• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Áp dụng công nghệ mới trong nuôi tôm

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 7/5/2018
Ngày cập nhật: 9/5/2018

Tôm là một sản phẩm có giá trị và dư địa thị trường rất lớn. Gần đây, một số nông dân vùng ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã có những đột phá trong công nghệ nuôi tôm, từng bước đối phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, cho tỷ lệ thành công cao. Những điều này đang mở ra triển vọng mới, tạo đột phá cho ngành tôm của Ninh Bình.

Nông dân huyện Kim Sơn cải tạo ao đầm cho vụ nuôi tôm mới.

NHƯNG MÔ HÌNH TIÊN PHONG

“Tạo môi trường nuôi tôm trong nhà chóp nón với khung thép, lưới và nilon, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình nuôi, kiểm soát nhiệt độ, nước, thức ăn, vi sinh... để duy trì môi trường sinh trưởng lý tưởng cho tôm. Kết quả, tỷ lệ thành công đạt đến 80 - 100% vụ nuôi, đạt khả năng siêu thâm canh, nuôi quanh năm, không bị gián đoạn bởi khí hậu, thời tiết”.

Đó là mô tả khái quát của anh Vũ Hồng Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh về mô hình nuôi tôm trong nhà bạt mà đơn vị đang áp dụng và rất hiệu quả vài năm trở lại đây. Anh Sơn chia sẻ: ở miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán và khoảng cuối tháng 3, tháng 4 thị trường rất khan hiếm tôm, mặc dù vẫn có tôm từ miền Nam chở ra nhưng phần đa là tôm đông lạnh nên người tiêu dùng không ưa chuộng.

Nhìn nhận được tiềm năng thị trường tôm vụ đông ở phía Bắc là rất lớn, tôi đã cùng một số anh em góp vốn vào miền Nam tìm hiểu, ra Quảng Ninh, Hải Phòng học hỏi rồi về đầu tư vốn liếng hình thành khu nuôi tôm công nghệ cao với quy mô diện tích trên 7 ha, gồm 20 ao nuôi, trong đó có 11 ao nuôi có mái che chóp nón để nuôi 3 - 4 vụ/năm, có hệ thống quản lý tự động, điều khiển từ xa.

Lý giải về việc vì sao lại hình thành nên những ao tôm có mái che chóp nón, anh Sơn cho hay, vùng biển Ninh Bình hàng năm đón nhiều cơn bão. Việc đầu tư nhà 2 mái như rạp đám cưới sẽ khó giữ được mỗi khi có gió lớn, đặc biệt rất khó có thể trèo lên chằng chéo mái che. Qua nghiên cứu các mô hình, chúng tôi nhận thấy mái che chóp nón thoát gió tốt, chi phí đầu tư rẻ hơn.

Đáng chú ý, trong kỹ thuật nuôi tôm vụ đông là phải giữ được nhiệt bên trong ao. Chính vì thế, các ao tôm được phủ bạt tạo một dạng của hiệu ứng nhà kính, khi đó nhiệt độ bên trong và ngoài chênh lệch 7 – 10 độ C, đảm bảo nhiệt độ thích hợp nhất cho tôm sinh trưởng, anh Sơn cho biết.

Cũng theo anh Sơn, với khí hậu miền Bắc, tôm quảng canh chỉ nuôi được 1 vụ chính, 1 vụ phụ, trong đó vụ phụ bấp bênh vì thường vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, nuôi tôm quảng canh mật độ thả tôm giống thưa, sản lượng thấp do chịu tác động lớn bởi thời tiết, hơn nữa giá cả lúc này thường bấp bênh, dễ bị ép giá do vào chính vụ. Nếu một ao nuôi 5.000 m2 thì chi phí đầu tư khoảng 10 triệu đồng, thu nhập chỉ đạt đến 20 triệu đồng. Điều này khác hẳn so với nuôi tôm có mái che. Vì nuôi tôm có mái che sản xuất được 4 vụ trong năm. Mật độ thả tôm giống cao, thường 200 con/m2. Sản lượng đạt 20 – 22 tấn/ha.

Trong khi đó, người nuôi chủ động thời vụ, ví dụ đưa sản phẩm ra thị trường vào lúc trước và sau Tết hoặc vào các dịp lễ, hội thì giá bán sẽ rất cao. “Thời điểm này, thương lái phải “xếp lốt” thì mới bắt được tôm của chúng tôi và giá như thế nào do chúng tôi quyết định, phải nói là “đắt như tôm tươi”, vụ đông vừa qua sản lượng tôm của Công ty đã đạt khoảng 40 tấn, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng”, anh Sơn nói.

Không chỉ dừng lại ở mô hình của Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh, hiện nay nuôi tôm trong nhà bạt đang phát triển mạnh mẽ ở vùng ven biển huyện Kim Sơn. Giờ đây, đi đến đâu cũng nghe bà con hào hứng bàn tán về việc đầu tư nuôi tôm nhà bạt, tôm công nghệ cao.

Gia đình anh Bùi Quốc Phòng, xóm 5, xã Kim Hải cũng là một trong những hộ dân như thế. Gia đình anh có hơn 3 mẫu đầm nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống đã gần chục năm nay. Tuy nhiên, với mô hình này, càng về sau càng gặp khó khăn do nhiều yếu tố, nhất là tình hình dịch bệnh bùng phát dữ dội. Sau khi tham quan học hỏi một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt của một số hộ quanh vùng, tháng 7/2017, gia đình anh Phòng quyết định cải tạo lại khu nuôi, làm 1 nhà bạt 2 mái với diện tích 1.500 m2, chi phí đầu tư 70 triệu đồng.

Anh Phòng cho hay: Nuôi tôm trong nhà bạt, nhiệt độ trong nhà thường cao hơn bên ngoài từ 5-15 độ, nên dù nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C thì con tôm vẫn hoạt động bình thường, chỉ ăn ít đi một chút, còn khi trời nắng ấm lên tôm sẽ ăn bù lại và sinh trưởng, phát triển rất nhanh.

Hơn nữa, mùa đông nhiệt độ thấp, dịch bệnh ít phát sinh, một số yếu tố môi trường như tỷ lệ ôxy, độc tố, tảo… cũng dễ khống chế hơn. 26 vạn con tôm gia đình tôi thả từ giữa tháng 11/2017 đợt vừa rồi thu được gần 3 tấn tôm, trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn, Yên Khánh (Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Trong nỗ lực tìm kiếm phương pháp nuôi tôm hiệu quả, khắc phục thách thức từ thời tiết, rủi ro của dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, người nuôi tôm tại Kim Sơn đã có nhiều cách làm khác nhau: nuôi tôm ao nổi, ao nhỏ; sử dụng chế phẩm sinh học hay công nghệ nuôi biofloc…

Tuy nhiên, mô hình xây dựng nhà bạt được đánh giá là ưu việt nhất và đang được nhiều hộ dân ưu tiên áp dụng. Mới manh nha hình thành từ năm 2015 nhưng hiện nay Ninh Bình có khoảng 20 ha nhà bạt với khoảng 20 hộ nuôi. Nhà bạt ngoài được sử dụng vào nuôi tôm thương phẩm trong vụ đông còn có vai trò rất lớn trong việc ương tôm phục vụ nuôi tôm sớm vụ.

Thông thường nếu không có nhà bạt thì người nuôi chỉ có thể bắt đầu thả tôm vào đầu tháng 4 và đến tận cuối tháng 6, đầu tháng 7 mới được thu hoạch. Nhưng nếu sử dụng nhà bạt để ương nuôi trước từ tháng 1, tháng 2 và đợi khi nắng ấm lên thả bung ra ngoài ao thì chỉ cuối tháng 4 đầu tháng 5 tôm đã được thu, thời điểm này giá tôm vẫn rất cao. Một cái lợi nữa là nuôi tôm sớm vụ sẽ tránh được các đợt cao điểm nắng nóng cuối tháng 5 đầu tháng 6 chưa kể một số dịch bệnh sẽ không phát sinh khi trời lạnh.

Đặc biệt, 1m2 nhà bạt có thể ương nuôi 1.000-2.000 con tôm giống, như vậy chỉ cần 1 ha nhà bạt có thể ương được 10-20 triệu con giống cung cấp cho 10-20 ha nuôi sớm vụ. Đây là những tín hiệu rất tốt để tạo đột phá cho việc phát triển kinh tế thủy sản thời gian tới.

HƯỚNG TỚI GIÁ TRỊ TRÊN 230 TỶ ĐỒNG VÀO NĂM 2025

Theo kế hoạch phát triển sản xuất nuôi tôm của Ninh Bình đến năm 2025 vừa được Sở Nông nghiệp & PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt thì sản xuất nuôi tôm của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt diện tích 2.500 ha, sản lượng 2.500 tấn và giá trị sản xuất tôm (theo giá so sánh năm 2010) là trên 230 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được xác định là khâu đột phá.

Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh (Huyện kim Sơn) đầu tư hàng chục tỷ đồng thực hiện mô hình nuôi thủy sản tập trung trên diện tích 7ha; đồng thời, áp dụng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới vào nuôi trồng, cho hiệu quả kinh tế cao, doanh thu trung bình đạt 4 tỷ đồng/năm.

Trong ảnh: Công ty đầu tư xây dựng hệ thống mái che phần diện tích nuôi tôm công nghệ cao.

Theo kế hoạch, mục tiêu chung là phát triển sản xuất nuôi tôm tỉnh Ninh Bình theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế tỉnh nhà.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2020 dự kiến đạt là 14,2 %/năm. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 2.250 ha, sản lượng 1.300 tấn, giá trị sản xuất tôm (theo giá so sánh năm 2010) là trên 125 tỷ đồng. Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2021 đến 2025, hình thành các khu nuôi tôm công nghệ cao với hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến-hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Theo đó, sản lượng nuôi tôm đến năm 2025 kỳ vọng sẽ đạt 2.500 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân là 17,8%/năm, giá trị sản xuất tôm đến năm 2025 đạt trên 234 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch vùng và quy hoạch nuôi đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) nhằm sử dụng có hiệu quả các loại hình đất, mặt nước.

Trong đó, chú trọng quy hoạch chuyển đổi từ hình thức nuôi tôm quảng canh sang hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh và quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung. Tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình kinh tế hợp tác. Đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống bờ vùng, kênh cấp, thoát nước, hệ thống điện cho các vùng nuôi tôm tập trung. Phấn đấu xây dựng hoàn thiện quai đê vùng Bình Minh 4 để đưa vào phát triển thuỷ sản.

Không chỉ vậy, Ninh Bình cũng sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp nhận và áp dụng quy trình ương giống để chủ động đáp ứng nhu cầu giống tại địa phương, xây dựng khu ương giống tôm chất lượng cao. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý, giám sát điều kiện vùng nuôi tôm, môi trường dịch bệnh, chất lượng thức ăn, chất bổ sung thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường, hóa chất; từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh để phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiểu thiệt hại cho nông, ngư dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Vũ Minh Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT đánh giá: Nghề nuôi tôm của Ninh Bình đã có từ lâu và liên tục phát triển mạnh, tổng sản lượng thủy sản mặn lợ năm 2017 của tỉnh ước đạt trên 17.300 tấn (tăng 11,3% so với năm 2016).

Trong đó tôm sú là 310 tấn, tôm rảo 170 tấn, tôm thẻ chân trắng 430 tấn. Hiện ở tỉnh ta có nhiều mô hình, hình thức sản xuất tôm đạt hiệu quả khá tốt; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ngày càng được quan tâm đầu tư và phát triển, đặc biệt là mô hình nuôi tôm trái vụ, sớm vụ trong nhà bạt, đây là hướng mới cho nuôi tôm hiện nay. Do vậy, Ninh Bình có đầy đủ cơ sở về mặt khoa học quản lý và khoa học công nghệ để đưa nuôi tôm trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại rằng thực trạng sản xuất của chúng ta còn manh mún, khâu liên kết chuỗi, cung ứng con giống còn nhiều hạn chế. Vì thế, dù háo hức với những thành tựu và triển vọng gần đây, người nuôi tôm vẫn phải thận trọng, không phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát. Giải pháp then chốt cần hướng đến là tăng cường ứng dụng khoa học hiện đại vào khâu nuôi và đẩy nhanh hoàn thiện các vùng an toàn dịch bệnh. Đây cũng là cách duy nhất tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc cả sản lượng lẫn chất lượng để đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt 234 tỷ đồng như đã đặt ra.

Theo ý kiến của một số người nuôi tôm lâu năm thì để nuôi tôm phát triển bền vững, Ninh Bình cần xây dựng khu ương giống tôm chất lượng cao để chủ động đáp ứng nhu cầu giống tại địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh, Nhà nước cần có chính sách sát đúng về đất đai, cơ chế ưu đãi cho đầu tư, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào nuôi tôm, giúp xóa bỏ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tạo ra năng lực đầu tư và ứng dụng công nghệ.

Ông Đặng Thanh Tân, Giám đốc doanh nghiệp Tân Vân, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn cho rằng: Để tăng sản lượng tôm, xu hướng tất yếu là phải thay đổi về quy trình công nghệ, phương pháp nuôi, gia tăng số lượng người nuôi quy mô lớn, nuôi nhà bạt trên địa bàn. Chỉ cần 10 ha nhà bạt đưa vào sản xuất đã góp phần tăng sản lượng tôm toàn vùng lên khoảng 20%.

Tuy nhiên, hàng tỷ đồng trên 1 ha đầu tư ban đầu cho một khu nuôi tôm nhà bạt là một thách thức lớn về vốn đối với hộ nông dân, doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thể ứng dụng theo. Do đó, tỉnh cần có chính sách để giúp người nuôi tôm thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Và xin lấy câu nói của anh Vũ Hồng Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh để kết luận cho bài viết này: “Nghề nào cũng vậy, đặc biệt là nghề nuôi tôm, không thể dựa vào may mắn, không thể làm bừa được. Muốn thành công, quan trọng nhất là nắm khoa học kỹ thuật trong tay, thường xuyên cập nhật kiến thức. Nuôi tôm không có một công thức nào mà phải luôn luôn dò tìm, xem xét, ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra”.

Bài, ảnh: Hà Phương- Đức Lam

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang