• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

TP. Nha Trang: Tái diễn nhử vẹm trên sông Quán Trường

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 23/10/2018
Ngày cập nhật: 26/10/2018

Từ nhiều tháng nay, người dân lại tái nhử vẹm trên sông Quán Trường (tỉnh Khánh Hòa) (trong phạm vi dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường). Việc này đã ngăn cản dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường nhưng rất khó xử lý.

Tái lấn chiếm lòng sông

Dòng sông Quán Trường, đoạn từ cầu Phong Châu đến phần hạ lưu chạy qua các xã, phường: Vĩnh Thái, Phước Hải, Phước Long từ mấy tháng nay đã xuất hiện hàng loạt phao nổi, bè nổi trên sông. Các phao nổi bằng nhiều vật liệu như: xốp, can nhựa, thùng nhựa được thả dày đặc; bè nổi được kết cấu bằng khung tre với quy cách mỗi ô bè 3 x 4m, mỗi khu vực có nhiều chục ô bè dọc, ngang với diện tích mặt nước bị bao chiếm lên đến hàng trăm mét vuông. Phía mép sông bên xã Vĩnh Thái, có người dân còn lắp, dựng nhà bè trên sông để trông coi các bè nhử vẹm.

Người dân lấn chiếm lòng sông thả phao nhử vẹm.

Hàng ngày, từ sáng sớm đến chiều tối, hàng chục người dân cần mẫn dùng thuyền đi dọc các phao, bè để thu hoạch vẹm. Ông Trần Ánh - người thu hoạch vẹm cho biết, việc nhử vẹm khá đơn giản, chỉ cần một sợi dây, một đầu gắn phao nổi, đầu còn lại gắn bao tải chứa cát, gạch, đá. Sau đó, thả ngư cụ tự chế này xuống sông, các con vẹm sẽ bám vào các sợi dây. Khi vẹm lớn, người dân thu hoạch bằng cách kéo sợi dây có vẹm lên, tuốt vẹm đổ vào thuyền. Mỗi gia đình có thể thu hoạch 500 - 600kg vẹm/ngày bán với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg, vẹm được thương lái thu mua để làm thức ăn cho tôm hùm.

Tại khu vực này, chúng tôi còn bắt gặp một số người từ các địa phương khác đến tìm kiếm vị trí để nhử vẹm. Anh Quang (ở xã Phước Đồng) cho biết, khu vực đoạn sông Quán Trường phía hạ lưu cầu Phong Châu có độ mặn vừa phải, lại có nguồn nước thải từ các khu nuôi trồng nên thuận lợi cho việc nhử vẹm. Ông Nguyễn Nhịn (khu Đồng Muối 2) đang nhử vẹm tại đây cũng cho biết, những người nhử vẹm đa phần lớn tuổi, trước đây nuôi tôm tại Vĩnh Thái nhưng sau đó ô nhiễm nên không nuôi nữa. Thấy mặt sông thuận lợi nên người dân tận dụng từ 4 - 5 năm trước để thả vẹm. Cách đây khoảng 2 năm, TP. Nha Trang đã cưỡng chế, nhưng gần đây, thấy không có lực lượng chức năng nên người dân đã thả lại.

Sẽ tiếp tục tháo dỡ

Dòng sông Quán Trường trước đây có dòng chảy quanh co, lau sậy, bùn sình. Mấy năm trước, UBND tỉnh đã quan tâm chỉnh trị, khơi thông dòng chảy, xây dựng bờ kè, nạo vét lòng sông, mục đích nhằm tạo cảnh quan môi trường, thoát lũ cho khu vực tây Nha Trang. Tuy vậy, việc nhử vẹm đang ảnh hưởng dòng sông. Lượng phao, bè dày đặc, cùng các vật liệu bằng ni-lông, nhựa, gạch, đá để nhử vẹm đang làm ô nhiễm lòng sông.

Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, đơn vị chủ đầu tư Dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường cho biết, sông Quán Trường không được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản vì đây là khu vực thanh thải, thoát lũ vào mùa mưa. Việc người dân cắm, đặt lồng, bè, phao để nhử vẹm là hoạt động tự phát. Năm 2016, UBND TP. Nha Trang đã phối hợp với ban quản lý dự án cưỡng chế, tháo dỡ nhưng đến nay tình trạng này tái diễn.

Ông Nguyễn Thanh Hy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, nhử vẹm không phải là nghề truyền thống của người dân địa phương. Người nhử vẹm, người thu mua đến từ nhiều địa phương khác nhau. Mặc dù địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Đây là khu vực công trường của dự án, vì thế ban quản lý dự án cần có những giải pháp quản lý, tuyên truyền mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Trong khi đó, theo ông Quách Thanh Sơn, khu vực sông Quán Trường đến nay vẫn chưa nạo vét xong. Vừa qua, ban quản lý đã có văn bản đề nghị UBND TP. Nha Trang phối hợp để tháo dỡ các trường hợp lấn chiếm lòng sông để nhử vẹm, tạo thông thoáng trước mùa mưa lũ. “Phương tiện nạo vét đã sẵn sàng, mặt nước là phạm vi công trường. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tự ý cho người ra tháo dỡ lồng, bè của người dân. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị UBND TP. Nha Trang tổ chức lực lượng để tháo dỡ, cưỡng chế, trả lại sự thông thoáng cho dòng sông”, ông Sơn nói.

Lưu Khánh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang