• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vui buồn chuyện con tôm

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 12/05/2018
Ngày cập nhật: 14/5/2018

Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cho biết, năm 2018, toàn phường có diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt khoảng 89 ha; trong đó, nuôi tôm chiếm hơn 60 ha. Nghề nuôi tôm nước lợ đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, tuy nhiên vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên nghề này được ví như “canh bạc, may ăn, rủi thua”.

Theo gợi ý của ông Nguyễn Viết Thông, chúng tôi tìm đến các ruộng tôm của phường Quảng Thuận. Những ngày đầu tháng 5, tôm đã được 15-30 ngày tuổi. Tại đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến các công đoạn chăm sóc tôm của bà con. Mỗi ngày, người nuôi tôm phải thường xuyên cho tôm ăn theo đúng lịch thời gian, xử lý nước trong hồ, kiểm tra tình hình dịch bệnh của tôm…

Nghề nuôi tôm tuy vất vả nhưng nếu “thuận buồm, xuôi gió”, tôm phát triển tốt sẽ mang lại thu nhập khá cao cho người sản xuất. Ông Nguyễn Tiến Thành, tổ dân phố Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, tham gia nuôi tôm tại khu nuôi tôm công nghiệp phường Quảng Thuận đã gần 5 năm nay, ông cho biết: “Tôi tham gia nuôi tôm thẻ trên diện tích 5.000 m2, năm nào thời tiết thuận lợi, được giá, tôm đạt năng suất khoảng 3-4 tấn/vụ, lãi tầm 150 triệu đồng, có thêm thu nhập đỡ đần cho cuộc sống gia đình”. Cũng như ông Thành, nhiều hộ dân ở phường Quảng Thuận nhờ nuôi tôm mà thoát được nghèo, có điều kiện đầu tư cho con cái học hành tốt hơn. Điền hình như gia đình ông Ma Văn Hương, tổ dân phố Nam, phường Quảng Thuận, với diện tích 20.000 m2 nuôi tôm, gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, có nguồn thu nhập cao hơn so với trước đây.

Nghề nuôi tôm mang lại thu nhập cao nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, việc nuôi tôm nước lợ thời gian qua còn bộc lộ nhiều khó khăn. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến quá trình tổ chức sản xuất, tính thời vụ trong sản xuất giống và nuôi tôm. Việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng ao nuôi tôm chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, một số người dân lại nóng vội bắt tay vào nuôi tôm khi trình độ hiểu biết về kỹ thuật còn hạn chế…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Diễn, Tổ trưởng Tổ hợp tác khu nuôi tôm công nghiệp phường Quảng Thuận cho biết, khu nuôi tôm này có từ năm 2002, hiện nay có khoảng 36 hộ tham gia nuôi trồng. Giống tôm được nuôi chủ yếu là tôm thẻ, với 2 vụ/năm, mỗi vụ kéo dài từ 3-4 tháng, trong đó vụ chính là từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch.

Trong hai năm trở lại đây, việc nuôi tôm của bà con gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, thời tiết mưa bão liên tục, các hộ nuôi tôm cơ bản bị thiệt hại 50% tổng chi phí đầu tư cho mỗi vụ mùa. Thậm chí có nhiều người mất trắng, ví dụ như gia đình anh Lân, nuôi tôm từ năm 2014-2016, nhưng năm nào cũng bị thua lỗ. Thất bại quá lớn, nên anh Lân đã từ bỏ việc nuôi tôm, vào miền Nam kiếm việc làm.

Ông Nguyễn Tiến Thành cho hay: “Chi phí nuôi tôm khá lớn, phải đầu tư khoảng 500 triệu đồng/ha. Do đó, mỗi vụ tôm, các hộ sản xuất như chúng tôi cơ bản phải thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay vốn.

Nhiều vụ mùa, tôm bị dịch bệnh nặng, mưa lụt nặng nề… mọi người lại thấp thỏm lo lắng, vì nếu thất bát thì có ngày cũng mất sổ đỏ, mất nhà”.

Vất vả, bấp bênh, rủi ro lớn nhưng những hộ nuôi tôm vẫn bám lấy nghề, bởi đây là “miếng cơm, manh áo cho gia đình”, “ruộng tôm là đầu cơ nghiệp của gia đình tôi, giờ nếu bỏ đi thì rất khó để tìm kiếm một công việc khác phù hợp hơn”, ông Thành chia sẻ thêm.

Nguyện vọng lớn nhất hiện nay của các hộ nuôi tôm ở phường Quảng Thuận là được các cấp chính quyền quan tâm, cấp sổ đỏ, sổ hồng cho các ruộng tôm mà họ đang trực tiếp tham gia sản xuất. Việc làm này sẽ giúp các hộ nuôi tôm có thêm điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn ngân hàng để tái đầu tư sản xuất, nuôi tôm.

Để tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân nuôi tôm thực hiện nguyện vọng đó, thiết nghĩ chính quyền UBND phường Quảng Thuận nên có hướng dẫn giúp cho bà con trong việc làm các văn bản kiến nghị, thủ tục cần thiết trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho biết, năm 2018, diện tích tôm nuôi toàn thị xã đạt khoảng 205 ha, chủ yếu là tôm thẻ và tôm sú; tập trung ở các xã, phường, như: Quảng Phúc, Quảng Thuận, Quảng Hải, Quảng Tiên…

Lê Mai

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang