• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bạc Liêu: Nuôi trồng thủy sản vùng Bắc Quốc lộ 1A: Con tôm “khát mặn”

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 19/03/2018
Ngày cập nhật: 22/3/2018

Chưa lúc nào người nuôi tôm ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A lại sốt ruột như lúc này. Đã hơn nửa tháng 3 mà nước mặn vẫn chưa về. Ruộng đồng đã cải tạo xong, chỉ chờ đủ mặn là thả tôm nuôi. Thế là nhiều nơi con tôm lại thay nhau “khát mặn”.

Cống điều tiết nước mặn phục vụ nuôi tôm ở huyện Phước Long.

Nông dân huyện Hồng Dân cải tạo đồng ruộng để thả tôm nuôi trên đất lúa. Ảnh: L.D

NHIỀU NƠI CHỜ MẶN

Về các xã chuyển đổi sản xuất ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) trong thời gian này, đâu đâu cũng nghe nông dân than thiếu nước mặn. Nếu như năm 2017, vào thời điểm này nhiều nơi đã có nước mặn để đưa vào đồng ruộng, thì hiện nay nhiều tuyến kênh độ mặn chỉ dao động từ 1 - 2%o. Trong khi để con tôm sống được trên đất lúa, độ mặn thấp nhất phải từ 7 - 10%o. Ông Trần Quốc Toàn (một hộ nuôi tôm xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) than: “Độ mặn đã có nhưng còn thấp quá nên gia đình tôi và nhiều hộ dân ở đây chỉ tập trung cho cải tạo chứ chưa dám thả nuôi”.

Tương tự, các xã khác của huyện Hồng Dân, đến nay trên nhiều tuyến kênh vẫn chưa có nước mặn. Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh - Võ Văn Thum cho biết: “Năm nay được xem là năm thứ 3 mà bà con nuôi tôm phải đương đầu với khó khăn vì thiếu nước mặn. Bởi từ năm 2015 - 2017, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn xã gần như thất bát vì vừa không thu được lúa (do hạn mặn), lại chẳng nuôi được con tôm. Do vậy, nông dân hy vọng vào vụ tôm năm nay sẽ khá hơn. Tuy nhiên, đến nay nhiều tuyến kênh trên địa bàn xã độ mặn đo được chỉ từ 1 - 2%o nên nông dân vẫn chưa thể thả tôm nuôi. Với diện tích nuôi tôm trên đất lúa hơn 4.338ha, đến nay gần 2.600 hộ nông dân đã cải tạo xong, chỉ chờ có nước mặn là thả nuôi ngay”. Và nhiều xã khác như: Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A... nhiều nơi vẫn còn thiếu và chưa đủ mặn.

Nếu như các xã của huyện Hồng Dân, con tôm đang “khát mặn” thì các xã vùng chuyển đổi của huyện Phước Long năm nay nước mặn lại về sớm và thừa mặn để nuôi tôm. Ở nhiều tuyến kênh chính đến các kênh nội đồng, nguồn nước cấp không chỉ dồi dào, mà độ mặn còn đạt mức lý tưởng (từ 15 - 18%o). Ông Trần Quốc Bằng (Tổ hợp tác Quyết Tâm, ấp Phước Thạnh, xã Phước Long) nói: “So với mọi năm, năm nay nước mặn có sớm hơn nên nông dân rất phấn khởi. Vì vậy, nhiều hộ dân sẽ tập trung nuôi tôm 3 vụ, vì giá tôm từ đầu năm đến nay khá cao”. Với tổng diện tích nuôi tôm trên đất lúa năm 2018 khoảng 10.000ha, năm nay huyện Phước Long thừa mặn để nuôi tôm.

TÔM THẺ “LẤN SÂN”

Đối với nông dân vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, vụ nuôi tôm này được xem là vụ nuôi chính trong năm. Đây còn là vụ nuôi để có vốn phục vụ sản xuất nuôi tôm vụ hai và sản xuất lúa vào những tháng cuối năm. Vì vậy, bao hy vọng của người nông dân đều trông nhờ vào vụ tôm này và không thể bỏ đất trống.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân: “Với thực trạng thiếu mặn như hiện nay, nếu trong thời gian tới tiếp tục không có mặn, chắc chắn nhiều nông dân sẽ tập trung nuôi con tôm thẻ chân trắng”.

Qua điều tra thực tế, không phải đến năm nay nông dân ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A mới đưa con tôm thẻ chân trắng vào đồng ruộng, mà họ đã đưa đối tượng bị xem là “ngoại lai” cấm nuôi ở khu vực này từ nhiều năm qua. Đặc biệt là những năm thiếu mặn thì gần như nông dân đều thả nuôi thẻ chân trắng. Điều đáng quan tâm, con tôm thẻ vốn là đối tượng bị cấm nuôi trồng ở khu vực này, vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, phát tán dịch bệnh. Ông Trần Thanh Phong, Bí thư xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) cảnh báo: “Với 5.230ha nuôi tôm trên đất lúa, nếu năm nay độ mặn thấp thì gần như 100% diện tích nuôi tôm của xã nông dân sẽ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2017, đã có gần 5.000ha nuôi tôm thẻ, trong đó đã có nhiều hộ thất bại, trắng tay, vì nuôi con tôm thẻ rủi ro rất cao so với nuôi tôm sú. Tuy nhiên, cái khó là chỉ vận động chứ không thể cấm nông dân nuôi, vì nông dân không thể bỏ đất trống”.

Còn nguyên nhân vì sao nông dân không chọn con tôm càng xanh nuôi để thay thế cho con tôm sú? Đơn giản là vì nuôi tôm càng xanh phải mất khoảng 6 tháng, còn nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ mất hơn 2 tháng là thu hoạch.

Điều đáng lo hơn, nếu không đủ nước mặn nuôi tôm, nông dân ngoài nuôi con tôm thẻ còn tập trung thả nuôi tôm 3 vụ hay dồn sức vào 2 vụ tôm nuôi cuối mà không tập trung sản xuất lúa sẽ kéo theo sự phát triển thiếu bền vững cho những vụ nuôi tiếp theo khi con tôm nuôi không còn thức ăn để lại sau khi thu hoạch lúa. Vì mô hình sản xuất lúa - tôm chỉ bền vững khi kết hợp giữa sản xuất 2 vụ tôm - 1 vụ lúa.

Bài toán “giải cơn khát mặn” cho con tôm thật không đơn giản. Song, dù khó vẫn phải làm để giữ gìn môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long: Cần đẩy nhanh xây dựng âu thuyền Ninh Quới

So với các địa phương khác áp dụng mô hình sản xuất lúa - tôm, đến nay huyện Phước Long đã đủ nước mặn cho con tôm. Tuy nhiên, việc thiếu nước mặn cho con tôm vẫn thường xuyên xảy ra và năm 2017, nhiều nơi ở Phước Long cũng không đủ nước mặn để nuôi tôm. Do vậy, để chủ động nguồn nước mặn phục vụ nuôi tôm và hoàn thành kế hoạch mở rộng, phát triển diện tích sản xuất lúa - tôm, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình âu thuyền Ninh Quới. Có công trình này, Bạc Liêu sẽ thuận lợi trong việc điều tiết nước mặn và khắc phục được khó khăn này là mỗi khi điều tiết nước mặn đều gặp khó vì ảnh hưởng đến vùng ngọt ổn định của thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng).

Bên cạnh giải pháp công trình, cần vận động nông dân tuân thủ lịch thời vụ, không sản xuất lúa vụ 3 (đông xuân muộn), vì đây là giai đoạn nắng nóng cần thêm nước mặn vào các đồng tôm. Nếu sản xuất lúa vụ 3 sẽ gây khó cho việc điều tiết nước mặn. Bởi nếu không thêm nước mặn vào đồng thì con tôm sẽ chết, còn điều tiết thêm mặn vào thì sẽ ảnh hưởng đến diện tích đang sản xuất lúa.

LƯ DŨNG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang