• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sử dụng điện hiệu quả trong nuôi tôm ở ĐBSCL: Đảm bảo điện phục vụ phát triển thủy sản: Khó từ đâu?

Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 06/11/2018
Ngày cập nhật: 8/11/2018

Điện chiếm một tỉ lệ tương đối lớn trong giá thành của ngành nuôi tôm. Hiện nay, vấn đề sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong phát triển thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng ở ĐBSCL đang là một bài toán cần tìm lời giải.

Sử dụng điện 1 pha để dùng các thiết bị động cơ, quạt, bơm dẫn tới quá tải lưới điện và chi phí điện tăng cao. Ảnh: VGP/Đình Hoàng

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam chiếm tới 46,3% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm tăng trên 1,8 lần từ năm 2010 đến 2017 và đang là một ngành kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao, cũng như tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân các vùng ven biển, nhất là ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, ngành tôm Việt Nam cũng đứng trước những thách thức, bất cập không nhỏ bởi những yếu tố khách quan của thị trường và từ trình độ canh tác, nuôi trồng. Trong đó, việc hạ giá thành nhưng tuyệt đối đảm bảo các yêu cầu về chất lượng đang được ngành nông nghiệp ưu tiên hàng đầu.

Điện cho nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng đang chiếm một tỉ lệ tương đối trong các yếu tố tạo nên giá thành của ngành này. Vì vậy, làm thế nào để xây dựng một nguồn điện ổn định, từ đó giúp người nông dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả… có vai trò rất quan trọng của ngành điện.

Diện tích nuôi tôm tại ĐBSCL phát triển rất nhanh, đạt 654.813 ha, chiếm tới 92,76% diện tích nuôi tôm cả nước. Theo đó, điện cho vùng nuôi tôm công nghiệp của các tỉnh này đạt 839,5 triệu kWh, chiếm tới 79,3% thành phần điện cho nông-lâm-ngư nghiệp của 8 tỉnh. Có thể thấy rằng, nhu cầu điện cho nuôi tôm tại đây trong các năm vừa qua tăng trưởng rất nhanh đang là một áp lực lớn cho ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) nói riêng.

Đánh giá về vai trò của ngành điện với sự phát triển ngành nuôi tôm của ĐBSCL, ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVN SPC cho biết, thời gian qua, EVN SPC đã nỗ lực cấp điện đầy đủ phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản khu vực phía nam, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp.

Tuy nhiên, hiện ngành điện cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về nhiều phía trong việc đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, từ đó để người nuôi tôm có thể sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Bên cạnh cần một nguồn vốn đủ lớn để hiện đại hoá hơn nữa lưới điện thì, việc đa số các doanh nghiệp, hộ nông dân hoạt động trong vực này vẫn đang ở dạng tự phát, quy mô nhỏ cũng gây cản trở cho quá trình đầu tư hệ thống lưới điện.

Quy mô nhỏ, tự phát

Nhận xét từ các Sở NN&PTNT của các tỉnh trong vùng cho thấy, mặc dù ĐBSCL có diện tích nuôi tôm rất lớn, nuôi dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng phần lớn các hộ nuôi tôm vẫn chưa áp dụng các mô hình tiết kiệm điện. Cụ thể, vẫn còn sử dụng động cơ hiệu suất thấp, hao tốn điện năng, nên năng suất và hiệu quả tiết kiệm điện chưa cao.

Hiện nay tại ĐBSCL còn khá nhiều nơi nuôi theo kiểu tự phát với quy mô nhỏ thiếu quy hoạch chuyển đổi hợp lý. Mặc dù nhiều vùng nuôi tập trung đã được quy hoạch nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, nhưng các hộ trong vùng lại không phát triển nuôi công nghiệp. Những vùng không được quy hoạch thì đa số người dân phát triển nuôi tự phát với quy mô nhỏ lẻ. Điều này đã gây bị động cho địa phương và ngành điện trong quá trình quản lý và cung cấp điện.

Do sản xuất tự phát, nên các hộ nuôi tôm sử dụng lưới điện hiện có (chủ yếu là điện 1 pha phục vụ nhu cầu ánh sáng sinh hoạt) để dùng các thiết bị động cơ, quạt, bơm... dẫn tới quá tải lưới điện, sự cố và chất lượng điện không đảm bảo. Mặt khác, việc nuôi tôm theo thời vụ, theo xu thế thị trường, khi thả tôm đồng loạt, khi dừng nuôi, làm cho phụ tải điện tăng-giảm đột biến, gây quá tải cục bộ và làm khó khăn thêm cho cung cấp điện.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các thiết bị như motor, cánh quạt, trục quay có hiệu suất thấp, tiêu thụ điện năng cao; dùng cột đỡ dây không đúng tiêu chuẩn an toàn; không dùng giá sắt và sứ cách điện, không đấu chạm đất thiết bị điện để chống giật với người sử dụng… không chỉ gây mất an toàn, mà còn tăng chi phí về điện và làm các thiết bị nhanh hỏng, dễ cháy nổ - một yếu tố “đội” giá thành của con tôm.

Do các công nghệ cơ khí và phương pháp sử dụng điện trong các giàn quạt sục oxy lạc hậu, sử dụng gối đỡ trục quạt nước loại ma sát trượt, đặt động cơ không đồng trục với giàn quạt, sử dụng động cơ không rõ nguồn gối… cũng khiến tăng sản lượng điện trong quy trình nuôi tôm.

Đồng thời, việc nuôi tôm tự phát, không theo vùng quy hoạch tập trung… dẫn đến hạ tầng về giao thông, kênh mương thủy lợi, lưới điện không theo kịp. Do phát triển quá lớn về mặt diện tích nên khó có thể xây dựng được quy hoạch riêng sát với thực tế, cũng như chưa quy hoạch được vùng chuyên tôm trọng điểm để đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ việc cấp và thoát nước, phát triển các công nghệ nuôi cho năng suất cao thân thiện với môi trường

Ảnh minh họa

Công nghệ chưa hiện đại

Qua khảo sát của EVN SPC tại 3 tỉnh có sản lượng lớn nhất trong khu vực ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, riêng trong sử dụng điện nuôi tôm có tới 68- 75% hộ nuôi vẫn sử dụng các biện pháp hiệu suất thấp, đồng thời việc nuôi tôm tự phát ngoài khu quy hoạch và dùng điện từ lưới điện phục vụ sinh hoạt để nuôi tôm kiểu công nghiệp là những nguyên nhân trực tiếp làm cho hoạt động nuôi tôm chưa đạt yêu cầu về sử dụng điện tiết kiệm & hiệu quả.

Về phía hộ nuôi tôm do nhiều nơi còn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, dầu diesel vẫn là nguồn nhiên liệu chính để hoạt động hệ thống động cơ điện máy quạt, do đó, chi phí mua dầu chạy máy phát để cấp điện cho các motor chiếm tỉ lệ rất đáng kể trong giá thành.

Còn đối với những hộ, doanh nghiệp nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, nhưng chưa thực sự chú trọng vào đầu tư máy móc, công nghệ, thì dù ngành điện đã cung cấp điện liên tục và ổn định với chất lượng tốt vẫn gặp phải vấn đề về tiết kiệm chi phí điện.

Khảo sát của các công ty điện lực cho thấy, phần lớn hộ nuôi tôm quy mô công nghiệp vẫn chủ yếu sử dụng động cơ điện hiệu suất thấp, nhiều hộ vẫn sử dụng động cơ điện không rõ nguồn gốc, quấn lại dây…

Theo EVN SPC, việc sử dụng động cơ có hiệu suất cao có khả năng tiết kiệm điện từ 22-25% lượng điện năng sử dụng so với sử dụng động cơ quấn lại. Hay sử dụng bộ biến tần thay đổi tốc độ quay có khả năng tiết kiệm điện từ 28-35% lượng điện năng sử dụng khi tôm ở giai đoạn còn nhỏ.

Về phía ngành điện, hiện nay các đường dây trung và hạ áp khu vực nông thôn thường là 1 pha. Đa số các tuyến trục đường trung áp có tiết diện dây nhỏ, chiều dài lớn, nên gây mất cân bằng phụ tải giữa các pha, gia tăng tổn thất điện. Do đó, để tăng cường cung cấp điện cho các hộ nuôi trồng thủy sản, dự kiến khối lượng đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp lưới điện cho các vùng nuôi tôm của 8 tỉnh ĐBSCL từ nay đến năm 2020 là 2.690 km đường dây trung áp, 4.096 km đường dây hạ áp và 542 MVA công suất các trạm biến áp với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 5.110 tỷ đồng. Đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành điện.

Giải bài toán sử dụng điện hiệu quả trong nuôi tôm ở ĐBSCL bằng cách vạch ra giải pháp từ nhiều phía như ngành điện, ngành nuôi tôm, hộ nông dân và các cơ quan ban nhành khác để cùng với việc áp dụng biện pháp kỹ thuật công nghệ mới, quy hoạch theo vùngngười dân phải ý thức được tiết kiệm điện để giảm chi phí sản xuất đem lại lợi ích cho chính mình và tiết kiệm cho cả cộng đồng.

Thanh Thủy

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang