sản lượng thủy sản vùng nước mặn, lợ đạt con số cao nhất 17.326 tấn, tăng 11,3% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt cũng đạt được nhiều kết quả. Vùng chuyển đổi nuôi trồng thuỷ sản tập trung xã Gia Tân, huyện Gia Viễn là một ví dụ. Từ năm 2014, sau khi thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, xã đã chuyển gần 50 ha diện tích vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Hướng đi đúng đắn này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ở địa phương.

Ông Đặng Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân cho biết: Xác định nuôi trồng thuỷ sản là một trong những mũi nhọn kinh tế quan trọng, Đảng ủy, chính quyền xã đã huy động nhiều nguồn lực, tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; phối hợp với ngành chuyên môn, đặc biệt là Chi cục Thủy sản định hướng, hướng dẫn các hộ dân ứng dụng tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất.

Các kỹ thuật thâm canh thủy sản tiên tiến như nuôi cá ao nổi, nuôi cá công nghệ biofloc đều đã có mặt ở Gia Tân góp phần đưa năng suất nuôi trồng thủy sản lên tới 10-15 tấn/ha, thậm chí năm nay có hộ đã nuôi đạt đến năng suất 20 tấn/1 ha, doanh thu hàng tỷ đồng.

Đặc biệt, trên địa bàn xã đã hình thành được 1 HTX dịch vụ, thương mại và nuôi trồng thủy sản để đứng ra điều tiết hoạt động sản xuất, làm cầu nối giữa sản xuất với người tiêu dùng, để mở rộng thị trường bao tiêu sản phẩm, góp phần ổn định sản xuất, gia tăng về giá trị sản phẩm.

Được biết, hiện nay thay vì nuôi quảng canh, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã đầu tư để nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh năng suất cao. Ngoài ra, diện tích nuôi ao nổi cũng đang tăng nhanh ở một số địa phương như Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô với khoảng 100 ha. Nhờ vậy, sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt năm 2017 của tỉnh ta ước đạt trên 23.683 tấn (tăng 6,4% so với năm 2016).

Khai thác - hiệu quả lớn từ những con tàu 67

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 này của Ninh Bình đạt trên 6.500 tấn. Đặc biệt, khai thác biển tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 do chúng ta phát triển đội tàu khai thác theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Có dịp gặp anh Nguyễn Văn Dụng vào những ngày cuối cùng của năm 2017 khi anh tranh thủ thời tiết bất thuận cho thuyền về cảng nghỉ, đồng thời cho một số anh em trên tàu tham gia lớp đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên do Chi cục Thủy sản tổ chức. Anh Dụng là một trong những ngư dân đầu tiên của huyện Kim Sơn nằm trong diện được vay vốn theo Nghị định 67 đóng tàu mới. Anh Dụng hạ thủy tàu vào đầu năm 2017 và đã có những chuyến biển thắng lớn.

Anh Dụng chia sẻ: Hơn 10 năm bám biển đánh bắt hải sản, tôi đã đầu tư nhiều con tàu công suất từ 12 CV lên 450 CV, nhưng lần này được làm chủ con tàu 1055 CV thực sự như giấc mơ. Tàu được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, nên mỗi chuyến biển lượng hải sản đánh bắt được gấp ba, gấp năm lần so với con tàu trước.

Như hồi tháng 5, có chuyến biển anh thu về hơn 4 tấn cá ù, giá 20-40 nghìn đồng/kg tùy loại; gần 1 tấn cá dậm, giá 150-200 nghìn đồng/kg. Vị chi chuyến biển đó anh thu về gần 270 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi cả trăm triệu đồng.

Nếu thuận buồm xuôi gió, mỗi năm “con tàu 67” của gia đình thu về hàng tỷ đồng, khả năng trả nợ ngân hàng sẽ nhanh. Anh Nguyễn Văn Dụng cho biết, dự định sau đợt này các anh sẽ lại ra quân, tiếp tục bám biển đến ngày áp Tết cổ truyền mới neo tàu vui Xuân đón Tết.

Theo Phòng khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản thì: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực khai thác hải sản, nhưng chủ yếu là đánh bắt ven bờ. Trước thực trạng trên, Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa tàu cá, khuyến khích ngư dân đầu tư hiện đại hóa tàu khai thác trên biển, chú trọng vùng biển xa bờ.

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, chúng ta đã có 4 con tàu vỏ thép công suất trên 1000 CV được đóng mới. Tuy số lượng không nhiều nhưng Ninh Bình lại được đánh giá rất tốt trong việc vận dụng và phát huy thế mạnh của chủ tương này để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản.

Các tàu cá đóng mới đều đảm bảo về thông số kỹ thuật, hoạt động ổn định. Kể từ khi hạ thủy từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tàu trung bình thực hiện được khoảng 15 chuyến biển, với sản lượng khai thác bình quân 2 tấn/chuyến, giá trị 200 triệu đồng/chuyến. Các chủ tàu cũng đã trả dần nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Với sự phát triển đội tàu khai thác thuỷ sản xa bờ, đây sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ, tạo nên bước tiến mới trong ngành khai thác thuỷ sản của Ninh Bình, đúng với định hướng phát triển kinh tế thuỷ sản của tỉnh.

Tiếp tục nỗ lực vượt qua thách thức

Ông Vũ Minh Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, cho biết: Để vượt qua những khó khăn, thách thức do thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh, môi trường ngày càng khắc nghiệt…, đạt được kết quả tốt nhất trong nuôi trồng thủy sản năm 2017, ngay từ đầu năm, Chi cục đã tập trung rà soát, quy hoạch lại diện tích nuôi, ban hành khung mùa vụ trên cơ sở kết hợp với thực tế địa phương.

Thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình cơ sở, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp &PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo phát triển sản xuất nuôi trồng trên cả ba loại hình nước mặn, lợ, ngọt, đáp ứng yêu cầu sản xuất như công tác cải tạo ao, đầm; phòng, chống rét cho đàn cá; hướng dẫn cơ cấu đối tượng nuôi và lịch thời vụ thả giống; công tác chăm sóc, quản lý đàn tôm, cá nuôi, quản lý môi trường ao đầm và phòng, trừ dịch bệnh.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn thủy sản, kịp thời ngăn ngừa các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản kém chất lượng lưu hành trên thị trường.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chương trình khuyến ngư như: mô hình nuôi cá trắm cỏ trên ao nổi, mô hình nuôi cá chép thâm canh, mô hình nuôi cua biển bán thâm canh, mô hình nuôi ghép cua xanh trong ao tôm sú, mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học…

Triển khai, tuyên truyền quy phạm thực hành nuôi tốt VietGAP và từng bước hướng nông dân nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá ruộng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quá trình nuôi…

Dự báo năm 2018, nuôi trồng thuỷ sản có nhiều khả năng đối mặt với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Mặt khác, nguy cơ dịch bệnh trên tôm sẽ tăng trở lại nếu môi trường nuôi không được quản lý tốt. Do vậy, Chi cục Thủy sản khuyến cáo các địa phương rà soát, tăng trưởng thủy sản ở mức độ vừa phải, tránh vượt quá quy hoạch sẽ không quản lý được dịch bệnh, sản xuất cung vượt cầu.

Về phía ngành sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo sát sao khung thời vụ, quản lý chất lượng đầu vào; chú trọng công tác tổ chức lại sản xuất trong nuôi trồng thuỷ sản. ở vùng nước lợ, tập trung đa dạng hóa đối tượng con nuôi, phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học. ở vùng nước ngọt, xây dựng các vùng lưu trữ giống, cá thương phẩm tập trung để chủ động con giống lớn, tại chỗ và hạn chế việc thu hoạch tập trung vào cuối vụ gây trượt giá.

Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động khai thác theo hướng hợp tác, cộng đồng gắn với hậu cần dịch vụ nhằm giảm giá thành sản xuất.

Hà Phương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang