• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 02/05/2018
Ngày cập nhật: 5/5/2018

Những năm gần đây, công nghệ nhân giống lươn phát triển đã tạo ra những giống lươn năng suất cao, sức đề kháng mạnh. Điều này giúp cho nghề chăn nuôi lươn không chỉ ít rủi ro, mà còn giúp nông hộ mang lại thu nhập ổn định. Hộ chị Phạm Thị Kiều Em, ở ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã thành công với mô hình nuôi lươn sinh sản.

Chị Phạm Thị Kiều Em bên mô hình nuôi lươn sinh sản.

Từ nuôi lươn thương phẩm...

Từ nuôi ếch thương phẩm, giá cả bấp bênh, chị Phạm Thị Kiều Em mạnh dạn chuyển sang nuôi lươn trên bể lót bạt vào năm 2016. Mô hình này được thực hiện trên diện tích 100m2 gồm 3 bể nuôi, với 5.000 con giống lươn đồng được ươn nuôi nhân tạo, kích cỡ 70 con/kg. Tổng kinh phí thực hiện mô hình 50 triệu đồng. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tiền con giống và một phần thức ăn, tổng cộng trên 33 triệu đồng.

Để lươn nuôi đạt tỷ lệ sống cao, ít hao hụt, chị Kiều Em cho lươn ăn chủ yếu là cá biển (70%), thức ăn viên (30%). Ngoài ra, chị còn sử dụng men tiêu hóa Bio, vitamin C, khoáng Premix, nhằm giúp lươn tiêu hóa tốt thức ăn, tăng sức đề kháng và giảm bệnh.

Mỗi ngày cho lươn ăn 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Để quản lý tốt chất lượng nước trong bể, phòng tránh lươn nhiễm bệnh, chị thường xuyên thay nước đã qua xử lý, lắng lọc, diệt khuẩn, 2 - 3 ngày tiến hành một lần, mỗi lần thay từ 70 - 100% lượng nước trong bể. Bên cạnh đó, chị dùng chế phẩm sinh học Zeo xử lý môi trường trong bể nuôi làm phân giải thức ăn thừa khi không có điều kiện thay nước, giảm khí độc, giúp môi trường nuôi sạch hơn, nguồn nước thải ra giảm ô nhiễm.

Mô hình nuôi lươn trên bể lót bạt của chị Phạm Thị Kiều Em có tỷ lệ lươn sống bình quân đạt 85%, năng suất bình quân 10,5kg/m2. Qua 6 tháng nuôi, chị Kiều Em thu hoạch khoảng 1 tấn lươn thương phẩm, giá bán 140 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, chị còn lợi nhuận trên 42 triệu đồng.

Đến sản xuất lươn giống

Nhận thấy nguồn lươn giống khan hiếm, nhất là khó mua được lươn giống chất lượng về nuôi. Vì vậy, sau khi nuôi lươn thương phẩm thành công, vào tháng 5-2017, chị Phạm Thị Kiều Em mạnh dạn sản xuất lươn sinh sản, cung cấp nguồn giống lươn đồng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh như: Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long…

Hiện nay, trên diện tích khoảng 500m2 đất, chị có khoảng 7 ngàn con lươn bố mẹ, cung ứng lươn giống ra thị trường. Chị Kiều Em cho biết: “Sau khoảng 9 tháng nuôi, chị cho lươn bố mẹ sinh sản dao động từ khoảng tháng Giêng đến tháng 8. Trung bình mỗi lần sinh sản, lươn đẻ từ 100 - 300 trứng, tỷ lệ sống khoảng 80%.

Nói về kỹ thuật nuôi lươn sinh sản đạt hiệu quả, chị Kiều Em chia sẻ: “Nuôi lươn sinh sản thì cần cho lươn bố mẹ ăn đầy đủ dưỡng chất thì trứng mới phát triển tốt. Vào khoảng tháng 10, 11, 12, phải dưỡng con bố mẹ đạt trọng lượng mới có khả năng sinh sản tốt. Bệnh thường gặp ở lươn chủ yếu là đường tiêu hóa. Vì vậy, để đường tiêu hóa của lươn tốt thì phải chia đều các cử ăn, lươn mới có sức đề kháng mạnh”.

Với mô hình nuôi lươn sinh sản, trung bình 10 ngày, chị thu hoạch được 1,5kg trứng lươn. Sau đó, chị đem trứng ấp từ 4 - 7 ngày sẽ nở ra con. Lươn giống nuôi dưỡng khoảng 2 tháng mới xuất bán, giá từ 2.000 - 2.500 đồng/con (kích cỡ 1.000 con/kg). Một tháng, chị thu hoạch khoảng 20.000 con lươn giống, sau khi trừ đi chi phí, chị còn lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Tiên Thủy Nguyễn Quốc Anh, mô hình nuôi lươn của chị Kiều Em rất hiệu quả, điều kiện nhân rộng mô hình này rất khả quan. Lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo cán bộ phụ trách phối hợp với nông dân tiến hành rà soát và nhân rộng mô hình, nhằm tạo điều kiện để các nông hộ có diện tích đất ít phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Trúc Lan

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang