• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tuyên Quang: Nhân giống cá chiên thành công

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 25/04/2018
Ngày cập nhật: 27/4/2018

Từ 240 con giống ban đầu được nhân giống thành công năm 2015, đến nay Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang sản xuất được 10.000 con cá chiên giống. Loài cá có biệt danh “chúa tể” dòng sông được nuôi ương thành công đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của ngành thủy sản tỉnh, giải quyết những khó khăn về con giống cho nhiều hộ nuôi cá.

5 lần thất bại

Anh Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết, cá chiên là một trong 5 loài cá quý của Tuyên Quang. Chúng được mệnh danh là “chúa tể” lòng sông bởi bản tính hung dữ và thân hình đồ sộ, có con cá chiên nặng tới 80 kg. Loài cá này sinh sống chủ yếu trong môi trường tự nhiên trên sông Lô, sông Gâm và có giá trị kinh tế khá cao. Tuy nhiên, chúng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng bởi những tay thợ săn sẵn sàng dùng kích điện khiến cá con bị tận diệt.

Tháng 1-2014, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nghiên cứu, nhân giống loài cá quý hiếm này. Tuy nhiên, việc nhân giống nhân tạo gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh Phạm Mạnh Thông chia sẻ, cá chiên chỉ thích nghi với nước sạch, có hàm lượng ôxy cao, có dòng chảy siết nên để chinh phục thành công loài cá này, các chuyên gia và cán bộ của trung tâm đã trải qua 5 lần thất bại. Giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm, cán bộ trung tâm lấy nước giếng khoan thực hiện nuôi ương.

Cán bộ Trung tâm Thủy sản tỉnh lấy trứng cá chiên để nghiên cứu, nhân giống.

Nguồn nước này tương đối sạch nhưng do ở sâu dưới lòng đất nên hàm lượng ôxy thấp, chứa nhiều ion kim loại nên không phải là môi trường lý tưởng cho cá chiên phát triển. Việc điều chỉnh dòng chảy cho từng giai đoạn trứng sinh nở và phát triển cũng là vấn đề đặt ra. Sau những lần cùng ngồi bàn giải pháp đã tìm ra cơ chế sinh sản, môi trường sống của ấu trùng… Từ việc điều chỉnh dòng, cải tạo tăng hàm lượng ôxy trong nước, chọn cá bố mẹ có chất lượng tốt, nguồn thức ăn cho cá giống trong từng giai đoạn sinh trưởng đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, rút kinh nghiệm, đến cuối năm 2015 Trung tâm Thủy sản tỉnh đã nhân giống thành công 240 cá thể cá chiên. Đến năm 2016 tỉnh đã nhân giống được 1.200 con giống, năm 2017 là 9.200 con và năm 2018 dự kiến sản xuất 15.000 con giống.

Cứu cánh cho người nuôi cá

Khu vực nuôi cá chiên của gia đình anh Lê Anh Minh, tổ 7, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 120 hộ nuôi cá chiên với 262 lồng, sản lượng trung bình đạt 46,3 tấn/năm. Trong đó, có khoảng 30 hộ thu lãi từ 100 đến 350 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, vấn đề con giống luôn là khó khăn thường trực với các hộ chăn nuôi.

Gần 10 năm nuôi cá chiên, ông Phạm Thanh Bình, thôn Bình Thuận, xã Thái Hòa (Hàm Yên) luôn gặp khó khăn trong việc chọn giống. Có vụ ông phải bỏ không một số lồng vì thiếu cá giống. Trung tâm Thủy sản tỉnh nghiên cứu và nhân giống thành công nguồn giống tạo thuận lợi nhiều cho người nuôi trồng thủy sản. Giá con giống rẻ hơn so với giá nhập ngoài thị trường 10.000 đồng/con. Với cá thương phẩm giá từ 400 đến 500.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 350 triệu đồng. So với những giống cá khác, nuôi cá chiên thu lãi cao hơn từ 1,5 đến 2 lần.

Gia đình anh Lê Anh Minh, ở tổ 7, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) có 3 đời làm nghề chài lưới. Hiện nay, gia đình anh nuôi 7 lồng cá chiên, trung bình mỗi lồng 30 con. Nguồn cá giống được anh mua của dân chài lưới đánh bắt được nên chất lượng không đảm bảo, nhiều con khi đưa về thuần phục tỷ lệ chết thường là 50%, có khi không cứu được con nào. Anh rất mong Trung tâm Thủy sản tỉnh nhân giống với số lượng lớn hơn nữa để những người mưu sinh bằng nghề thủy sản như anh có nguồn giống ổn định, đảm bảo chất lượng.

Việc nghiên cứu thành công và sản xuất cá chiên giống quy mô lớn mở hướng làm giàu cho nghề nuôi cá đặc sản; hỗ trợ đắc lực trong công tác bảo vệ, thả tái tạo loài cá quý này. Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, để bảo vệ loài cá chiên quý trên sông Lô, sông Gâm, năm 2017 tỉnh ta đã thả 3.000 con cá chiên giống trên các dòng sông, năm 2018, tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục thả 3.000 con.

Bài, ảnh: Đào Thanh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang