• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ: Hiệu quả bước đầu

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 10/10/2018
Ngày cập nhật: 13/10/2018

Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã thành lập được 15 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ ở các địa phương ven biển. Mô hình này đã bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Nhiều ngư dân bỏ nghề cấm

Những năm trước, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) có đông ngư dân hoạt động nghề cào sò, giã cào, lờ dây…, đây là những nghề cấm hoạt động trong đầm Nha Phu. Theo lãnh đạo xã Ninh Ích, do người dân khai thác quá mức nên nguồn lợi thủy sản trong đầm suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, vùng đầm này là bãi đẻ của nhiều loài hải sản nên việc người dân sử dụng các ngư cụ cấm để khai thác đã tác động lớn đến việc sinh sản, phát triển của các loài sò, tôm, cá… “Được sự hỗ trợ của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, địa phương đã thành lập 2 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ ở các thôn ven biển. Từ khi thành lập (năm 2015) đến nay, hoạt động của các tổ này đã mang lại những tín hiệu tích cực. Ngư dân đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, việc sử dụng ngư cụ cấm đã hạn chế rất nhiều, ngư dân còn đoàn kết để bảo vệ ngư trường… Nếu như năm 2014, toàn xã có hàng chục ghe cào sò thì đến nay không còn ghe hoạt động nghề này, tất cả đã chuyển sang các nghề lưới thân thiện hơn hoặc lên bờ làm nghề khác”, ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho hay.

Theo ông Hồ Văn Sanh - Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích), trên cơ sở thỏa ước của cả tập thể, ngư dân khi khai thác sẽ tuân thủ kích cỡ mắt lưới, phương tiện, mùa vụ được Nhà nước và cộng đồng tự quản quy định. Đồng thời, cùng với lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tuần tra, ngăn cản những tàu cá bên ngoài xâm nhập ngư trường để đánh bắt và phá hủy ngư cụ của ngư dân địa phương. Ngoài ra, các thành viên trong tổ đồng quản lý còn chung tay bảo vệ môi trường biển, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) hiện có 4 tổ đồng quản lý nghề cá ven biển. Ông Trần Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, các tổ đồng quản lý đã phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác tuần tra, xử lý những trường hợp khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt; ý thức bảo vệ nguồn lợi của ngư dân cũng được nâng cao, trên địa bàn không còn ghe hoạt động các nghề cấm như: giã cào, khai thác bằng chất nổ, xung điện… Các tổ đồng quản lý còn là cầu nối hữu hiệu giữa ngư dân với các cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở.

Theo lãnh đạo Ban quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), thực hiện hợp phần xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ, toàn tỉnh đã thành lập được 15 mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ ở các địa phương trọng điểm về hoạt động nghề cấm; mỗi năm, các tổ đã phối hợp thực hiện hàng trăm chuyến tuần tra trên biển nhằm ngăn chặn những phương tiện hoạt động nghề cấm trong các ngư trường ven bờ. Thời gian qua, các mô hình này đã phát huy được vai trò gắn kết cộng đồng ngư dân bằng những thỏa ước tập thể, ngăn chặn, tiến tới loại bỏ nghề cấm trong khai thác thủy sản. Nhờ đó, hoạt động nghề cấm ở các vịnh, đầm trên địa bàn tỉnh trong khoảng 3 năm gần đây đã giảm nhiều.

Để các mô hình hoạt động hiệu quả

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 5.500 ghe, tàu có công suất dưới 20CV, chuyên khai thác vùng ven bờ. Đội tàu công suất nhỏ rất lớn, nếu ngư dân khai thác không kết hợp với bảo vệ, thậm chí sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thì sẽ khiến cho nguồn lợi ven bờ nhanh chóng suy kiệt; đồng thời, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngư dân hoạt động các nghề khai thác thân thiện khác. Theo đại diện một số tổ đồng quản lý, hợp phần xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ (thuộc dự án CRSD) được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho ngư dân các địa phương ven biển để họ có thể được hưởng các quyền lợi, có nghĩa vụ trong việc duy trì lâu dài hoạt động. Kinh phí để duy trì các hoạt động của tổ đều do dự án hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay, hợp phần này đã kết thúc, các tổ không còn kinh phí để tổ chức tuần tra, xua đuổi các tàu địa phương khác xâm nhập ngư trường, trong khi việc đóng góp kinh phí của cộng đồng ngư dân nhằm duy trì hoạt động này rất hạn chế.

Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản đề nghị, để đảm bảo hoạt động ổn định của các tổ đồng quản lý, trước mắt các tổ cần được hỗ trợ kinh phí. Tiếp đó, phải có chính sách giao mặt nước cho cộng đồng ngư dân trong tổ để họ quản lý, được hưởng lợi từ vùng biển mà họ tham gia quản lý. Ngoài ra, cần nhân rộng tổ đồng quản lý đến tất cả các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh, lấy các tổ này làm hạt nhân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn vệ sinh môi trường ven biển.

Theo lãnh đạo Hội Nghề cá tỉnh, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ một cách hiệu quả, bền vững cần triển khai đồng bộ việc đồng quản lý nghề cá nhỏ ven bờ. Hướng đi này phù hợp với quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Bên cạnh đó, phải xác định đồng quản lý trên tất cả các lĩnh vực gồm: tái tạo, bảo vệ nguồn lợi, phát triển cộng đồng, tổ chức cộng đồng và hỗ trợ thể chế. Triển khai đồng bộ tất cả các vấn đề này thì mô hình đồng quản lý nghề cá mới tồn tại, phát triển bền vững.

BÍCH LA

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang