• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giải pháp đưa nghề câu cá ngừ đại dương phát triển bền vững

Nguồn tin: Tổng cục Thủy sản, 5/10/2018
Ngày cập nhật: 7/10/2018

Theo một nghiên cứu của Th.S. Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa và Th.S Võ Nam Thắng, PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa và các cộng sự, nghề khai thác cá biển xuất hiện sớm nhất ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định từ thời phong kiến nổi tiếng bởi phương tiện đánh bắt bằng các ghe bầu. Phú Yên là cái nôi đầu tiên của nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD) vào năm đầu thập niên 90 và đã trở thành nghề khai thác chủ lực của ngư dân vùng biển Nam Trung Bộ. Đến năm 1994, nghề câu CNĐD thật sự mới bắt đầu ở Phú Yên do ông Sáu Liên (Trần Văn Liên), làng biển Phú Câu thuộc phường 6, Tp. Tuy Hòa phát hiện ra. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, người dân nhiều nơi như Bình Định, Khánh Hòa...đã học hỏi kinh nghiệm và dần dần số lượng tàu làm nghề câu CNĐD ngày càng nhiều.

Ảnh minh họa

Trong quá trình hình thành và phát triển nghề câu CNĐD đã trải qua nhiều thăng trầm, cuối năm 1995, nghề câu CNĐD chuyên nghiệp hình thành ở tỉnh Phú Yên với hình thức “câu vàng”.

Trong thập niên 90, giai đoạn (1999 - 2002) khi nghề câu CNĐD phát triển mạnh, Tổng công ty Hải sản Biển Đông (DNNN) và một số Công ty tư nhân ra đời như: Công ty TNHH SX-TM Mạnh Hà (TP Vũng Tàu), Công ty TNHH Việt Tân (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Hoàng Hải (Khánh Hòa) mua lại tàu câu CNĐD (vật liệu composite) với công nghệ bảo quản bằng cách ngâm trong nước biển lạnh (RSW) của Nhật Bản - công nghệ bảo quản ăn tươi tiên tiến cho đến nay, hoặc thu mua cá từ tàu ngư dân để xuất khẩu ăn tươi sang Nhật Bản. Sau một thời gian hoạt động tất cả đều giải thể. Nguyên nhân được cho là đội tàu và công nghệ khai thác CNĐD còn lạc hậu, nguồn cá ít dần, am hiểu ngư trường còn thiếu. Chất lượng cá ngừ vẫn còn thấp, chưa nâng cao được giá trị gia tăng, tổn thất sau thu hoạch lớn. Công tác quản lý còn nhiều bất cập, chuỗi giá trị khép kín chưa hoàn hảo vì sản phẩm cuối cùng được ủy thác cho Công ty Nhật Bản bán đấu giá ở chợ đấu giá dẫn đến phụ thuộc chủ yếu vào thị trường.

Đến năm 2011, nghề câu tay CNĐD sử dụng ánh sáng đèn cao áp xuất hiện ở Bình Định. Sau khi xuất hiện, nghề này đã cho năng suất, sản lượng cao hơn nhiều so với nghề câu vàng truyền thống, mặc dù giá chỉ bằng 40 - 50% so với cá ngừ khai thác bằng nghề câu truyền thống nhưng lợi nhuận cao hơn nhiều. Năm 2012, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đã phát triển rầm rộ, chuyển đổi nghề sang nghề câu CNĐD do đó sản lượng tăng đột biến, điều này đã dẫn đến nguồn lợi suy giảm, giá cá giảm.

Trong giai đoạn, 2012 đến nay, số lượng tàu khai thác cá ngừ đại dương có xu hướng tăng. Đặc biệt là, sau khi có Nghị định 67/2014/CP-NĐ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, nhiều ngư dân đã tiếp cận được vốn vay ưu đãi, đội tàu khai thác CNĐD đã được hiện đại hóa, đã có nhiều tàu khai CNĐD đã được đóng mới bằng vỏ thép, các trang thiết bị đã được hiện đại hóa. Trước đây, tàu thuyền khai thác CNĐD thường có chiều dài 13,5 – 17m và công suất >90 CV, vật liệu được đóng bằng gỗ. Sau khi có Nghị định 67/2014/CP-NĐ, đã có nhiều tàu được đóng bằng vỏ thép với chiều dài và công suất lớn hơn.

Xu hướng phát triển nghề câu CNĐD tại một số tỉnh trọng điểm

Bình Định vẫn là tỉnh có số lượng tàu thuyền câu CNĐD lớn nhất, nhưng có xu hướng giảm dần. Năm 2012 có 1.014 chiếc đến năm 2017 còn 915 chiếc giảm 10,2%. Trong khi đó, sản lượng năm 2012 là 9.600 tấn đến năm 2017 chỉ còn 8.906 tấn giảm khoảng 8%. Cường lực khai thác giảm dần kèm theo là giảm sản lượng.

Phú Yên có số lượng tàu thuyền không thay đổi nhiều, năm 2012 có 557 chiếc, đến năm 2017 còn 517 chiếc giảm 7%, sản lượng có xu hướng giảm dần từ 6.000 tấn năm 2012 xuống 4.300 tấn năm 2017, giảm 28,4%. Khánh Hòa năm 2012 có 132 chiếc, đến năm 2017 tăng lên đến 483 chiếc, tăng 366%, sản lượng năm 2012 là 3.500 tấn, đến năm 2017 chỉ đạt 3.475 tấn giảm 0,8%. Cường lực tăng, sản lượng giảm. Xu hướng chung là cường lực khai thác sẽ giảm vì sản lượng giảm, nhiều tàu làm ăn không hiệu quả.

Theo nghiên cứu cho thấy, sản lượng cá ngừ đại dương tăng đột biến vào năm 2012 đạt 19.100 tấn, tăng 50% so với năm 2011. Và sau đó, sản lượng đã giảm dần đến năm 2017 chỉ đạt 16.681 tấn bằng 87.34% năm 2012. Về cơ cấu đội tàu khai thác cá ngừ đại dương, số lượng tàu thuyền làm nghề khai thác cá ngừ đại dương năm 2010 có 1.452 chiếc, đến năm 2015 tăng lên 1.776 chiếc, năm 2017 là 1.969 chiếc tăng gấp đôi so với năm 2010. Điều này cho thấy, cường lực khai thác tăng, sản lượng giảm.

Những tồn tại trong phát triển khai thác cá ngừ đại dương

Theo nghiên cứu, ngư dân phát triển theo kiểu tự phát, công nghệ bảo quản sau thu hoạch rất kém, tàu thuyền khai thác không được trang bị hầm bảo quản tốt, do đó, chất lượng sản phẩm cá ngừ câu tay khi mang lên bờ bị suy giảm như một tất yếu. Thời gian tham gia khai thác trên biển trong một chuyến của tàu câu cá ngừ đại dương thường kéo dài trung bình từ 20 – 30 ngày đã làm giảm chất lượng cá khi lên bờ, dẫn đến giá cá thấp.

Ngư dân sử dụng các thực hành, thao tác chưa tốt, chưa chuyên nghiệp trong việc giết mổ cá ngừ như việc dùng chày, gậy gỗ… để đập cá chết trên tàu thay vì dùng que/xiên vào tủy sống cho cá chết, hoặc như ngư dân chưa dùng biện pháp, cách thức phù hợp để cắt tiết cá, muối đá nguyên con mà không moi ruột, nội tạng cá… là những hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cá ngừ câu được.

Việc bảo quản cá không đúng cách trên tàu phổ biến hiện nay là dùng đá xay, nhiệt độ cơ thể cá giảm chậm, có ảnh hưởng không tốt đối với chất lượng sản phẩm khai thác. Việc khai thác nguồn lợi với cường lực cao, sản lượng cao trong một thời gian ngắn có thể có hệ lụy lâu dài về tính bền vững của nguồn lợi CNĐD.

Hiện nay ngư dân khai thác CNĐD bằng hình thức câu tay kết hợp ánh sáng nên hầu hết tàu thuyền tập trung về bờ và lên cá cùng lúc theo tuần trăng từ mùng 6 đến 12 Âm lịch, điều này đã gây ra số lượng cá tăng đột biến, tạo điều kiện cho thương lái đầu nậu ép giá. Mặc khác qua tuần nghỉ trăng, tàu xuất bến ra biển đồng loạt từ ngày 17 đến 22 Âm lịch, cũng gây nên tình trạng quá tải tất cả dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là chất lượng đá lạnh không được đảm bảo do thời gian chưa đạt chuẩn, dẫn đến hiện tượng quá tải bốc dỡ và đặc biệt là vượt quá năng lực cấp đông, bảo quản lạnh của các doanh nghiệp thu mua, chủ nậu vựa.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương

Tiếp tục điều tra nguồn lợi, xác định trữ lượng, biến động về nguồn lợi CNĐD và triển khai có hiệu quả công tác dự báo ngư trường.

Tăng cường quản lý nghề câu CNĐD: Giao hạn ngạch nghề câu CNĐD cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Khuyến khích việc khôi phục nghề câu vàng cải tiến thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho ngư dân về đảm bảo chất lượng - vệ sinh - an toàn thực phẩm; Các phương pháp xử lý, sơ chế, sản phẩm trước khi đưa vào bảo quản. Đặc biệt là kỹ thuật xả máu triệt để, thực hiện móc nội tạng, ngâm hạ nhiệt để nâng cao chất lượng sản phẩm; Thực hiện quản lý chất lượng, ngăn ngừa tổn thất sau thu hoạch trên tàu cá, cảng cá, cơ sở thu mua CNĐD.

Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp áp dụng khoa học công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch nâng cao chất lượng CNĐD. Tăng cường liên kết giữa các hộ với nhau, giữa các doanh nghiệp với ngư dân để tiếp cận công nghệ, tăng sản lượng và nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm.

Ban hành các chính sách ưu đãi về tín dụng, bảo hiểm, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm cá ngừ tiên tiến; Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng thương hiệu cá ngừ, nhãn sinh thái cho sản phẩm cá ngừ; Tiếp tục triển khai các mô hình khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi giá trị.

Văn Thọ

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang