• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lênh đênh theo con ‘cá chạy’

Nguồn tin: Báo An Giang, 30/10/2018
Ngày cập nhật: 31/10/2018

Lũ rút. Trên những khúc sông soi bóng những phận đời mưu sinh bằng nghề đặt lú. Quanh năm, họ lấy xuồng làm nhà, lênh đênh theo con “cá chạy”…

Chầu chực trên sông

Ông Năm Cang (Trần Văn Cang, 55 tuổi, ngụ xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn, tỉnh An Giang) mới ở cái tuổi “ngũ thập” nhưng nhìn quá hom hem, già trước tuổi. Nhà không “cục đất chọi chim”, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, Năm Cang phải làm đủ thứ nghề, từ cắt lúa mướn đến giăng câu, thả lưới, rồi đặt lú ven sông, rạch. Chiếc ghe bầu của Năm Cang nay đã quá cũ kỹ, lỉnh kỉnh với đủ thứ đồ dùng và vật dụng gia đình. Chiếc ghe không chỉ là chỗ ở, mà còn là phương tiện sinh nhai của Năm Cang.

Bảy Lèo xuất bến đặt lú

Cắm sào dưới chân cầu Tôn Đức Thắng, bên dòng Long Xuyên đã 6 năm, vợ, chồng Năm Cang xem đây là bến đỗ thứ 2 của gia đình. Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Trong chuyến đi đặt lú, cực nhất là phải ngồi canh giữ ngư cụ suốt ngày lẫn đêm”. Ngồi chờ con nước “cá chạy”, Năm Cang bồi hồi nhớ lại: “Ngày trước, gia đình tui sống bằng nghề làm thuê, cắt lúa mướn đủ đắp đổi qua ngày. Về sau, công nghệ phát triển, máy gặt đập liên hợp thịnh hành, tui xuống sông mưu sinh bằng nghề khai thác cá, tôm. Năm nào lũ lớn, cá, tôm bắt được nhiều, cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Nhiều năm trong nghề “bà cậu”, ông rất am hiểu về cách đặt, cách bố trí lú dưới sông sâu như thế nào để bắt được nhiều cá, tôm. Nhìn màu nước tháng 10 nhạt dần, Năm Cang quả quyết: “Nước rút rơi ngay vào mùng 6, mùng 9, mùng 10 (âm lịch), cá đồng ra sông lai rai, đặt lú thời điểm này sẽ thu hoạch khá nhiều”.

Dỡ lú

Mùa lũ năm nay, Năm Cang đầu tư 80 cái lú, với số tiền gần 20 triệu đồng để khai thác cá, tôm. Nhờ lũ lớn, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch cá, tôm nhiều hơn trước. “Lú chạy dính các loại cá như: cá trê, cá lóc, cá mè vinh, cá linh, tôm, tép… thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày. Hôm nào trúng mánh dính cá lớn, kiếm tiền triệu như không”.

Năm Cang cho biết, nghề đặt lú thấy vậy không dễ ăn chút nào. Có người đầu tư cả trăm chiếc lú đem về đặt mãn mùa mà vẫn không lấy được vốn. Còn những người biết cách đặt, chỉ vài con nước kiếm được cả vốn lẫn lời. Đặt lú hơn nhau ở chỗ phải am hiểu được thời gian nào cá đi, cá ở và con nước nào “chạy” mạnh...

Thâu đêm

Màn đêm buông dài trên sông! Không gian càng cô liêu tĩnh mịch. Vậy mà, vợ, chồng Bảy Lèo (Nguyễn Văn Lèo, 71 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) phải gồng mình lặn ngụp dưới sông để thăm, giữ lú. Nhiều lúc buồn ngủ díu cả mắt nhưng họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi thu hoạch những “chiến lợi phẩm”. Những người đặt lú bảo rằng, nghề “bà cậu” ráng đeo, một năm chỉ kiếm sống được trong mùa lũ. Nếu không cố gắng thức trông từng chiếc lú thì bị trộm “rinh”, xem như trắng tay.

Niềm vui của bà con thu hoạch dính nhiều cá trong đêm

Càng về đêm, mặt sông càng quạnh quẽ trăng treo. Lâu lâu, Bảy Lèo dỡ lú chạy đầy cá, tôm, ông nói với giọng đầy lạc quan: “Nghề đặt lú đã ăn vào máu của tụi tui. Mưu sinh về đêm riết cũng quen. Đặt lú mê nhất là thời điểm “cá chạy”, kiếm được nhiều tiền, cảm thấy vui hơn”. Những năm gần đây, nghề đặt lú dưới sông sâu đã trở nên quen thuộc và phổ biến trong mùa lũ. Bởi, loại ngư cụ này khai thác được cá, tôm dưới những chỗ sông sâu và nước chảy xiết.

Hôm gặp anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ xã Vĩnh Trạch) đang lặn ngụp đặt những luồng lú gần bờ kè Nguyễn Du tại khúc sông Hậu thì mới biết, anh Đoàn là con trai lớn của Bảy Lèo. Mặc cho dòng nước chảy như “cắt cổ”, anh Đoàn vẫn lặn xuống sông sâu để dỡ lú. Chiếc xuồng composite là nơi chất chứa ngư cụ, đồng thời cũng là căn nhà di động của gia đình anh Đoàn, gồm 4-5 nhân khẩu.

Vừa ngoi lên khỏi mặt nước, anh Đoàn hì hục nói rằng, sống chung với lũ quen rồi. Dân trong nghề bảo với nhau, đây là nghề đặt “12 cửa ngục”. Bởi, chiếc lú này có kích thước nhỏ hơn chiếc lú đặt trên đồng, trong quá trình đặt, khỏi làm đường ven rất tốn kém. Mặt lưới thưa và to hơn lưới cước nên chỉ khai thác cá to và ngon.

“Một đêm, tôi thu hoạch khoảng 4-5kg tôm, cá các loại, trừ chi phí cũng được 200.000 đồng”- anh Đoàn phấn khởi rồi tặc lưỡi than: “Đặt lú trên sông rất bấp bênh, khi bắt dính cá, tôm mang ra chợ bán còn khó khăn hơn. Bởi, không có nơi bán ổn định, phải ngồi chồm hổm tạm bợ ven đường”.

Muốn đặt lú được nhiều cá, tôm, ngư dân phải chọn những dòng sông sâu, nước chảy cuồn cuộn, rày đây mai đó phiêu bạt khắp nơi. Lúc thì đặt ở quê nhà, khi nguồn cá dưới sông cạn kiệt thì họ di chuyển sang Đồng Tháp hoặc xuống tận Vĩnh Long, Tiền Giang đặt lú. Cuộc đời mưu sinh của họ gắn chặt với chiếc ghe bầu và sóng nước. Cận Tết, họ tạm gác công việc lên bờ sum vầy cùng gia đình, bè bạn được ít ngày, rồi quay lại cuộc sống mưu sinh với nghề hạ bạc.

Bài, ảnh: THÀNH CHINH

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang