• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nâng chất lượng nguồn giống cá tra

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 6/5/2018
Ngày cập nhật: 8/5/2018

Hiện nay, nhu cầu giống cá tra cho các tỉnh ĐBSCL vào khoảng 2 tỉ con/năm để đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, qua quá trình sản xuất giống liên tục, chất lượng đàn cá tra bố mẹ được sử dụng tại các trại sản xuất giống ở ĐBSCL suy giảm nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến chất lượng con giống; tỷ lệ ương từ cá bột lên cá giống thấp. Từ đó đặt ra yêu cầu phải có nguồn cá bố mẹ hậu bị tốt chuyển giao cho người nuôi để nâng cao chất lượng nguồn giống cá tra.

Chất lượng cá tra giống giảm sút

Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam, trước năm 1990, nguồn cá giống duy nhất để cung cấp cho người nuôi cá tra thương phẩm được vớt ngoài tự nhiên. Từ năm 2000, khu vực ĐBSCL đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá tra ở nhiều nơi, trong đó tập trung chủ yếu ở An Giang và Đồng Tháp. Trong giai đoạn 2000-2004, trên 50% nguồn giống cung cấp cho người nuôi cá tra thương phẩm vẫn còn lệ thuộc vào tự nhiên. Song từ năm 2004 trở lại đây, tình hình sản xuất giống đã có nhiều chuyển biến tích cực, giống cá tra nhân tạo ngày càng được sản xuất nhiều hơn. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 230 cơ sở sản xuất giống cá tra bột và 4.000 hộ ương cá tra giống, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất giống cho toàn vùng.

Ương nuôi cá tra giống tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Chất lượng cá giống suy giảm là một thực trạng đáng lo ngại, góp phần làm giảm hiệu quả nuôi. Ông Huỳnh Văn Mừng, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Mừng Liên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: "Tình hình sản xuất giống cá tra ngày càng khó do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, nhiệt độ trung bình giữa ngày và đêm chênh lệch lớn cùng với chất lượng nguồn nước suy giảm". Theo nhiều cơ sở sản xuất giống cá tra, hiện nay, tỷ lệ ương từ cá bột lên cá giống chỉ đạt khoảng 10%, thậm chí một số nơi tỷ lệ này chỉ dao động từ 6-7%. Dịch bệnh trên cá tra nuôi xuất hiện nhiều hơn so với các năm trước, thời gian nuôi kéo dài hơn.

Tùy theo nhu cầu thị trường mà sản lượng cá tra bột cung cấp ra thị trường mỗi năm có sự biến động khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng mạnh sản lượng cá tra bột thì chất lượng cá tra bột ngày càng đi xuống. Ngoài những cơ sở sản xuất giống uy tín có đàn cá bố mẹ hậu bị chất lượng vẫn có một số cơ sở sản xuất giống vì lợi nhuận đã chạy theo nhu cầu thị trường, không quan tâm đến chất lượng con giống. Những năm giá cá tra giống tăng cao thì ép cho cá đẻ sớm, đẻ nhiều lần trong năm, sử dụng cá bố mẹ không rõ nguồn gốc, cá cận huyết dẫn đến chất lượng cá giống kém, tỷ lệ dị hình cao, chậm lớn, sức đề kháng kém. Một số hộ nuôi cá giống tìm cách giữ đầu con bằng mọi giá nên đã lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng và điều trị bệnh cá trong quá trình ương nuôi. Điều này dẫn đến hậu quả là chất lượng cá giống ngày càng giảm sút, đến khi nuôi thương phẩm khả năng mắc bệnh sẽ cao và khó điều trị hơn.

Đưa nguồn cá hậu bị chất lượng đến các địa phương

Trong giai đoạn I (2006-2012), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II chọn tạo và phát tán 101.000 con cá tra hậu bị đến 63 trại giống thuộc 9 tỉnh, thành ở ĐBSCL, góp phần đáp ứng 60% nhu cầu về số lượng cá bố mẹ. Ở giai đoạn 2 (2016-2020), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Dự án "Sản xuất giống cá tra chất lượng cao" với mục đích sản xuất 15.000 con cá hậu bị/năm và có tốc độ tăng trưởng nhanh để phát tán cho các cơ sở sản xuất cá tra vùng ĐBSCL. Qua kết quả đánh giá đàn cá tra hậu bị được chuyển giao cho thấy, cá tra bố mẹ chọn giống tăng trưởng nhanh, có thể truy xuất được nguồn gốc; cá giống từ nguồn cá bố mẹ chọn giống tăng trưởng nhanh, đồng đều, hệ số chuyển đổi

Theo Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam, nhóm nghiên cứu thực hiện Dự án "Sản xuất giống cá tra chất lượng cao", đàn cá tra hậu bị được chuyển giao cho các địa phương rơi vào thời điểm thị trường cá tra biến động, cá tra thương phẩm rớt giá, dẫn đến giá cá giống thấp, nhiều trại giống bị lỗ nên hạn chế ương, dưỡng cá giống. Ông Lê Đức Liêm, Phó Phân viện Trưởng Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam, cho biết: Chiến lược chuyển giao đàn cá tra bố mẹ hậu bị cho các địa phương cơ bản tốt nhưng một số cơ sở ương cá giống chưa đảm bảo về quy trình nuôi. Do đó, bước tiếp theo là cần xây dựng quy trình ương nuôi để chuyển giao cho các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất giống, quản lý giống từ đầu vào và quản lý quy trình ương nuôi để cho ra con giống chất lượng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, giá cá tra thương phẩm tăng cao, dẫn đến giá cá giống dao động từ 40.000 đồng-60.000 đồng/kg (loại 30 con/kg). Đây được xem là điều kiện tốt để các trại giống tiếp tục khai thác nguồn cá tra hậu bị đã được tiếp nhận từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II.

Theo ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục thực hiện chương trình "Sản xuất cá tra giống chất lượng cao" trên cơ sở đánh giá lại hiệu quả chọn cá bố mẹ và phát tán đàn cá ra các địa phương. Cần tiếp tục đánh giá sự khác biệt giữa đàn cá của Viện II đã chuyển giao cho các địa phương và đàn cá bố mẹ được chọn lựa từ tự nhiên. Cần nghiên cứu đa dạng các tính trạng chọn lọc, đánh giá về chất lượng cá bố mẹ, sức sinh sản, tỷ lệ sống, chất lượng thịt cá nuôi thương phẩm, tính kháng bệnh… thay vì chỉ tập trung vào đánh giá tính trạng tăng trưởng.

Ông Nguyễn Đinh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, cho biết: Viện đang triển khai 2 chương trình nghiên cứu về sản xuất cá tra giống với 1 chương trình chuyên về đánh giá tính trạng tăng trưởng và 1 chương trình chuyên về đánh giá tính trạng kháng bệnh. Về lâu dài, khi nghiên cứu đưa ra thị trường giống cá tra bố mẹ hậu bị để chuyển giao cho địa phương thì nguồn giống bố mẹ phải được công nhận là giống mới. Bên cạnh đó, Viện cũng nghiên cứu làm thế nào để giảm giá thành đàn cá hậu bị để các trại giống dễ chấp nhận và khai thác hiệu quả.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang