• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người nuôi cấy thành công ngọc trai vùng nước ngọt

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 21/10/2018
Ngày cập nhật: 22/10/2018

Gặp và trò chuyện với người “mê mẩn” nghề nuôi cấy trai nước ngọt lấy ngọc có khi cả ngày không hết chuyện, nên trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ dường như chưa đủ để anh Đinh Văn Việt, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Ngọc trai Hồng Ngọc, xóm Nội, xã Khánh Lợi (Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) nói về chặng đường gắn bó với con trai, về những thí nghiệm ngày đêm, đến những thất bại, sự thành công và cả những dự định trong thời gian tới của mình trong chặng đường chinh phục nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc đầu tiên ở tỉnh Ninh Bình, trong đó có nhiều kỷ lục chỉ riêng anh đạt được cả ở trong nước và nước ngoài.

Anh Đinh Văn Việt giới thiệu quy trình cấy ghép trai lấy ngọc.

Anh Đinh Văn Việt chia sẻ: Để có được thành công về cấy ghép ngọc trai với tỷ lệ trai mẹ sống lên tới trên 70%, nhân ngọc trai kích thước 10mm, ngọc trai nhiều hình dáng và đa dạng màu sắc… như hôm nay, anh đã phải trải qua hàng trăm thí nghiệm thất bại, tiêu tốn rất nhiều tiền của, công sức. Trong đó có gần chục năm thử nghiệm nuôi trai nước mặn lấy ngọc tại cả chục ha mặt nước ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế), nhưng đều thất bại và tay trắng. Đến năm 2011, sau thất bại tại đầm phá Tam Giang do nước mặn bị xâm nhập ngọt, trên 20 vạn con trai chết há mồm dưới đầm sâu không có thu hoạch thì anh Việt nghĩ đến phương án nuôi cấy ngọc trai nước ngọt ngay tại quê hương.

Nghĩ là làm, anh Đinh Văn Việt trở về quê hương Yên Khánh-Ninh Bình và bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật nuôi cấy trai nước ngọt trong ao đầm, trong sông ngòi. Vậy là từ năm 2011, anh Việt tự thân mình và thuê thêm người mò tìm những con trai ở khắp các sông, ngòi trong và ngoài huyện như sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc và nhiều ao đầm ở một số địa phương như huyện Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan, Gia Viễn để tìm ra những giống trai phù hợp với việc làm nhân và nuôi cấy lấy ngọc. Rồi sau thời gian dài nghiên cứu, anh Việt đã tìm và duy trì được 4 loài trai quý phù hợp cho việc cấy ghép ngọc trai, bao gồm: Trai đen cánh dầy, trai xanh cánh mỏng, trai cóc (để làm nhân) và trai đồng (để lai ghép) và thực hiện thành công kỹ thuật cấy ghép trên 2 đối tượng trai nước ngọt, là loài trai đen cánh dầy (Hyrio psiscumingii lea) và loài trai xanh cánh mỏng (Cristaria bialata lea).

Anh Đinh Văn Việt giới thiệu về các giống trai.

Nói về quy trình để trai bọc thành viên ngọc, anh Đinh Văn Việt như một nhà khoa học, chia sẻ chi tiết, cụ thể về đặc điểm sinh học và quy trình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, cho rằng, về mặt kỹ thuật, quy trình sản xuất khó nhất vẫn là kỹ thuật cấy ghép và nuôi dưỡng để trai không đào thải nhân, tỷ lệ trai ngậm nhân cao. Bởi vì sau khi cấy ghép sức khỏe của trai rất yếu, vị trí các viên nhân và tế bào chưa ổn định trong túi ngọc. Quá trình thao tác phẫu thuật có những chấn thương làm cho con trai bị đau và rất dễ nhiễm trùng. Vì vậy, khi cấy ghép và sau cấy ghép, nhân đều phải đảm bảo thật sạch sẽ, không bị nhiễm khuẩn. Trong giai đoạn nuôi dưỡng phải luôn giữ môi trường bể nuôi sạch và thực hiện các thao tác nhẹ nhàng để giảm thiểu tỷ lệ trai chết…

Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện các thí nghiệm nuôi trai nước ngọt, anh Đinh Văn Việt đã đề xuất và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình thực hiện đề tài: “áp dụng kỹ thuật xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình”. Đề tài được thực hiện trên diện tích 2ha, với thời gian nuôi thả từ 18 tháng đến 3 năm, tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước và nhiệt độ thời tiết từng năm. Đề tài được đánh giá thành công, tỷ lệ số trai cấy ngọc còn sống đạt 55,9%, tương đương 11.200 con/ha và số ngọc trai thu được 14.300 viên/ha. Sản phẩm ngọc trai thu hoạch được phân làm 6 loại, trong đó có những viên ngọc trai đạt được các tiêu chí dầy, tròn, bóng, màu sắc đẹp, kích cỡ to, không tỳ vết, cho giá trị cao, có viên bán với giá 5-7 triệu đồng. Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, doanh nghiệp còn thêm nguồn thu từ thịt trai cho chăn nuôi, vỏ trai bán cho làng nghề khảm trai và nuôi cá xen canh. Sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận trên 1ha ao nuôi đạt gần 500 triệu đồng/năm.

Sau hơn 7 năm bắt tay vào nghiên cứu và thành công với kỹ thuật cấy ngọc trai lấy ngọc ở vùng nước ngọt, anh Đinh Văn Việt đã xác lập được nhiều kỷ lục khiến những chuyên gia ở các nước có nền phát triển ngọc trai lâu đời trên thế giới phải “ngả mũ thán phục” và nhiều chuyên gia đã sang tận nơi để được “mục sở thị”. Đó là việc anh Việt là người đầu tiên phát hiện ra loài trai xanh cánh mỏng (sống ở nước ngọt) có mô tế bào tạo màu sắc xà cừ ngọc trai đẹp tương đương trai nước mặn. Khi ghép mô tế bào của trai xanh cánh mỏng và nhân (làm từ vỏ loài trai cóc) vào khu vực xoang màng áo ngoài của loài trai đen cánh dầy (có kích thước lớn vài kg và khỏe mạnh) sẽ tạo ra những viên ngọc kích thước rất to và cực đẹp. Cùng với đó, anh là người giữ kỷ lục khi có thể cấy 40 viên nhân ngọc vào cơ thể một con trai (mỗi viên ngọc được cấy vào là một vết mổ trên cơ thể trai), mà đảm bảo trai vẫn sống bình thường, khỏe mạnh.

Ngọc trai thành phẩm có giá hàng chục triệu đồng/bộ

Điều đáng ghi nhận là anh Đinh Văn Việt cũng là người nghiên cứu thành công và tìm được những vị trí thích hợp để mổ cấy ghép thành công nhân ngọc trai kích thước 10mm, sau khi nuôi từ 18-24 tháng, viên ngọc có thể đạt 14-16mm, đạt tiêu chuẩn loại 1 (AAA), được bán với giá rất cao, trong khi tỷ lệ trai mẹ sống lên tới 70%. Trong khi tại những đất nước phát triển mạnh về ngành ngọc trai như Nhật Bản, ấn Độ, Trung Quốc…, tỷ lệ trai mẹ ngậm ngọc sau cấy ghép chỉ đạt 20-30% và cũng chưa nhiều nơi dám mạo hiểm cấy ghép viên nhân ngọc có kích thước lớn như vậy. Đặc biệt hơn, anh Việt không chỉ có biệt tài cấy ghép ngọc trai nhân tròn, anh còn sáng tạo ra phương pháp cấy ngọc trai với nhiều hình thù khác nhau, trong đó anh là người đầu tiên trên thế giới cấy ghép và mạ ngọc được vỏ một con ốc nón có đường kính 5cm, dài 7cm trong cơ thể 1 con trai. Mẫu vật với chất liệu ngọc trai tự nhiên chủ đề “Nón ngọc”- một sản phẩm đặc trưng của người Huế đã được vinh danh là sản phẩm độc đáo nhất thế giới tại Hội chợ Tucson (Mỹ). Một công ty thời trang chuyên may áo dài đã đặt hàng công ty anh khoảng 20 nghìn mẫu phẩm mạ ngọc trai tự nhiên hình thoi và giọt lệ làm trang sức đính kèm các bộ trang phục đắt giá, sang trọng.

Thất bại rồi đi đến thành công và hứa hẹn những thành công lớn hơn nhiều trong tương lai, anh Đinh Văn Việt cho biết, hiện doanh nghiệp đã đưa ra thị trường 3 dòng sản phẩm ngọc trai nước ngọt được nuôi cấy tại Ninh Bình, gồm ngọc trai tròn, ngọc trai cấy mô và ngọc trai hình tượng và bước đầu mang những màu sắc khác như hồng, phấn, bạc... Trong đó 70% sản phẩm ngọc trai làm ra được tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản, ấn Độ và 30% tiêu thụ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Ninh Bình. Những năm qua, anh Việt đã đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho hàng chục lượt người có nhu cầu xây dựng mô hình nuôi ngọc trai nước ngọt trong và ngoài tỉnh. Hiện anh đã mở rộng được mô hình nuôi cấy ngọc trai ra 24 hộ dân trong và ngoài tỉnh, mỗi hộ bình quân 1 năm sản xuất được khoảng 300 kg ngọc, tự xuất bán hoặc ủy thác cho Doanh nghiệp ngọc trai Hồng Ngọc. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh ngọc trai tại doanh nghiệp mỗi năm đạt 4-5 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước, được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, gần đây nhất là giải B giải thưởng Khoa học và Công nghệ Hoa Lư với công trình: “Mô hình nuôi cấy trai nước ngọt lấy ngọc tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình”.

Anh cũng từng được Chính phủ Bangladesh mời sang giúp đỡ, khảo sát nguồn nước và đánh giá một số loài trai bản địa phù hợp để nuôi cấy ngọc trai. Đã có một số Viện nghiên cứu thủy sản trong nước và nước ngoài ngỏ ý mua lại toàn bộ công nghệ nuôi cấy ngọc trai nước ngọt của anh với giá gần chục tỷ đồng, tuy nhiên anh Việt chỉ đồng ý chuyển giao lý thuyết về kỹ thuật cho họ, còn lại mong muốn ngành nuôi cấy ngọc trai nước ngọt trong tỉnh và trong cả nước ngày càng phát triển, bởi diện tích mặt nước hoang hóa đang còn nhiều vô kể. Và điều quan trọng và tâm đắc hơn cả đối với anh Đinh Văn Việt là đã đưa ngành nuôi cấy trai lấy ngọc ở vùng nước ngọt thành ngành có doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong toàn bộ ngành nuôi trồng thủy sản và có giá trị bền vững trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm cũng như đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: Mỹ Hạnh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang