• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiền tỷ trôi theo nước bạc

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 28/11/2018
Ngày cập nhật: 29/11/2018

Đối với người nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là tôm và ốc hương, dòng nước bạc do mưa lũ luôn là nỗi ám ảnh hàng đầu, gây thiệt hại nặng nề nhất. Và, trong đợt mưa lũ vừa qua, nỗi ám ảnh này một lần nữa lại đẩy biết bao người nuôi ốc, nuôi tôm ở nhiều địa phương ven biển trên địa bàn TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) rơi vào cảnh trắng tay!

Gia đình ông Lâm Trọng Trường kéo lưới vớt vát những con tôm còn lại sau khi vỡ đìa.

Nước mắt trên đìa tôm

Một ngày sau khi bão số 9 tan, nước lũ cũng đã rút, trời quang nắng trở lại. Nhưng dọc con đường Hiệp Kiết - Bình Tiên qua thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập, TP. Cam Ranh, chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh đổ nát, xác xơ; nhiều tốp người khẩn trương kéo lưới trong các ô đìa để bắt những con tôm còn sót lại sau trận lũ. Một bầu không khí ảm đạm bao trùm nơi đây.

Ông Lâm Trọng Trường ngồi bên vệ đường, hướng ánh mắt vô hồn về phía những người thân đang kéo lưới trong các ô đìa của mình. Ông bất giác nghẹn ngào: “Trôi ra biển hết rồi!”. Bà Nguyễn Thị Minh Huệ (chị dâu ông Trường) cho hay: “Nhà chú Trường nuôi 2ha tôm thẻ bằng đìa trải bạt. Tôm đã đạt kích cỡ 50 con/kg và đến kỳ thu hoạch thì gặp cơn lũ dữ cuốn trôi bờ đìa, trôi hết ra biển. Hôm nay, mấy anh em trong nhà đến phụ chú ấy kéo lưới để mót số tôm còn sót lại, nhưng từ sáng đến giờ cũng chỉ được khoảng 50kg. 2 ngày nay, vợ chồng chú ấy đã khóc hết nước mắt vì mấy đìa tôm trị giá hơn 1 tỷ đồng trôi hết ra biển”. Bà Huệ cho biết, gia đình bà cũng có 4 đìa trải bạt và 4 đìa đất nuôi tôm thẻ chân trắng ở khu vực này, nhưng tất cả đều bị nước lũ làm vỡ bờ, cuốn trôi hơn 4 tấn tôm đã đến độ thu hoạch.

Người dân Cam Phúc Nam mang tôm hùm chết vào bờ.

Ở khu vực đìa tôm rộng lớn ven chân núi Mũi Cây Me ở cuối thôn Nước Ngọt, chúng tôi gặp vợ chồng ông Điền Ngọc Sơn, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng đang ngồi hướng ánh mắt thất thần ra biển. “Chỉ trong nháy mắt, toàn bộ ốc hương, tôm sú, tôm thẻ, tu hài của gia đình tôi bị trôi và chết sạch”, bà Hằng nghẹn ngào!. Ông Sơn cho biết thêm, toàn bộ khu vực đìa rộng lớn này là của gia đình ông, trong đó có 2 đìa ốc hương, 3 đìa tôm thẻ chân trắng gần đến ngày thu hoạch thì bị mất trắng do cơn lũ. Ngoài ra, 1.200 rổ tu hài ông bà nuôi ở khu vực biển thôn Bình Lập (xã Cam Lập) cũng bị chết sạch. “Tôi nuôi tôm, ốc hương và tu hài ở đây đã mấy chục năm, nhưng chưa bao giờ gặp thiệt hại lớn như lần này. Trận lũ này đã khiến gia đình tôi thiệt hại hơn 5 tỷ đồng”, ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Văn Kết - Chủ tịch UBND xã Cam Lập, toàn xã có 80ha đìa nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và ốc hương tập trung ở thôn Nước Ngọt; nhưng đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 9 vừa qua đã làm 100% ô đìa bị ngập, vỡ bờ, ước tổng thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Lao đao vì tôm hùm

Có mặt tại bến đò ở tổ dân phố Phúc Ninh, phường Cam Phúc Nam vào chiều 26-11, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục người dân mang tôm hùm từ biển vào bán ngay tại bến. Những lời hỏi thăm động viên nhau, những tiếng khóc nức nở xen lẫn giữa cảnh bán mua nháo nhác càng khiến những người chứng kiến thêm nao lòng!. “Nhà tôi nuôi 7 lồng tôm hùm xanh, 3 lồng tôm hùm bông, tổng cộng 3.700 con gần đến ngày thu hoạch nhưng chết sạch hết rồi. 2 ngày nay, chồng tôi lặn vớt mang vào bán tổng cộng chỉ được gần 10 triệu đồng”, bà Trương Thị Kim Thủy nói, rồi òa khóc.

Nét thẩn thờ trên gương mặt người dân tổ dân phố Phúc Ninh.

Theo ông Trịnh Hữu Thành - Tổ phó tổ dân phố Phúc Ninh, trên địa bàn khu dân cư này có 11 hộ nuôi tôm hùm, với tổng số 40 lồng. Những ngày qua, do ảnh hưởng mưa lũ đã làm tôm chết hàng loạt, thiệt hại 100%. “2 ngày nay, xe ba gác liên tục ra vào con hẻm này để chở tôm chết mang đi, bà con mất ăn mất ngủ, có người khóc ngất vì tôm chết sạch, không khí ảm đạm bao trùm cả xóm này”, ông Thành cho biết.

Tương tự, những ngày này, người nuôi tôm hùm trên địa bàn phường Cam Phúc Bắc cũng đang chịu cảnh lao đao vì tôm chết hàng loạt; những người nuôi sò lông cũng chịu chung cảnh ngộ. Chiều 26-11, ông Trương Văn Sa Tăng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Bắc cho biết, người dân trên địa bàn nuôi 500 lồng tôm hùm và 70ha sò lông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nước lũ đổ xuống (nước bạc) đã khiến tôm và sò lông chết hàng loạt trong mấy ngày qua, dự báo sẽ tiếp tục chết trong mấy ngày tới.

Khó khôi phục

Cơn lũ dữ đi qua để lại thiệt hại nặng nề cho nhiều người NTTS trên địa bàn các xã, phường ven biển của TP. Cam Ranh. Họ không chỉ suy sụp tinh thần sau cú sốc đột ngột mà còn hết sức lo lắng trong việc khôi phục sản xuất trước mắt. Đối với những người nuôi sò lông, tôm hùm, tuy không chịu thiệt hại về vật chất, thiết bị phục vụ sản xuất, nhưng phần lớn đã rơi vào cảnh trắng tay, trong đó có không ít người đang vay nợ ngân hàng từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Chính vì thế, vốn đầu tư để khôi phục sản xuất đang là vấn đề chung khiến họ lo lắng nhất. Ông Nguyễn Văn Truyền (tổ dân phố Phúc Ninh, phường Cam Phúc Nam) cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo. Hồi đầu năm, tôi dồn hết vốn liếng và vay thêm ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư nuôi 3 lồng tôm hùm, nhưng nay gần đến ngày thu hoạch thì bị mất trắng do mưa lũ. Tình cảnh hiện giờ, tôi không còn khả năng trả nợ ngân hàng thì nói gì đến việc tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất!”.

Đối với những người nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, mưa lũ không chỉ cuốn trôi thành quả sau mấy tháng đầu tư, chăm sóc mà còn tàn phá đìa, làm hư hỏng thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, nhất là với những người nuôi tôm trải bạt vốn đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Do vậy, việc đầu tư cải tạo, sửa chữa đìa và mua sắm lại các thiết bị để khôi phục sản xuất là bài toán khó đối với họ.

Ông Nguyễn Văn Kết cho biết: “Phần lớn những người NTTS trên địa bàn chịu thiệt hại trong đợt này là những người đã làm nghề này nhiều năm và là nghề chính của họ. Vì vậy, phần lớn họ đều có ý định sẽ khôi phục sản xuất để tiếp tục bám trụ với nghề. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc khôi phục sản xuất đối với các hộ này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các hộ nuôi tôm thẻ và tôm sú, sớm nhất cũng phải sau Tết mới có thể khôi phục lại được ao đìa”. Đến ngày 27-11, nhiều địa phương ven biển trên địa bàn TP. Cam Ranh vẫn chưa thể thống kê đầy đủ thiệt hại về lĩnh vực NTTS. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, việc khôi phục sản xuất trong lĩnh vực này tại địa phương trước mắt là một bài toán khó.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết: “Do hoàn lưu bão gây mưa lớn, 3 hồ thủy lợi trên địa bàn phải xả lũ đã làm nhiều diện tích đìa nuôi tôm, ốc hương bị ngập và vỡ bờ. Ngoài ra, do lượng nước ngọt lớn đổ xuống vịnh Cam Ranh làm thay đổi nồng độ mặn nên đây có khả năng là nguyên nhân thủy sản nuôi chết nhiều. Hiện tại 11 xã, phường ven biển đang khẩn trương thống kê thiệt hại, riêng về NTTS, do địa bàn rộng nên trong ngày 27-11 các địa phương ven biển vẫn chưa thống kê hết thiệt hại”.

THẾ ANH - THÀNH LONG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang