• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trao nông dân cơ hội làm giàu

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 14/02/2018
Ngày cập nhật: 18/2/2018

Năm 2017, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Song song đó, huyện nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ nhằm tạo cơ hội để nông dân vươn lên làm giàu.

Người dân nuôi tôm càng xanh kết hợp vụ lúa và vụ tôm sú cho thu nhập ổn định cả 3 đối tượng này. Ảnh: Hoàng Diệu

Ông Lý Minh Vững, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi, nông dân trên địa bàn huyện thu hoạch hơn 46.000 ha tôm sú và các loại thuỷ sản khác, gần 10.000 ha tôm càng xanh. Năng suất và sản lượng tăng từ 10-20% so cùng kỳ năm trước, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35,2 triệu đồng/năm.

Cơ hội đổi đời

Ông Nguyễn Vĩnh Tiên, Ấp 3, xã Thới Bình, tham gia thực hiện Dự án “Phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình lúa - tôm huyện Thới Bình” do PGS-TS Dương Nhựt Long, trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, cho biết: “Đây là năm đầu tiên gia đình tôi nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa với 1,7 ha. Năm nay mùa mưa đến sớm so với năm trước, chi phí bơm tát nước, cải tạo, xử lý ít và tôm nuôi phát triển tốt. Vì thả nuôi tôm giống toàn đực nên cả tháng nay nhiều thương lái đến đặt cọc thu mua, giá cũng nhỉnh hơn”.

Hầu hết bà con nuôi tôm theo dự án này đều phấn khởi. Như ông Tiến vừa thu hoạch hơn 300 kg tôm càng xanh, giá bình quân 115.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, ông lãi 30 triệu đồng.

Người dân sử dụng phương pháp thủ công thu tôm sống mang đến sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: H.Diệu

Anh Nguyễn Văn Dậu, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, cũng không kém phần vui mừng. Anh thả nuôi 1,5 ha tôm càng xanh, con giống được cung ứng từ chương trình trình diễn của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và được hỗ trợ 50% lượng thức ăn. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt nên tôm lớn nhanh. Sau 5 tháng chăm sóc, anh thu hoạch hơn 300 kg tôm thịt, trừ chi phí lãi hơn 25 triệu đồng.

Đây là nguồn thu đáng kể mà từ trước đến nay nuôi tôm sú mùa nước ngọt nông dân ở Thới Bình chưa bao giờ đạt được. Anh Dậu chia sẻ: “Hiệu quả từ tôm càng xanh mang lại rất cao, nhiều bà con nông dân địa phương đến tham quan học tập để nhân rộng. Chỉ tính riêng mùa nước ngọt, huê lợi từ lúa và tôm gia đình tôi lãi hơn 70 triệu đồng”.

Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Nước, ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, phấn khởi: “Lúa năm nay trúng mùa và có giá lắm. Tuy chưa thu hoạch nhưng thương lái đã đến đặt cọc. Hiện lúa tươi tại ruộng họ chào giá từ 6.000-6.300 đồng/kg. Nếu như vụ trước gia đình thu hoạch hơn 10 tấn lúa cấy trên đất nuôi tôm, thì năm nay cùng diện tích đó gia đình thu hoạch từ 12-14 tấn. Theo giá hiện nay, trung bình 1 tấn lúa cho lãi trên 4 triệu đồng”.

Giống mới "bén duyên" đồng đất

Nông dân xã Trí Lực càng phấn khởi hơn khi được đầu tư thực hiện mô hình cánh đồng mẫu bằng giống lúa ST20. Đây là giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, lại được bao tiêu.

Mô hình với hơn 320 ha của 200 hộ tham gia, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100% giống lúa và 30% vật tư nông nghiệp. Nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác nên an tâm sản xuất. Hơn nữa, giống lúa ST20 có đặc tính chịu được phèn, mặn và kháng các loại sâu bệnh cao. Hạt gạo dài, ngon cơm, có giá trị xuất khẩu và được nhiều công ty bao tiêu.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, phấn khởi cho biết, hơn 5 năm qua gia đình thực hiện cấy lúa trên đất nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Năm nay gia đình mạnh dạn xuống giống lúa ngắn ngày ST20 được hơn 1 ha; được tham gia các lớp tập huấn, thực hiện theo quy trình nên vụ mùa này tôm - lúa phát triển rất tốt, ước tính tăng lợi nhuận từ 20-30% so vụ trước.

Mô hình lúa - tôm trên cánh đồng xã Biển Bạch. Ảnh: P. Phú

Nuôi tôm càng xanh, cấy lúa trên đất nuôi tôm, nuôi tôm sú và đàn gia súc, gia cầm ở huyện Thới Bình năm qua không bị thiên tai, dịch hại, tiết kiệm được nhiều chi phí, tiêu thụ dễ dàng, giá bán tăng cao. Trung bình 1 ha đất đa canh, người dân thu lãi từ 50-80 triệu đồng/năm. Không chỉ thế, hàng trăm hộ nông dân còn tận dụng diện tích mặt nước ao đìa, đất vườn tạp để nuôi le le, rắn ri tượng, chồn hương... cũng trúng mùa, được giá.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, chia sẻ: “Tình hình sản xuất và giá cả các mặt hàng nông sản, thuỷ sản ở huyện Thới Bình trong năm cơ bản ổn định. Nhất là các mặt hàng nông sản thu hoạch trước Tết Nguyên đán như: lúa, tôm càng xanh và các loại rau củ quả. Các nhóm giống lúa chất lượng cao ST20, tôm càng xanh toàn đực được đầu tư xây dựng mô hình sản xuất điểm trình diễn đều có giá mua cao hơn các sản phẩm truyền thống từ 15-20%, thu hút nhiều nông dân quan tâm trong những mùa vụ tới”.

Kỹ sư Lê Thanh Hùng, Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Thới Bình, cho biết: “Ngoài sự hỗ trợ đắc lực từ Dự án “Phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình lúa - tôm tại huyện Thới Bình” của Trường Đại học Cần Thơ, chúng tôi còn phối hợp với ngành chức năng của tỉnh mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi luân canh tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa, nuôi tôm quảng canh cải tiến… Theo quy trình này, nền đáy ao sẽ có thời gian phục hồi, giúp tôm nuôi phát triển bền vững hơn, rủi ro dịch bệnh thấp, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững”./.

PGS-TS Dương Nhựt Long cho biết: “Xây dựng thành công và hiệu quả mô hình lúa - tôm sú, tôm càng xanh tại huyện Thới Bình là cơ sở khoa học cho việc phát triển đa dạng đối tượng và phương thức nuôi. Từ các mô hình này là điều kiện hình thành quy trình kỹ thuật nuôi tôm thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ở địa phương, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân huyện Thới Bình".

Huỳnh Măng

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang