• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi tôm siêu thâm canh: Lo lắng từ vấn đề nước thải ra môi trường

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 11/06/2018
Ngày cập nhật: 13/6/2018

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt hiệu quả rất cao, nhiều quy trình nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới được các công ty, doanh nghiệp và người dân áp dụng hiệu quả. Song, điều đáng quan tâm là một số hộ nuôi tôm siêu thâm canh chưa xử lý nguồn nước triệt để trước khi xả thải ra môi trường, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm.

Hệ thống xử lý nguồn nước của các hộ nuôi tôm siêu thâm canh huyện Hòa Bình.

Toàn tỉnh hiện có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; 6 công ty, doanh nghiệp và 155 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 1.384ha (gồm 852 ao). Năng suất tôm nuôi đạt từ 20 - 30 tấn/ha/năm. Cá biệt, một số doanh nghiệp đạt từ 100 - 180 tấn/ha/năm như Công ty Việt Úc (chi nhánh xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Năm 2017, công ty này xây dựng 10 nhà kín (diện tích 10ha) và nuôi tôm theo mô hình ương giống 2 giai đoạn, năng suất tôm nuôi ước đạt từ 80 - 110 tấn/ha/năm.

* Một hộ nuôi tôm siêu thâm canh ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường.

* Hộ nuôi tôm xử lý nguồn nước thải nuôi tôm một cách sơ sài. Ảnh: M.Đ

Hay Công ty TNHH MTV Long Mạnh thực hiện mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích 3ha, nuôi 8 ao tôm với diện tích 4.000m2 mặt nước, năng suất tôm nuôi đạt từ 20 - 30 tấn/ha/năm. Trong quá trình thả nuôi đến lúc tôm 1,5 tháng tuổi không thay nước; tôm trên 1,5 tháng tuổi mới thay nước và mức độ thay nước tùy theo thực tế. Mật độ tôm thả nuôi 300 con/m2, năng suất từ 150 - 180 tấn/ha/năm.

Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cũng đạt hiệu quả. Đơn cử như hộ anh Võ Thanh Phong (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) nuôi tôm với diện tích mặt nước 1.500m2, mật độ tôm 150 con/m2, thu hoạch tổng sản lượng 9 tấn. Còn hộ ông Trương Văn Mến (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) nuôi 3 ao tôm trên diện tích 6.000m2, mật độ 175 con/m2. Sau 4 tháng nuôi, ông Mến thu hoạch 9,2 tấn tôm…

Có thể nói, nghề nuôi tôm hiện nay đã phát triển vượt bậc, người nuôi tôm mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng men vi sinh nên việc quản lý môi trường ao nuôi tốt hơn. Tuy nhiên, cần thực hiện tốt hơn việc thiết kế hệ thống xử lý nước thải và tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường để tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Ngành chức năng đánh giá, mô hình này đạt hiệu quả từ 85 - 90%. Song, điều đáng quan tâm là việc xử lý nước thải của các hộ nuôi tôm. Ngoài các công ty, doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải bài bản, thì ngược lại, hầu hết các hộ nuôi siêu thâm canh theo nông hộ chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải an toàn, việc xử lý nguồn nước còn sơ sài, một số hộ nuôi tôm xả thải nước trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Nguồn nước ô nhiễm chưa được xử lý triệt để xả thải ra môi trường làm cho hệ thống nước trên các kênh, rạch nội đồng bị ô nhiễm.

Gần đây, cơ quan chức năng kiểm tra hệ thống xử lý nước thải đã phát hiện một số hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) xả thải nguồn nước chưa qua xử lý ra môi trường. Ông Mai Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC49) - Công an tỉnh, nhắc nhở: “Các hộ nuôi tôm siêu thâm canh phải áp dụng quy trình khép kín. Cần xử lý nguồn nước thải nội bộ trong ao cho đến khi đảm bảo các chỉ số cho phép mới được thải ra môi trường. Nếu hộ nào vi phạm, chúng tôi đề nghị tỉnh ngưng cung cấp các dịch vụ trong nuôi tôm, trước hết là cắt điện”.

Để tránh mầm bệnh phát tán và lây lan, tránh tình trạng tôm chết tái diễn do môi trường nước bị ô nhiễm, người nuôi tôm cần xử lý nguồn nước trước khi đưa ra môi trường.

***

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao bước đầu mang lại hiệu quả. Đây là cuộc cách mạng đối với nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu nói riêng và ngành tôm cả nước nói chung. Song, cái chúng ta lo lắng nhất là vấn đề nước thải. Nếu ngành chức năng không kiểm soát được môi trường nước, thì một thời gian không xa chúng ta sẽ trở về với thời kỳ tôm chết.

Nuôi tôm siêu thâm canh sử dụng nguồn nước rất lớn, đồng thời sử dụng nguồn thức ăn rất lớn. Nếu không kiểm soát được nước thải (chưa qua xử lý) xả ra môi trường thì sẽ gây ô nhiễm môi trường. Và như vậy thì sẽ lâm vào cái vòng luẩn quẩn là tôm chết.

Ngành chức năng, các doanh nghiệp nuôi tôm siêu thâm canh cần quyết liệt tìm ra giải pháp an toàn về nguồn nước, công nghệ xử lý nguồn nước để người dân áp dụng trong nuôi tôm. Người nuôi tôm phải tự giác hơn trong xử lý nguồn nước và ý thức được việc xả thải nước ô nhiễm ra môi trường là chính mình hại mình.

MINH ĐẠT

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang