• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Ngăn chặn, xử lý nuôi tôm ngoài quy hoạch

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 09/11/2018
Ngày cập nhật: 12/11/2018

Thời gian qua, nhất là trong năm 2018, tỉnh Bến Tre đã tập trung tuyên truyền, giải quyết, xử lý các trường hợp nuôi tôm biển ngoài vùng quy hoạch. Tuy nhiên, kết quả xử lý hiệu quả chưa cao, người dân vẫn còn cố tình vi phạm.

Nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa còn diễn ra.

Hàng trăm héc-ta nuôi tôm biển ngoài quy hoạch

Ông Huỳnh Văn Cung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 850ha diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch, với trên 2.200 hộ nuôi, trong đó năm 2018 phát sinh 28ha, với 150 hộ nuôi. Diện tích chuyển đổi sang nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt gần 180ha, chiếm 21% so với tổng diện tích nuôi ngoài quy hoạch.

Tình hình nuôi tôm ngoài quy hoạch còn xảy ra tác động bởi các yếu tố về biến đổi khí hậu, có độ mặn xâm nhập sâu. Tôm thẻ chân trắng dễ nuôi, thời gian đầu tư ngắn. Hiệu suất lợi nhuận cao hơn so với các đối tượng cây trồng, vật nuôi khác. Việc xử lý vi phạm nuôi ngoài quy hoạch thời gian qua ở các địa phương triển khai rất quyết liệt nhưng kết quả việc xử lý các trường hợp vi phạm đạt tỷ lệ rất thấp. Nhiều địa phương, hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch vẫn diễn ra, thậm chí tại khu vực gần UBND các xã.

Cũng theo ông Cung, các huyện đã thanh tra, kiểm tra xử phạt 20 trường hợp với tổng số tiền 206 triệu đồng, với các vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, lĩnh vực tài nguyên nước và cơ sở nuôi thủy sản không theo quy hoạch. Tổng số giếng khoan phát hiện trên 2.500 giếng, kết quả đã trám lấp 86%.

Công tác trám lấp giếng khoan ở các xã chưa đủ mạnh và đồng bộ. Một số người dân tự trám lấp giếng chưa trung thực, cố tình che giấu, ngụy trang dẫn đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý chưa triệt để. “Mặc dù tỉnh, huyện tích cực xây dựng các mô hình chuyển đổi trong vùng ngọt hóa nhưng hiệu quả các mô hình chuyển đổi chưa cao. Vì vậy chưa đủ sức thuyết phục người dân để chuyển đổi từ nuôi tôm chân trắng sang các mô hình mới. Hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, một số vùng không quy hoạch nuôi tôm nhưng lại bị nhiễm mặn vào mùa khô”, ông Cung cho biết.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại bức xúc: Mặc dù chính quyền địa phương đã rất quyết liệt trong công tác xử lý nhưng trước sự cố tình vi phạm, che giấu, ngụy trang đã gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý. “Thậm chí có nhiều trường hợp người dân bất chấp việc tuyên truyền, vận động của địa phương. Mặc dù các giếng nước mặn cơ bản đã được trám lấp nhưng người dân vẫn tìm mọi cách để lấy nước ngoài tự nhiên vào thời điểm nước mặn xâm nhập sâu và còn sử dụng nước mặn từ giếng khoan để nuôi tôm biển”, ông Dũng bức xúc.

Theo ông Dương Văn Chương - Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri, nguyên nhân xử lý không hiệu quả là do lợi nhuận kinh tế nên một bộ phận người dân vẫn bất chấp để vi phạm. Việc thống kê, trám lấp giếng năm 2018 vẫn chưa thực hiện triệt để do các hộ che giấu giếng khoan rất tinh vi nên việc kiểm tra phát hiện rất khó.

Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm

Theo các địa phương, thời gian qua, công tác xử lý cũng bị vướng do có sự chồng chéo về các quy định xử lý, các văn bản không phù hợp với tình hình địa phương. Tỉnh đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có sửa đổi, hướng dẫn cụ thể về thực thi nhưng chưa được trả lời. Cũng có ý kiến cho rằng, giải pháp căn cơ nhất hiện nay nhằm không để phát sinh các trường hợp nuôi mới là ngăn chặn, xử phạt các trường hợp cho xe kobe vào đào ao, khoan giếng.

Xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú được đánh giá đã xử lý tốt tình hình này trong năm 2018. Kết quả đạt được là nhờ chính quyền xã có sự vào cuộc quyết liệt trong phát hiện, xử lý ngay từ khâu đầu tiên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ông Mai Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú khẳng định: “Nếu địa phương nào quyết tâm thì sẽ kịp thời ngăn chặn và xử lý được. Tuy nhiên, chính quyền các xã phải quan tâm xử lý đồng bộ thì mới thật sự có hiệu quả. Bởi ở huyện Thạnh Phú đã có trường hợp người dân ở Hòa Lợi còn so sánh rằng “tại sao họ không được nuôi trong khi nhiều xã khác, người nuôi vẫn không bị xử lý và đang còn tiếp tục nuôi ngoài quy hoạch”.

Theo nhận định của Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm, việc xử lý vi phạm nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch thời gian qua ở các địa phương chưa thật sự quyết liệt, việc xử lý các trường hợp vi phạm đạt tỷ lệ rất thấp, chưa đủ sức răn đe. Công tác trám lấp giếng chưa triển khai mạnh và đồng bộ. Ông Lâm cho rằng, giải pháp trong thời gian tới là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp với vùng ngọt hóa. Kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm như đưa phương tiện đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm.

Tại cuộc họp với các địa phương, Sở NN&PTNT vào ngày 7-11-2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập đã yêu cầu các sở, ngành bám vào các văn bản hướng dẫn do UBND tỉnh ban hành để tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện. Trong đó, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thống nhất quy trình xử phạt đối với các hộ dân nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Vùng nào cần điều chỉnh, các địa phương nhanh chóng có báo cáo đến Sở NN&PTNT, nếu phù hợp tỉnh sẽ cho điều chỉnh.

“Vấn đề xử lý môi trường trong nuôi tôm biển hai giai đoạn tại các huyện biển hiện nay chưa được kiểm soát tốt đang gây thêm băn khoăn cho địa phương về những hậu quả do ô nhiễm nặng nề về môi trường nước trong thời gian tới. Các địa phương nên quan tâm xem xét, xử lý việc xả thải của các trường hợp nuôi tôm hai giai đoạn tại địa phương của mình” - Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang