• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cà Mau: Con tôm vượt khó ngoạn mục

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 02/01/2018
Ngày cập nhật: 3/1/2018

Gần 173.500 tấn tôm là thành quả khá ấn tượng mà người nông dân đã đóng góp cho ngành thuỷ sản sau một năm lao động miệt mài. Con số này một lần nữa khẳng định vị trí đi đầu của con tôm trong nền kinh tế.

Mặc dù ngay đầu năm con tôm nói riêng và nghề nuôi thuỷ sản nói chung phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi, nhất là thời tiết, dịch bệnh… nhưng với sự chỉ đạo kỳ quyết của các cấp chính quyền và sự nỗ lực hết mình của người dân, sản lượng tôm bứt phá về đích ngoạn mục khi tăng 9,7% so với năm 2016.

Thành công ở chính mình

Để biết thêm hiệu quả của con tôm trong năm qua, chúng tôi tìm đến nhà ông Sáu Non (Đào Văn Non), Giám đốc HTX nuôi tôm Đoàn Kết, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Như muốn lý giải cho chiếc áo còn dính nhiều vết sình bùn đang mặc trên người khi có khách đến nhà, ông Sáu Non nheo mắt: "Định vô đất mấy cái chậu để bứng thêm một số cây cảnh ngoài vườn vào, mới thu hoạch xong 2 hầm tôm kha khá, lại có thêm chút thời gian nên chuẩn bị ăn Tết lần".

Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học của nông dân xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi.

Ông Sáu Non được xem là lão nông nhiều kinh nghiệm và đã chứng kiến đầy đủ sự thăng trầm của con tôm công nghiệp khi đã có hơn 15 năm theo nghề này. Theo lời ông kể, từ khi chuyển dịch là gia đình đeo luôn nghề nuôi tôm công nghiệp và hiện nay là nuôi siêu thâm canh.

"Trong suốt thời gian ấy có gặp thất bại không?", tôi hỏi, “Làm sao tránh được, chỉ là nhiều hay ít. Nếu đầu tư bài bản và có chút kiến thức, kinh nghiệm thì thất bại ít tí”, ông Sáu khẳng định chắc nịch.

Tuy nhiên, ông Sáu lý giải thêm: “Đó là với mô hình nuôi tôm công nghiệp hầm đất, còn nuôi theo kiểu siêu thâm canh thì chưa thất bại lần nào, chỉ là lời nhiều hay ít, 300, 500 hay 700 triệu đồng/ao. Không riêng gia đình ông mà toàn bộ anh em xã viên trong HTX đều vậy, mỗi ao lợi nhuận 500-700 triệu đồng là thường, có anh em thu hoạch ao 1.200 m2 lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng".

Chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm thăng trầm cùng con tôm công nghiệp, ông Sáu cho biết, nuôi tôm công nghiệp hay tôm siêu thâm canh thấy dễ nhưng không hề dễ mà nói khó cũng không gọi là khó, thành công hay thất bại là ở chính bản thân người nuôi.

Ông Sáu tâm sự tiếp: “Nói không phải mình hay, mình giỏi mà đi chỉ bảo người khác, nhưng rõ ràng không chỉ nghề nuôi tôm công nghiệp hay siêu thâm canh mà nghề nào cũng vậy, khi muốn đầu tư làm bất cứ gì trước tiên phải xem lại mình đã có được gì từ sự hiểu biết về nó, vốn… điều này ở con tôm siêu thâm canh càng quan trọng hơn. Để từ đó liệu cơm gắp mắm như ông cha đã chỉ bảo, có ít làm ít. Còn theo kiểu chạy theo người khác mà phải đi vay hỏi tiền đầu tư, kỹ thuật, kinh nghiệm không nắm... thất bại đã gần như chắc chắn, nếu thành công cũng chỉ là may rủi”.

“Có ít làm ít nhưng đã làm phải bài bản”, đó là phương châm mà ông Sáu thường xuyên nhắc nhở các xã viên trong HTX. Cũng với cách làm này, từ đầu năm đến nay, theo ông Sáu, chưa có ao nuôi tôm siêu thâm canh nào của xã viên thất bại.

Sự chỉ đạo kỳ quyết

Kết quả của nghề nuôi thuỷ sản thời gian qua đầu tiên là sự nỗ lực không ngừng của bà con nông dân trong lao động sản xuất, sau đó là sự chỉ đạo kỳ quyết của các ngành, các cấp. Trong suốt thời gian kể về thành công của các xã viên trong HTX, ông Sáu Non không ít lần đề cập và cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh.

“Chủ tịch UBND tỉnh mà xắn quần lội bùn để kiểm tra điều kiện ao nuôi của bà con là hình ảnh thật sự khiến nông dân chúng tôi khó quên”, ông Sáu bộc bạch. Theo ông, việc làm đó thể hiện sự quan tâm, sâu sát của lãnh đạo, đây chính là nguồn động viên rất lớn cho bà con nông dân.

Con tôm đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Để nghề nuôi thuỷ sản, cụ thể là con tôm siêu thâm canh phát triển bền vững, UBND tỉnh liên tục có văn bản chỉ đạo và lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo tại các hội nghị, cuộc họp, đồng thời thành lập nhiều đoàn kiểm tra, khảo sát để tìm hiểu, nắm bắt khó khăn của người dân nhằm kịp thời tháo gỡ.

Là địa phương có diện tích nuôi thuỷ sản, tôm siêu thâm canh lớn nhất tỉnh trong năm qua, huyện Đầm Dơi đã góp phần quan trọng cho thành công chung của tỉnh. Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết, kết quả mà huyện đạt được là nhờ sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong năm qua, rất kỳ quyết và kịp thời từng công việc cụ thể, từng nhiệm vụ cụ thể được chỉ đạo rất sát sao.

Minh chứng cho nhận định trên, ông Thuần thí dụ, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện do phát triển quá nhanh nên ban đầu quản lý của huyện còn nhiều hạn chế. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh cũng như lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, giúp huyện tháo gỡ khó khăn. Đến thời điểm này có thể nói đã tương đối đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Không chỉ riêng con tôm siêu thâm canh mà việc giải quyết tranh chấp, cải cách hành chính, quản lý, điều hành ngân sách cũng được UBND tỉnh chỉ đạo rất kỳ quyết, các kiến nghị, tờ trình của huyện được các sở, ngành giải quyết kịp thời.

Năm 2017 được xem là năm nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu, giá cả một số mặt hàng, nhất là cát, tăng đột biến, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp… Tuy nhiên, khi nhìn lại kết quả trong năm có 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt, 2 chỉ tiêu còn lại xấp xỉ đạt là điều vô cùng phấn khởi. Kết quả đạt được trong năm qua là sự chỉ đạo, điều hành kỳ quyết của UBND tỉnh, sự phấn đấu hết mình của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố./.

Nguyễn Phú

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang