• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khát vọng tự chủ tôm Việt

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 22/02/2018
Ngày cập nhật: 23/2/2018

Những ngày cuối năm 2017, thông tin Tập đoàn Việt - Úc công bố thành công chương trình tôm bố mẹ, như một làn gió mới, đánh dấu một năm mới khởi sắc cho ngành thủy sản Việt Nam.

Thu hoạch tôm tại khu nhà kính của Tập đoàn Việt Úc.

Khát vọng

Để có được thành công, Tập đoàn Việt - Úc (có trụ sở tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) phải mất hơn 10 năm tìm kiếm khắp nơi trên thế giới về công nghệ chọn tạo giống tôm bố mẹ. Tin vui này sẽ sớm hóa giải những khó khăn, thách thức mà ngành tôm Việt Nam đang gặp phải, đó là phải nhập khẩu gần như hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Thái Lan… khiến ngành tôm giống lệ thuộc nước ngoài. Mặc dù tôm bố mẹ nhập khẩu đều có chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, nhưng trên thực tế tình trạng tôm bố mẹ kém chất lượng, nhiễm bệnh vẫn khá phổ biến và rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, giá thành nhập khẩu tôm bố mẹ rất cao và chênh lệch lớn giữa các nguồn cung cấp, dẫn tới việc các cơ sở sản xuất tôm giống không chủ động được giá bán dẫn tới giá cả tôm giống biến động liên tục, ảnh hưởng hiệu quả sản xuất của người nuôi.

Theo các chuyên gia, nếu so sánh điều kiện sản xuất tôm giống chất lượng cao thì khu vực xã Vĩnh Tân (Tuy Phong), được xem là vùng đất hội đủ nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn nước để sản sinh con giống đạt chất lượng cao mà không phải nơi nào cũng có được…Tuy nhiên, khi các cơ sở sản xuất và ngành chức năng ra sức xây dựng thương hiệu “tôm giống Bình Thuận” với chất lượng cao để mở rộng thị trường, vốn còn rất nhiều tiềm năng này, thì các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh đã trà trộn giống trôi nổi, không đạt chất lượng và mạo danh thương hiệu để trục lợi. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Việt – Úc là doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước chọn tạo thành công giống tôm thẻ chân trắng chất lượng cao, được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống mới vào năm 2015. Tiếp nối thành công, tập đoàn này tiếp tục nghiên cứu, mở rộng sản xuất và nuôi dưỡng ước mơ tự chủ được nguồn tôm bố mẹ.

Tập đoàn Việt – Úc nuôi dưỡng ước mơ nâng tầm tôm Việt.

Tiên phong

Để biến ước mơ thành hiện thực, cả ngành tôm Việt Nam từ các viện, trường và các doanh nghiệp đều đã vào cuộc. Tuy nhiên, việc tự chủ được con giống không phải quốc gia nào cũng làm được, kể cả các nước có ngành nuôi tôm phát triển. Hơn 5 năm nghiên cứu liên tục, tập đoàn đã hợp tác cùng Viện CSIRO (Viện Nghiên cứu nông nghiệp lớn nhất của Úc), với sự tham gia của 13 tiến sĩ và đội ngũ hơn 50 người đã ứng dụng nhiều công nghệ vượt trội, như công nghệ di truyền phân tử, di truyền số lượng… để sản xuất ra những giống bố mẹ chất lượng nhất. Mỗi con giống bố mẹ đều được gắn chíp theo dõi với một mã số và thông tin khá chi tiết (cân nặng, nguồn gốc, hệ số cận huyết). Với hệ thống lập trình và tính toán chính xác, người nghiên cứu có thể biết được con nào được và không được phép giao phối với nhau, để chọn lọc những con giống khỏe mạnh nhất. Chính vì thế, Tập đoàn Việt – Úc đã chọn được đến thế hệ G7 với tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn thế hệ đầu tiên là 48%.

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc cho biết: “Việt Nam đã chính thức tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ riêng với công nghệ vượt trội. Để đưa được con giống chất lượng từ những đàn tôm bố mẹ vượt trội này đến với người nuôi, tập đoàn đã xây dựng các công ty giống hiện đại gần các vùng nuôi trọng điểm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Nghệ An và Quảng Ninh với tổng công suất trên 50 tỷ con giống/năm. Theo lộ trình từ nay đến năm 2020, Việt Nam có thể tự chủ hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ, là yếu tố quan trọng để thực hiện khát vọng nâng tầm tôm Việt, để đạt mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã “đặt hàng” là kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025”.

Mỗi con tôm bố mẹ đều được gắn chip theo dõi.

Theo ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT thì những thành công của Tập đoàn Việt - Úc, nhất là trong nghiên cứu, chọn tạo con giống bố mẹ đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành tôm Việt Nam. Bởi trong chiến lược phát triển ngành thủy sản cũng như tái cơ cấu nông nghiệp, đã xác định tôm là sản phẩm chiến lược, có nhiều lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Minh Vân

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang