• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát huy tiềm năng vùng triều: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 30/12/2017
Ngày cập nhật: 2/1/2018

Khu nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa). Ảnh: L.N

102 km bờ biển với nhiều cửa lạch lớn, những đồng triều mênh mông là những lợi thế để các địa phương ven biển tỉnh Thanh Hóa phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, phát triển con nuôi có năng suất giá trị kinh tế cao vẫn còn khó khăn, bất cập. Có nhiều nguyên nhân như cơ sở hạ tầng thiếu, yếu, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ...

Trong phát triển kinh tế, cùng với khai thác hải sản, huyện Hậu Lộc xác định nuôi trồng thủy sản là ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản nên hiệu quả kinh tế bấp bênh. Theo giới thiệu của đồng chí Bùi Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc (Hậu Lộc) chúng tôi tìm đến khu nuôi trồng thủy sản nằm trong khu Dự án Kích cầu đầu tư của thôn Bái Hà Xuân. Nhìn ra phía xa, bờ bao đã được đắp vững chắc, kênh dẫn nước, cống lấy nước đã được xây dựng... Song cơ sở hạ tầng vẫn chưa đảm bảo để sản xuất ổn định, hiệu quả. Được biết, diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Xuân Lộc khoảng 100 ha. Để phát huy tiềm năng vùng triều này, Nhà nước đã có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự án được bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2010, với các hạng mục: Cải tạo hệ thống đê cấp và đê tiêu, đắp hệ thống đường bờ bao kiên cố và theo kế hoạch đến năm 2012 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, dự án mới chỉ hoàn thành được 70% khối lượng của các hạng mục và hiện tại vẫn thi công cầm chừng. Dự án kéo dài đã gây ra nhiều hệ lụỵ, ảnh hưởng đến công tác quản lý của địa phương và hiệu quả kinh tế trong sản xuất của các hộ dân nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Văn Bốn bày tỏ: Gia đình đầu tư nuôi trồng thủy sản đã nhiều năm, tôi luôn trăn trở về việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất. Hiện gia đình có 4 ha nuôi trồng thủy sản, nhưng cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, kiên cố nên chỉ nuôi tôm xen canh, mỗi năm thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng. Trong khi với diện tích này, nếu hạ tầng bảo đảm gia đình có thể đầu tư để nuôi thâm canh hoặc theo hướng công nghiệp thì mỗi năm có thể thu lãi hàng tỷ đồng. Tại khu nuôi trồng thủy sản ở thôn Bái Hà Xuân, còn nhiều hộ dân khác cũng gặp khó khăn tương tự, hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thủy sản chưa cao. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc Bùi Ngọc Thanh cho biết thêm: Dự án nuôi trồng thủy sản xã Xuân Lộc thực hiện kéo dài đã tác động không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản của các hộ dân, nhất là nuôi tôm. Trong thời gian thi công dự án, các hộ dân ở đây vẫn nuôi trồng thủy sản nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, nhiều hộ dân vẫn chưa yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Qua khảo sát thực tế của chúng tôi, một số hạng mục thi công từ nhiều năm trước nay đã bị xuống cấp, trong khi còn một số hạng mục vẫn chưa được triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng hạ tầng khu nuôi không đồng bộ, gây nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất.

Tại xã Quảng Trung (Quảng Xương), hai bên triền đê là những đầm tôm rộng lớn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng còn đơn sơ, thiếu vững chắc. Đến đầm Hạc, thôn Dũng, dừng chân ở một lán trại, chúng tôi may mắn gặp được anh Nguyễn Viết Hưng, chủ của đầm tôm có diện tích gần 20 ha, anh chia sẻ: Tôi nhận thầu đầm tôm từ năm 2013, năm nào gặp điều kiện thuận lợi thì sản lượng khoảng 8 tấn tôm và cá, ước tính mỗi năm lãi từ 100 - 200 triệu, năm nào mưa bão lớn thì gần như mất trắng. Khu đầm này xã cho thầu 5 năm, nên chỉ dám đầu tư bờ bao, đường điện... Tiềm năng lớn nhưng thời gian cho thầu lại ngắn hạn khiến nhiều người dân không dám đầu tư lớn. Nếu xã cho thầu thêm 10-20 năm thì không chỉ riêng anh Hưng mà còn nhiều hộ gia đình khác sẽ mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, nuôi tôm theo hình thức thâm canh thì chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều.

Ông Lê Đình Thạch, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung cho biết: Toàn xã có 150 ha nuôi trồng thủy sản, hằng năm thu về khoảng 70 triệu đồng/ha, những nơi chưa được đầu tư thì hiệu quả kinh tế thấp hơn. Cùng với nguồn vốn đầu tư xây dựng kiên cố cơ sở hạ tầng, để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì cần tạo điều kiện thuận lợi về thời gian thầu cho người nuôi. Tuy nhiên, do đất công ích chỉ thuê với thời hạn là 5 năm, khiến bà con không dám đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố. Đây cũng là “cái khó bó cái khôn” của địa phương.

Trao đổi với ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về những khó khăn, bất cập trong hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản, ông cho biết: Toàn tỉnh có 19.000 ha nuôi trồng thủy sản, mỗi năm cho sản lượng khoảng 50.000 tấn. Để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản hằng năm tỉnh vẫn kêu gọi nguồn vốn ODA, vốn Dự án WB hỗ trợ theo vùng. Từ các nguồn vốn, tỉnh đã triển khai đầu tư dự án nuôi tôm công nghiệp ở xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Nga Tân (Nga Sơn), với số vốn từ 30 - 40 tỷ đồng... Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản cần số vốn lớn, trong khi đó nguồn lực của người dân còn hạn chế nên diện tích nuôi trồng thì lớn mà hiệu quả lại chưa cao.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản, ngành chức năng, địa phương cần định hướng, quy hoạch những vùng có điều kiện thuận lợi để thực hiện đầu tư tập trung, tránh dàn trải. Tỉnh và các địa phương tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi trồng thủy sản phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, phát triển sản xuất theo hướng tập trung, thâm canh, thực hiện nuôi trồng thủy sản trong vùng đã quy hoạch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thì tiềm năng vùng triều mới được phát huy ở mức cao nhất.

Kim Ngọc

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang