• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bạc Liêu: Đẩy mạnh mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 21/05/2018
Ngày cập nhật: 23/5/2018

Với việc Thủ tướng Chính phủ chọn tỉnh Bạc Liêu làm thủ phủ cho phát triển con tôm Việt Nam, đến nay Bạc Liêu đã, đang xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về lĩnh vực này.

Lãnh đạo tỉnh nghe giới thiệu công nghệ quản lý môi trường trong nuôi tôm tại Hội chợ công nghệ nuôi tôm 2018.

NHIỀU MÔ HÌNH ĐỘT PHÁ

Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có 6 công ty, 1 khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và hơn 150 hộ dân đã áp dụng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 1.380ha/852 ao. Trong đó, diện tích sản xuất trong dân gần 540ha/415 ao.

Với hình thức nuôi tôm trong ao lót bạt và hồ nổi tròn, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được tính hiệu quả, với năng suất vượt trội so với các mô hình nuôi truyền thống. Cụ thể, đối với các mô hình nuôi tôm ở các doanh nghiệp, năng suất đạt từ 100 - 120 tấn/ha/năm 3 vụ. Như Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu, với mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ nhà màng của Israel và nhà thép của Lysaghd Agrished, công nghệ xử lý nước tuần hoàn của Đức, Hoa Kỳ và ứng dụng vi sinh... cho năng suất vượt trên 38 tấn/ha/vụ. Hay Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh ứng dụng công nghệ Biofloc của công ty thiết kế ao nuôi liên hoàn, tái sử dụng nguồn nước thải nên môi trường ao nuôi ít bị ô nhiễm, công nghệ này hoạt động theo nguyên lý duy trì tỷ lệ các-bon, ni-tơ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn dị dưỡng phát triển sử dụng chất thải từ tôm, thức ăn dư thừa tạo thành sinh khối vi khuẩn làm thức ăn cho tôm và cho năng suất từ 100 - 120 tấn/ha/3 vụ. Hoặc mô hình nuôi tôm của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, với mô hình thiết kế ao đất lót bạt, ao ương và ao nuôi bố trí trong nhà màng, mật độ thả từ 200 - 300 con/m2, hệ số thức ăn dao động từ 1.1 - 1.2 và thời gian nuôi từ 3 - 3,5 tháng/vụ, tôm nuôi đạt từ 35 - 40 con/kg, năng suất bình quân đạt trên 63 tấn/ha/năm. Và đây trở thành mô hình được nhân rộng trong dân. Theo đó, hộ ông Phạm Bé (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) áp dụng quy trình nuôi của Công ty CP trên diện tích ao nuôi 1.600m2 và đạt năng suất 9 tấn/ao. Còn hộ ông Dương Hà (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) cũng ứng dụng quy trình của Công ty CP trên diện tích hơn 1.220m2/ao, cho năng suất 7 tấn/ao...

Từ những mô hình nuôi tôm trên cho thấy, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi thông qua công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, ao trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải đang dần hình thành (biogas). Đặc biệt, với quy trình nuôi ứng dụng công nghệ cao này, đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tôm nuôi lớn nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro thấp, cho năng suất cao và hơn cả là góp phần bảo vệ môi trường nuôi, hướng đến xây dựng thành công quy trình nuôi tôm bền vững cho năng suất, chất lượng cao. Đây được đánh giá là những thay đổi đột phá cho nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu hiện nay khi người nuôi gần như kiểm soát hoàn toàn quá trình sinh trưởng và chất lượng của con tôm công nghiệp.

Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Hải Nguyên (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

TẠO SỰ LAN TỎA

Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh: “Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được hiệu quả và tính bền vững. Do vậy, ngành Nông nghiệp và các ngành cần tập trung làm tốt công tác vận động, chuyển giao để các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được lan tỏa trong dân”.

Thực hiện chỉ đạo này, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đưa vào hoạt động ổn định năm 2020, nhằm tạo sự lan tỏa và dẫn dắt ngành Thủy sản của tỉnh phát triển đúng hướng, ổn định và bền vững để nâng cao giá trị gia tăng.

Cùng với đó, xác định các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao), các giải pháp khoa học - công nghệ mới, tiên tiến, sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình mẫu, tạo điểm nhấn, đột phá trong tái cơ cấu ngành Thủy sản, phấn đấu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đồng thời, tập trung xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch, đến năm 2020 có từ 4 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên (trong đó có 3 vùng nuôi trồng thủy sản và 1 vùng sản xuất giống thủy sản); phấn đấu đến năm 2025 có từ 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên (trong đó có từ 9 vùng nuôi trồng thủy sản và 1 vùng sản xuất giống thủy sản, quy mô 2.070ha), góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến năm 2020 đạt 750 triệu USD và năm 2025 đạt 1 tỷ USD.

Để hoàn thành các mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân được hưởng chính sách theo quy định hiện hành. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội nuôi tôm công nghệ cao được hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm. Tiếp tục thực hiện và triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, giúp các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia bảo hiểm tôm nuôi.

Bên cạnh đó, về tổ chức sản xuất sẽ đẩy mạnh việc liên kết và tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã vùng nuôi tôm công nghệ cao, tiến tới thành lập Hiệp hội nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu, nhằm khắc phục được các hạn chế do ảnh hưởng của tập quán sản xuất nhỏ lẻ; khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP, áp dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật canh tác và phát triển mô hình theo hướng cộng đồng. Tổ chức liên kết giữa nông dân sản xuất mô hình với doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm để góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả và nâng cao giá trị. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất của tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có, nhất là việc cung cấp dịch vụ đầu vào, tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên...

TÚ ANH

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang