• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kiên Giang: Nuôi tôm - lúa đạt hiệu quả cao thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 14/05/2018
Ngày cập nhật: 16/5/2018

Ngày 11/5/2018, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Nuôi tôm - lúa đạt hiệu quả cao thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang đồng chủ trì Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có trên 100 đại biểu đến từ 05 tỉnh, thành phố: Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu, trong đó có 60 nông dân của 03 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Toàn cảnh Diễn đàn

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình canh tác tôm - lúa có lịch sử hơn 50 năm hình thành và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Năm 2000, diện tích nuôi tôm – lúa toàn vùng là 71.000 ha; Năm 2015 diện tích nuôi tôm – lúa đạt 175.000 ha, chiếm 30,5% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng, sản lượng đạt 75.000 tấn, trong đó nhiều nhất là Kiên Giang (77.866 ha). Đối tượng nuôi là tôm sú, một số ít mô hình được tiếp tục nuôi tôm càng xanh xen canh với vụ lúa, thả mật độ thấp. Năng suất nuôi tôm – lúa bình quân khoảng 300 - 500 kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa/ha. Chi phí sản xuất trung bình 30 – 35 triệu đồng/ha, lãi suất trung bình 35 – 50 triệu đồng/ha/năm (tính cả tôm và lúa). Các giống lúa đang được trồng phổ biến ở vùng canh tác tôm - lúa là: các giống ST, Một bụi đỏ, Nàng keo, OM5451, OM2017, OM6377, OM6677… và đạt năng suất khá cao, tuy nhiên chỉ thích ứng với môi trường ruộng có độ mặn thấp hơn 5‰. Các mô hình tôm - lúa ở ĐBSCL gồm: mô hình bán thâm canh 1vụ tôm sú/ tôm thẻ chân trắng – 1 vụ lúa, 2 vụ tôm thẻ chân trắng – 1vụ lúa và mô hình quảng canh cải tiến tôm lúa.

Các đại biểu trao đổi với chủ mô hình canh tác tôm - lúa quảng canh tại Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang

Nuôi tôm lúa là hình thức nuôi trồng được đánh giá là mô hình canh tác hiệu quả, đầu tư thấp. Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng (do ít dùng hóa chất, kháng sinh). Môi trường sinh thái được bảo vệ do lúa sử dụng các sản phẩm thải từ nuôi tôm. Đây cũng là mô hình nuôi trồng phù hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng ven biển bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, không có khả năng trồng lúa quanh năm.

Tuy nhiên phát triển hệ thống tôm - lúa vùng ĐBSCL cũng đang đứng trước các thách thức, nhất là sự tác động của biến đổi khí hậu. Xu thế nước biển dâng, xâm nhập mặn sâu, mùa khô kéo dài, nắng nóng, mùa mưa ngắn, lượng mưa ít, cộng với việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Mê Kông đang và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của hoạt động nông lâm ngư nói chung, hệ thống tôm - lúa nói riêng ở ĐBSCL. Việc tổ chức Diễn đàn này góp phần tìm ra giải pháp phát triển nuôi tôm - lúa đạt hiệu quả cao và bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Diễn đàn nhận 35 câu hỏi của đại biểu tham dự và đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Nội dung các câu hỏi tập trung vào những nhóm vấn đề như: thiết kế ao, ruộng, kỹ thuật thực hiện mô hình tôm - lúa; lựa chọn con giống; tạo thức ăn tự nhiên; tăng sức đề kháng cho tôm; quản lý thức ăn- môi trường nuôi và thu hoạch…

Đại biểu tham dự Diễn đàn đặt câu hỏi và được Ban cố vấn giải đáp thỏa đáng

Đại diện Ban cố vấn trao đổi với nông dân về bệnh trên con tôm tại Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị:

- Đối với các cơ quan quản lý: cần tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, an toàn thực phẩm, kết nối đến thị trường, xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất gắn với doanh nghiệp.

- Đối với các cơ quan nghiên cứu: tiếp tục nghiên cứu để tạo ra con giống sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh, nghiên cứu nhiều mô hình mới, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển giao cho nông dân.

- Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh: xây dựng chuyển giao các mô hình đạt hiệu quả cao, bền vững trong nuôi trồng thủy sản, các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường. Tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền về mô hình để một người làm, nghìn người biết, một trăm hộ học tập làm theo.

- Đối với cơ quan thông tấn báo chí: đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thông tin tuyên truyền về các mô hình hiệu quả, mô hình mới để cho bà con học tập và nhân rộng.

- Đối với bà con nông dân: nên tham quan trước khi làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới; làm từ nhỏ đến lớn; ghi chép sổ sách nhật ký, rút kinh nghiệm; chủ động, sáng tạo, nhiệt tình, say mê.

Đỗ Tuấn - Nguyễn Nhung - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang