• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Tín hiệu vui từ những mẻ cá đầu năm

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 07/01/2018
Ngày cập nhật: 9/1/2018

Một ngày đầu năm mới 2018, tôi tìm về làng biển Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị để chứng kiến cảnh tấp nập của mùa khai thác hải sản.

Mặc dù vừa cập bến sau một chuyến ra khơi nhưng ngư dân Nguyễn Đức Cường, là bạn học một thời vồn vả chở tôi bằng thuyền máy dạo một vòng quanh cảng biển. Gió từ cửa biển lồng lộng thổi làm tăng thêm cái giá lạnh buốt vào thịt da. Sau bao năm vật lộn với biển cả đã tôi luyện Cường trở thành một ngư dân vạm vỡ. Cường kể cho tôi nghe những câu chuyện về nghề biển một cách rành rọt pha lẫn niềm tự hào: “Mùa này vùng biển miền Trung cá khoai và mực ống nhiều vô kể. Không cần đi xa, chỉ ra cách đảo Cồn Cỏ khoảng vài chục hải lý là có một ngư trường dồi dào hải sản. Mặc dù thời tiết những ngày qua không mấy thuận lợi nhưng ngư dân vẫn liên tục ra khơi, kiên trì bám biển. Ngư dân trong thời gian này thường trúng rất đậm, bình quân mỗi tàu cá với mỗi chuyến vươn khơi 15-20 ngày, thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng”.

Được mùa cá

Doãn, vợ của Cường ra tận bến đón chồng trong niềm vui. Hơn 8 giờ sáng, từ thôn Tân Xuân đến Xuân Ngọc kéo về tận chân cầu Cửa Việt, thuyền bè tấp nập đông vui. Dọc hơn 2 km chỗ nào cũng có thuyền cá cập bờ, ngư dân nhanh nhẹn chuyển cá lên bờ để các thương lái tập trung thu mua. Sau khi thỏa thuận giá cả, cân đong thì cá lớn đắt tiền như thu, ngừ, mực được chuyển lên xe thùng ướp đá chở ra Quảng Bình hay vô Đà Nẵng. Các loại cá nhỏ như nục, trích được tư thương địa phương thu mua đưa vào hấp sau đó đóng hàng bán sang thị trường Trung Quốc. Nếu nói về truyền thống nghề biển thì Gio Việt mới là đất sản sinh ra nghề đánh bắt hải sản lâu đời nhất của vùng biển Gio Linh. Bởi trong quá khứ cũng như hiện tại, Gio Việt chính là nơi sản sinh ra những ngư dân điển hình giỏi giang về nghề biển. Bằng kinh nghiệm của mình, ngư dân xã Gio Việt luôn tìm được những bè cá lớn để tập trung đánh bắt. Vậy nhưng khi so sánh về quy mô khai thác như hiện nay thì ngư dân Gio Việt không bằng thị trấn Cửa Việt bởi ở thị trấn có đội tàu xa bờ hùng hậu nhất tỉnh Quảng Trị.

Cường lý giải với tôi rằng: “Nói là 2 địa phương theo đơn vị hành chính chứ ở đây cũng chỉ một làng biển mà chia tách ra. Ở đâu cũng bà con, bổn tộc suốt mấy trăm năm làm nghề biển nên gắn bó vào máu thịt. Trước sự cố ô nhiễm môi trường biển, các vị cao tuổi trong làng cứ động viên con cháu đừng quá chán nản mà bỏ làng, bỏ xóm vào Nam. Không đi biển thì tìm công việc khác làm để kiếm sống qua ngày chứ nhất định không bỏ biển. Vậy là biển đã không phụ lòng người”.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển nhưng nhờ vào chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 2.800 tàu thuyền với tổng công suất 69.480 CV. Việc chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần sớm ổn định cuộc sống nhân dân, người dân vùng biển có nguồn kinh phí để đầu tư cải tạo nâng cấp, đóng mới nhiều tàu thuyền, sắm các ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy sản hiện đại, tổ chức đánh bắt hải sản xa bờ... Kết thúc năm 2017 sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh Quảng Trị đạt 24.000 tấn. Hơn 1 năm qua, biển đã hồi sinh trở lại, đời sống ngư dân ngày càng khấm khá. Làng biển Tân Lợi, thị trấn Cửa Việt, những năm trước chỉ là những ngôi nhà lụp xụp nhưng nay có nhiều nhà cao tầng khang trang. Làng có 200 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu. Ngư dân Võ Văn Huynh, với kinh nghiệm hàng chục năm đi biển cho biết: “Khác với ngày xưa, một năm chỉ đi biển khoảng 6 tháng trời nam nắng, còn mùa đông thì neo thuyền ở nhà nhưng hiện nay bất chấp cả mưa rét mùa đông (ngoại trừ bão) thì ngư dân ở đây vẫn đều đặn ra biển bình thường. Và có thể khẳng định rằng, mùa biển động là mùa làm giàu của ngư dân ở đây”.

Một khi biển được mùa thì dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển theo. Còn nhớ khi sự cố môi trường xảy ra, tôi về thăm Trần Duy Liệu là chủ một cơ sở thu mua hải sản lớn nhất vùng biển Gio Linh. Liệu buồn bã dẫn tôi ra thăm những kho đông lạnh đang trống trơn. Thiếu nguồn nguyên liệu hoạt động, thu nhập của gia đình giảm sút rõ rệt. Nhưng trong năm 2017 nhờ việc đánh bắt hải sản trên biển có hiệu quả nên hiện nay cơ sở của Liệu đã có nguồn nguyên liệu dồi dào, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân và tăng doanh thu cho gia đình.

Trước những tín hiệu rất khả quan về khai thác hải sản, đặc biệt là khí thế hân hoan về những mẻ cá đầu tiên trong những ngày đầu năm mới, ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh phấn khởi cho biết: “Năm 2017, sản lượng khai thác hải sản của huyện đạt 12.558,4 tấn, bằng 1/2 tổng sản lượng hải sản trên toàn tỉnh. Đây chính là thế mạnh của địa phương nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi có 2 vùng cửa lạch để phát triển đội tàu thuyền, nhất là đội tàu xa bờ. Trong năm 2017, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo chính quyền, ngành chức năng liên quan tích cực triển khai thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ, tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp cận nguồn vốn, đăng ký đóng mới và nâng cấp tàu cá. Ngoài ra ngư dân đã chủ động sử dụng một phần kinh phí đền bù sự cố môi trường biển để cải tạo, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ. Hiện nay, toàn huyện có 886 tàu, thuyền với tổng công suất 78.914 CV, trong đó có 171 tàu xa bờ. Điều đáng mừng là các đội tàu khai thác xa bờ, tổ tự quản bến bãi tàu thuyền phối hợp hoạt động có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển”.

Không riêng gì ở vùng biển Gio Linh, trong những ngày đầu năm mới ngư dân trên toàn tỉnh đã đồng loạt ra khơi. Từ làng biển Thái Lai, Mạch Nước (Vĩnh Thái, Vĩnh Linh) đến Thâm Khê, Trung An (Hải Khê, Hải Lăng) ngư dân đang ra khơi đánh bắt hải sản và hy vọng về một mùa biển bội thu.

Tân Nguyên

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang