• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiền Hải (Thái Bình): Phòng chống bệnh đốm trắng trên tôm

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 21/05/2018
Ngày cập nhật: 22/5/2018

Những ngày qua, bệnh đốm trắng trên tôm đã xuất hiện ở diện tích nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Thịnh và xã Nam Cường (Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Để chủ động khống chế bệnh đốm trắng trên tôm không lây lan ra diện rộng, giảm thiệt hại mức thấp nhất cho các hộ dân nuôi thủy sản, huyện đã tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.

Vùng nuôi trồng thủy sản xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Ngay sau khi nhận được thông báo từ các hộ dân, Nam Thịnh đã tập trung phát thuốc khử trùng để thực hiện xử lý môi trường ao nuôi có tôm bệnh đốm trắng.

Ông Phạm Văn Chế, cán bộ lâm sinh và thủy sản chia sẻ: Hầu như năm nào bệnh đốm trắng cũng xảy ra trên diện tích tôm mới thả. Vụ nuôi thả tôm năm nay, bệnh đốm trắng xuất hiện ở diện tích ao nuôi của 7 hộ dân tại các thôn Hợp Châu, Quang Thịnh, Đồng Lạc từ ngày 13/5. Do tôm được ít tháng tuổi nên sức đề kháng còn yếu, cùng với thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng nên dẫn đến một số diện tích nuôi tôm chết. Trước tình hình trên, UBND xã đã phối hợp với ngành chức năng xét nghiệm xác định bệnh đốm trắng trên tôm, đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường xuống các vùng nuôi tôm bị nhiễm bệnh, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp thiết thực để khống chế bệnh, không để lây lan sang các vùng nuôi khác. Tích cực tuyên truyền đến nhân dân khắc phục tình trạng tôm chết, triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng ao nuôi, không được xả nước bừa bãi gây nguy cơ bùng phát thành dịch trên toàn xã.

Tại vùng nuôi trồng thủy sản thôn Hợp Châu, ông Giang Hồng Phú có diện tích nuôi tôm 2.000m2 đã bị bệnh đốm trắng vào ngày 16/5. Ông Phú cho biết: Ngay khi có hiện tượng tôm chết bất thường, gia đình tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương. Hiện nay, tôi đã thực hiện xử lý môi trường ao nuôi và tiêu hủy tôm chết theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Mặc dù ao nuôi chưa xuất hiện bệnh đốm trắng nhưng ông Nguyễn Văn Chức, thôn Chí Cường, xã Nam Cường vẫn không chủ quan, lơ là. Ông Chức cho biết: Khi nghe thông báo của chính quyền vùng nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm, gia đình tôi đã xử lý bằng các biện pháp như hạn chế người qua lại các ao tôm. Sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao, đắp chặt cống cấp và thoát nước. Quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng vào ao, căng dây để chống chim vào ao, nhằm tránh bệnh đốm trắng xâm nhập qua đối tượng trung gian gây thiệt hại về kinh tế.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Sau khi nhận được thông tin xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm tại Nam Thịnh có 7 hộ, Nam Cường 1 hộ với tổng diện tích trên 1,2ha, Tiền Hải đã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức lấy mẫu tôm bệnh tại 2 xã xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm xác định nguyên nhân tôm chết do nhiễm bệnh đốm trắng.

Để khống chế bệnh đốm trắng trên tôm không lây lan ra diện rộng, Tiền Hải đã tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng thủy sản tiến hành khử trùng, xử lý triệt để mầm bệnh trong ao. Tổ chức cấp phát 600kg hóa chất Chlorine cho các hộ dân tập trung để xử lý nguồn nước ao nuôi, khống chế dịch bệnh phát sinh. Giám sát chặt chẽ việc thu gom tôm chết xử lý đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Khuyến cáo nông dân giữ nước trong ao nuôi để xử lý từ 7 - 10 ngày bằng hóa chất Chlorine và chuyển sang đối tượng nuôi khác như cá, cua..., bảo đảm không để ao trống.

Ngoài Nam Thịnh, Nam Cường, huyện Tiền Hải đã chủ động tuyên truyền các địa phương khác có vùng nuôi trồng thủy sản cần tập trung hướng dẫn nông dân giám sát chặt chẽ diện tích ao nuôi tôm, có các biện pháp bảo vệ như thường xuyên đo độ pH bảo đảm yếu tố môi trường nước tốt, kiểm tra tình trạng dinh dưỡng tôm nuôi… Hạn chế thay nước ao, tăng cường quạt khí nhằm ổn định lượng oxy, độ pH, độ kiềm trong ao. Đồng thời bổ sung vitamin C, men vi sinh, khoáng chất, thuốc bổ gan, vi lượng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm. Thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm phù hợp.

Mạnh Thắng

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang