• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Biển hồi sinh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 16/02/2018
Ngày cập nhật: 20/2/2018

Câu chuyện hậu quả của sự cố môi trường biển dường như chưa từng xảy ra nơi vùng cửa biển này. Những ngày cuối năm, Cảng Cửa Việt tấp nập, nhộn nhịp với những khoang thuyền đầy ắp cá.

Chuyến vươn khơi kéo dài trên 20 ngày từ vùng biển Bạch Long Vĩ của con tàu QT 90029TS - chiếc tàu từng mang về mẻ cá kỷ lục trên 150 tấn vào tháng 3/2017 cho ngư dân Lê Văn Tuấn, thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt (huyện Gio Linh) cập bến Cửa Việt đúng vào thời điểm bão số 16 áp sát biển Đông. Tranh thủ những ngày nghỉ tránh bão, anh Tuấn gọi thợ về bảo dưỡng, sửa chữa máy móc chuẩn bị chuyến ra khơi mới, cũng nhờ vậy chúng tôi có dịp chuyện trò cùng anh sau gần một năm đánh trúng mẻ cá bè vàng kỷ lục.

Sản phẩm từ các đội tàu đánh bắt xa bờ

“Rất khó để gặp được anh Tuấn”, đó là nhận định chung của cán bộ cơ sở khi chúng tôi liên lạc nhờ liên hệ hẹn lịch gặp với anh. Lý do khó gặp là vì anh Tuấn thường xuyên đi biển, chẳng mấy khi ở nhà. Điều này được chứng minh qua cuốn nhật trình dày đặc mà anh cẩn thận ghi chép lại trong năm. Hầu như tháng nào tàu anh Tuấn cũng có một chuyến vươn khơi kéo dài từ 20 - 25 ngày. Nếu thời tiết thuận thì cá đánh bắt được bán cho tàu dịch vụ thu mua ngay trên biển, còn không thì tiện đâu tàu cập bến bán cá, tiếp nhiên liệu để ra khơi luôn ở đó chứ rất ít khi về nhà. Cũng vì vậy, người dân vùng biển ở đây phong cho anh danh hiệu “ngư dân cần mẫn nhất trong năm”. Sau khi trúng mẻ cá trị giá trên 5 tỷ đồng, anh Tuấn chỉ nghỉ biển vài ngày để vào Quảng Ngãi kịp thời sắm thêm một chiếc tàu mới mang số hiệu QT 98039TS cho cậu em trai Lê Văn Anh làm tài công.

Hai anh em làm chủ hai chiếc tàu và tiếp tục rong ruổi trên những ngư trường quen thuộc như Bạch Long Vĩ, Hoàng Sa… Dù biển không được mùa như những năm trước nhưng với sự kiên trì, chịu khó của một chủ tàu dày dặn kinh nghiệm, trung bình mỗi chuyến vươn khơi, tàu anh Tuấn cũng thu được từ 300 - 400 triệu đồng, trừ chi phí mỗi thuyền viên thu được từ 7 - 8 triệu đồng. Theo nhẩm tính của anh Tuấn, năm nay 12 thuyền viên trên tàu mình có thu nhập không dưới 150 triệu đồng/người. Với anh, kinh tế gia đình vững vàng hơn hẳn, không chỉ trả vốn vay nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, sắm thêm được một con tàu mới, đầu tư nâng cấp máy móc, ngư lưới cụ cho tàu cũ, anh còn dành một phần tích lũy để lo cho con học hành.

Căn nhà hướng ra cửa biển của lão ngư Lê Việt Hoàng, cha anh Tuấn những ngày này rộn ràng hẳn bởi lâu lắm rồi ông Hoàng cùng 4 người con trai theo cha nối nghiệp đi biển mới có dịp về nhà. Ông Hoàng năm nay ngoài 60 tuổi nhưng chưa chuyến biển nào không tham gia cùng con. Cũng nhờ sự truyền dạy của cha mà anh Tuấn đã trở thành ngư dân thông thạo ngư trường, luồng lạch từ nhiều năm nay. Trước 5 cha con cùng ra khơi trên một con tàu nay thì chia hai, ông Hoàng sang tàu mới để hỗ trợ thêm cho người em trai anh Tuấn. Theo ông Hoàng, làm biển trước tiên cần sức khỏe, ý chí, đức tính kiên trì, chịu khó để đối mặt với sóng gió biển khơi. Bây giờ ngư dân đi biển không vất vả như trước bởi được Nhà nước hỗ trợ sắm thuyền to, máy lớn, trang thiết bị hiện đại lại còn hỗ trợ tiền dầu khi thực hiện những chuyến biển xa. Mỗi tàu trên biển đều có đầy đủ thông tin qua máy icom và một số kênh khác nên bất cứ vấn đề gì xảy ra trên biển đều được thông báo để phòng tránh. Ví dụ như tâm bão cách xa tầm vài trăm hải lý thì ngư dân đã biết trước vài ngày để tìm nơi trú tránh. Ngư dân ra biển đã làm chủ được hoàn cảnh nên không có gì phải sợ cả. Trường hợp tàu hỏng hóc, hư hại bất ngờ thì anh em bạn thuyền chung sức sửa chữa, ca nào khó thì thông báo cho tàu bạn đến ứng cứu. Làm chủ phương tiện đánh bắt hiện đại như bây giờ thì đi biển sóng to, gió lớn hay những bất trắc của đại dương không còn là nỗi lo thường trực của ngư dân. Chỉ cần có bản lĩnh, kinh nghiệm nắm bắt, nhận định từng ngư trường theo từng mùa để hành nghề thì chắc chắn ngư dân nào cũng đánh bắt hiệu quả.

Ngư dân phấn khởi chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới

Anh Tuấn không thể nào quên khoảnh khắc về chuyến vây bắt đàn cá “khủng” vào những ngày tháng 3/2017. “Đó là cảm giác sung sướng vỡ òa sau một ngày lênh đênh thì phát hiện đàn cá thu bè qua máy dò ngang Sonar. Dù đã xác định được hướng đi của đàn cá để bủa lưới nhưng đến khi tiếp cận, tôi và anh em bạn thuyền không dám tin tàu mình đã vây được đàn cá bè lớn đến như vậy. Công đoạn kéo cá lên vô cùng vất vả, phải mất gần 3 ngày đêm chúng tôi mới bắt hết số cá từ vàng lưới lên 11 chuyến tàu để đưa cá vào cảng”. Anh Tuấn vừa kể vừa mở cho chúng tôi xem lại đoạn băng tư liệu do một đoàn làm phim lúc bây giờ ra biển thực hiện và tặng gia đình anh làm kỷ niệm. “Chưa bao giờ cảng cá Cửa Việt lại đông vui, nhộn nhịp như hôm ấy. Dấu hiệu biển hồi sinh từ mẻ cá bè vàng kỷ lục mà tàu chúng tôi đánh được đúng vào thời điểm tỉnh đang khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển khiến ai cũng phấn khởi, hạnh phúc. Ngày tàu cập bến, đích thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính đã về tận cảng chung vui cùng anh em trên tàu và bà con làng biển. Không thể diễn tả được niềm vui sướng lúc bây giờ”, anh Tuấn hồ hởi.

Sau hơn 1 năm với những nỗ lực khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển của tỉnh và cú “hích” từ chuyến biển thành công của tàu anh Tuấn, không khí ở các vùng biển trên địa bàn tỉnh đã thay đổi hẳn. Hầu hết ngư dân sau khi nhận khoản tiền bồi thường thiệt hại đều đã dành phần lớn để nâng cấp máy móc, trang thiết bị tàu thuyền đi biển. Cùng với đó, chính sách đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ cũng đã giúp nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để sắm tàu to, máy lớn. Câu chuyện hậu quả của sự cố môi trường biển dường như chưa từng xảy ra nơi vùng cửa biển này. Những ngày cuối năm, thanh niên, trai tráng trong làng hoặc đã ra khơi hoặc đang hăm hở sửa soạn cho chuyến biển mới. Không khí làm việc tất bật, nhộn nhịp khắp cửa biển.

Mang những thông tin lạc quan từ làng biển về Chi cục Thủy sản tỉnh, chúng tôi được ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết thêm: Dù năm nay thời tiết không thuận lợi như những năm trước nhưng tổng sản lượng khai thác, đánh bắt hải sản đạt gần 24 ngàn tấn, tăng trên 153% so với năm 2016. Tổng số tàu thuyền toàn tỉnh hiện nay là 2.309 chiếc với tổng công suất trên 115.000 CV, trong đó, số lượng tàu cá xa bờ từ 90 CV trở lên trên 220 chiếc. Đặc biệt, Quảng Trị có số lượng tàu đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 tương đối lớn. Hiện tỉnh đã giải ngân đóng mới cho 25/32 tàu công suất từ 400 CV trở lên, trong đó có 13 chiếc đã đưa vào sử dụng và 85 tàu được vay vốn nâng cấp đi vào hoạt động rất hiệu quả, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành. Những con tàu vươn khơi đều được đầu tư trang bị hệ thống đánh bắt hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc; công nghệ và phương tiện khai thác ngày càng tiên tiến. Đặc biệt, ngư dân đều có chung ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, gắn bó với nhau trên biển. Ngư dân thay đổi tư duy đánh bắt từ chỗ chỉ quẩn quanh gần bờ nay vươn ra khơi xa đã làm đội tàu đánh bắt xa bờ Quảng Trị tăng về số lượng, hiệu quả đánh bắt. Tín hiệu lạc quan này là tiền đề quan trọng thay đổi cuộc sống người dân vùng biển trên địa bàn tỉnh”.

Mai Lâm

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang