• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vui sao cá nặng, lưới đầy

Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 19/05/2018
Ngày cập nhật: 22/5/2018

Niềm vui được vụ cá của gia đình ông Nguyễn Trung Thành, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao

Hạ tầng bảo đảm, người nuôi cá chủ động điều tiết nước và có điều kiện áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh nên năng suất thủy sản tăng. Thu nhập cao từ cá, cuộc sống của nhiều hộ dân các huyện Cẩm Khê, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ ngày càng sung túc.

Nằm phía bắc của huyện Cẩm Khê với diện tích gần 900ha, dân số trên 8.000 người, từ lâu xã Tuy Lộc đã nổi tiếng với nghề nuôi trồng thủy sản. Con đê tả Thao gắn với QL32 nối liền các tuyến đường vùng Ngòi Giành giờ trải nhựa phẳng lỳ càng tạo điều kiện để Tuy Lộc vươn mình thu hút thêm nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Như nhiều xã vùng thượng huyện, đặc thù vùng bán sơn địa khiến ruộng đất ở Tuy Lộc vốn không nhiều, phần lớn lại là ruộng chiêm trũng. Thế nhưng người dân nơi đây vốn năng động, họ không chịu bỏ đất trắng. Với những diện tích đất lúa kém hiệu quả, nhiều hộ đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, tuy ban đầu chỉ theo quy mô nhỏ, tự cấp- tự túc nên chủ yếu giải quyết thực phẩm tại chỗ. Sau này khi huyện, tỉnh ban hành nghị quyết đưa thủy sản thành chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm, bà con mới vận dụng dồn đổi ruộng đất để chuyên nuôi, thả cá theo quy mô lớn.

Đến Tuy Lộc hôm nay, người ta không còn thấy những ao nuôi bé như cái “chiếu nghỉ” giữa trời. Nhờ dồn đổi ruộng đất, chuyển đổi hình thức thâm canh mà năng suất, sản lượng thủy sản đã góp phần đổi thay vùng quê chiêm trũng. Từ trên đê nhìn khắp vùng, chỉ thấy mặt nước trải rộng, đến việc đắp đập be bờ để trồng rau xanh cũng được người dân nơi đây cùng làm, cùng thụ hưởng. Vừa đi thăm những vuông ao, chúng tôi vừa nghe Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Sanh giới thiệu: Hiện xã có trên 500 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích gần trăm hecta. Nghề nuôi cá ở Tuy Lộc phát triển đa dạng gồm cá giống, cá thịt, cá cảnh; kết hợp cả sản xuất và buôn bán cá các loại. Nhiều gia đình đã quy hoạch hệ thống ao nuôi cá giống theo chuỗi, từ gây nuôi cá bột thành cá hương, lên cá giống các loại đến ao chuyên nuôi cá thịt. Đi cùng với sản xuất, lưu thông, trong địa bàn xã cũng hình thành các dịch vụ cung cấp thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh cho tôm cá, ngư cụ làm nghề và buôn bán cá khá hoàn thiện. Do đó mà nhiều năm nay thủy sản ở Tuy Lộc đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Rời Tuy Lộc, chúng tôi qua Văn Khúc - xã có diện tích đồng chiêm trũng lớn nhất huyện Cẩm Khê. Những năm qua, nhờ chuyển đổi ruộng đất hiệu quả, toàn xã đã có trên 130ha nuôi cá truyền thống và trên 20ha nuôi tôm càng xanh với tổng sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 400 tấn. Ông Đặng Văn Được, xóm Đình chia sẻ: Chủ trương của xã là quy hoạch vùng đất trũng, chỉ sản xuất được một vụ lúa sang nuôi thủy sản theo hướng một lúa một cá, đồng thời phát triển các mô hình nuôi cá giống, nuôi tôm càng xanh, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ chủ trương hiệu quả đó, nơi nào có nguồn sinh thủy, bà con lại tận dụng nuôi cá, nuôi tôm hoặc cá xen lúa. Điều phấn khởi là những diện tích trước đây hoang hóa hay kém hiệu quả, nhờ dồn đổi mà người dân đã và đang làm giàu được trên mặt nước. Như gia đình tôi, nguồn vốn xây nhà và nuôi 3 đứa con học đại học đều nhờ vào con tôm, con cá.

Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Hán Hùng, huyện Cẩm Khê cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm

Chúng tôi về Sơn Thủy - xã miền núi nằm về phía Tây Nam của huyện Thanh Thủy đúng vào dịp nắng nóng đầu mùa. Dọc 2 bên đường dẫn vào trung tâm xã nhiều ngôi nhà mới cao tầng mọc lên, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa. Những cánh đồng trắng nước khi xưa giờ đã được quy hoạch thành các khu nuôi trồng thủy sản với hệ thống kè bờ chắc chắn. Sơn Thủy là xã có tới 90% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Người dân nơi đây bao đời nay sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, chục năm trở lại đây khai thác thế mạnh của vùng đồng chiêm trũng, chính quyền địa phương đã khuyến khích nhân dân đầu tư nuôi trồng thủy sản. Hiện xã có hơn 200ha mặt nước chuyên nuôi thả cá và trên 200ha sản xuất một vụ lúa một vụ cá. Đặc biệt trên địa bàn đã hình thành và xây dựng được Làng nghề sản xuất và dịch vụ thủy sản Thủy Trạm thu hút hơn 400 hộ tham gia làm nghề. Nhiều gia đình nuôi cá kết hợp với nuôi lợn, thủy cầm cho thu nhập khá, đạt trung bình 150- 200 triệu đồng/năm như hộ ông Nguyễn Bá Chính, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Sơn, Hoàng Minh Tiến…

Là huyện nông thôn mới của tỉnh, huyện Lâm Thao không chỉ là vựa lúa mà nuôi trồng thủy sản cũng khá phát triển. Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Trung Thành ở xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao đúng ngày gia đình quây lưới tát ao thu hoạch cá. Lưới vây đến đâu, cá quẫy nước rào rào đến đó. Những con trắm, con chép, con rô to khỏe lắc mình tung lên mặt nước. Ông Thành cho biết, gia đình nào trong xã thu hoạch cá đều là ngày hội của cả xóm bởi mọi người sẽ đến trợ giúp trong việc tát ao, giăng lưới, bắt và phân loại cá trước khi thương lái đến thu mua.

Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Khê cho biết: Không chỉ ở Cẩm Khê, nơi có nhiều đồng chiêm trũng thuận lợi cho phát triển thủy sản mà các huyện có điều kiện, lợi thế cũng đã có những quy hoạch cho phát triển thủy sản. Hiện nay Cẩm Khê chiếm khoảng 20% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Tuy nhiên, để tăng thu nhập cho người dân, huyện đã thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, quy hoạch khai thác các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, vùng nuôi cá lồng, khuyến khích vận động nhân dân đưa các mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Từ chỗ chỉ nuôi truyền thống bằng thức ăn tự nhiên, thông qua các mô hình khuyến ngư người dân đã biết nuôi thâm canh cá ao cho năng suất đạt từ 8 - 10 tấn/ha.

Năm 2017, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt hơn 10.000ha, trong đó diện tích chuyên nuôi hơn 50%; diện tích còn lại là nuôi trong hồ chứa, ruộng 1 vụ, lồng nuôi trên sông và hồ chứa… với tổng sản lượng thủy sản đạt trên 34.000 tấn. Niềm vui được vụ cá của người nông dân đã song hành với sự phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong tỉnh.

Việt Hà

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang