• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thăng trầm ‘phận’ ngao. Kỳ 2: Ngao ‘cười’ - người khóc

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 17/9/2018
Ngày cập nhật: 18/9/2018

Qua giai đoạn “hoàng kim” của người nuôi ngao (2005 - 2010) thì những năm sau đó do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan mà người nuôi ngao phải chịu thiệt hại nặng nề, có nhiều hộ gần như “trắng tay”. Hình ảnh con ngao “cười” chết trắng bãi triều khiến người nuôi ngao bật khóc.

Cán bộ Chi cục Thủy sản kiểm tra mật độ ngao nuôi.

Là một trong những xã đi đầu trong nghề nuôi ngao trong tỉnh với diện tích hơn 446ha, người nuôi ngao ở xã Đông Minh (Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) không thể quên vụ “đại tang ngao” tháng 8/2014.

Thời điểm đó, ngao chết hàng loạt, nơi thấp tỷ lệ thiệt hại từ 20 - 30%, nơi cao thiệt hại từ 70 - 90%, tổng sản lượng thiệt hại lên đến gần 10.000 tấn, ước tính thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Chỉ sau một tuần xảy ra việc ngao bị chết, hàng trăm hộ dân nuôi ngao trong xã gần như trắng tay. Gia đình ông Đặng Huy Thiêm, xóm 6, xã Đông Minh do ngao bị chết hơn 90% diện tích nên tổng thiệt hại ước tính lên đến 8 tỷ đồng. Không những thế, mỗi ngày ông Thiêm còn phải thuê gần 100 người để thu dọn vỏ ngao chết. Cũng như gia đình ông Thiêm, ông Hoàng Văn Sức, thôn Minh Châu, xã Đông Minh cũng bị thiệt hại nặng trong đợt ngao chết tháng 8/2014. Gia đình ông Sức nuôi 5ha ngao, thu nhập những năm trước đó trung bình hơn 100 triệu đồng/ha. Do lượng ngao bị chết đến 90% nên gia đình ông bị thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, trong đó tính riêng tiền công thu dọn vỏ ngao chết bình quân mất 40 triệu đồng/ha. Còn tại xã Nam Thịnh (Tiền Hải) cũng có tới 400ha xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt, trong đó khoảng 200ha có tỷ lệ ngao chết tới khoảng 80%, thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, trong năm 2014, toàn tỉnh có gần 1.100ha ngao bị chết, chiếm khoảng 33% tổng diện tích nuôi, trong đó huyện Tiền Hải là 1.010,33ha, Thái Thụy 86ha. Diện tích ngao chết dưới 30% là 253,8ha, từ 30 - 70% là 416,07ha, trên 70% là 426,46ha.

Không chỉ năm 2014 mà tháng 7/2015, hàng trăm hộ nuôi ngao ở hai xã Thụy Trường và Thái Đô (Thái Thụy) cũng rơi vào tình trạng rất khó khăn khi ngao sắp vào mùa thu hoạch thì bị chết. Điển hình như gia đình ông Lê Văn Hiến, xã Thụy Trường có tổng diện tích nuôi 40ha, tỷ lệ ngao chết khoảng 40%; hộ ông Nguyễn Văn Hiện có 2ha ngao bị chết với tỷ lệ khoảng 10 - 15%...

Theo ông Đỗ Văn Tiện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy: Trước đó, nhiều người dân đã đánh cược cả gia tài, mồ hôi, nước mắt với hy vọng nuôi ngao sẽ giúp họ đổi đời. Thế nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với mật độ nuôi ngao dày từ 500 - 600 con/m2, có nơi lên đến 1.000 con/m2, mặt khác độ mặn nước biển thay đổi đột ngột đã gây sốc làm cho ngao nuôi bị chết. Một nguyên nhân nữa là do hộ nuôi không bán được cho thương lái dẫn đến phải thả lại nuôi nên ngao bị yếu và sốc môi trường. Chẳng hạn như gia đình ông Hiến, thời điểm đó đã thu hoạch 11 tấn ngao để xuất bán cho thương lái nhưng khi thu hoạch xong thì thương lái lại không mua nên ông phải thả lại bãi nuôi ngao. Do ngao đã bị yếu và sốc môi trường nên toàn bộ số ngao đó đã bị chết.

Ngao chết trắng bãi tại xã Đông Minh (Tiền Hải) năm 2014. Ảnh khai thác

Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải chia sẻ: Nguyên nhân của việc ngao chết hàng loạt là do ngao bị sốc bởi độ mặn cao và mật độ thả ngao quá dày so với quy định. Hơn nữa, việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư và tái đầu tư của các hộ nuôi cũng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay toàn tỉnh mới có một doanh nghiệp chế biến ngao. Việc hạn chế trong chế biến ngao cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá trị con ngao chưa được nâng cao và còn có nguy cơ mất giá khi tiêu thụ không kịp mà hộ nuôi lại không có khả năng bảo quản, chế biến.

Ngoài độ rủi ro trong nuôi ngao cao, các hộ nuôi còn phải đối mặt với khó khăn về thị trường tiêu thụ. Trước kia, khoảng 60% sản lượng ngao thương phẩm của Tiền Hải được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, 30% xuất khẩu sang EU và 10% tiêu thụ nội địa. Nhưng từ giữa năm 2012, Trung Quốc ngừng thu mua khiến giá ngao giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với trước. Hiện ngao chủ yếu là tiêu thụ nội địa và chuyển vào trong miền Nam để xuất sang EU. Thời kỳ cao điểm, giá ngao từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, tuy nhiên có thời điểm giảm còn 9.000 - 10.000 đồng/kg. Cá biệt, có thời điểm giá ngao xuống 7.000 đồng/kg mà bà con vẫn phải bán cho thương lái vì ngao đã đến thời điểm thu hoạch, để lâu mật độ ngao quá dày có thể làm ngao chết hàng loạt sẽ còn thiệt hại nặng nề hơn.

Những khó khăn trong nuôi ngao, nhất là vấn đề đầu ra của sản phẩm luôn là bài toán hóc búa đối với những hộ nuôi ngao trong mỗi kỳ thu hoạch. Những nguyên nhân này đã làm cho sản xuất ngao trong tỉnh thời gian gần đây bị hạn chế phát triển.

Bà Đinh Thị Tốt, cán bộ lâm sinh thủy sản xã Đông Hoàng (Tiền Hải): Từ năm 1999 - 2012, nhiều hộ dân trên địa bàn xã và người dân nơi khác đã nuôi thử nghiệm ngao trên diện tích bãi triều tại địa phương. Tuy nhiên việc nuôi ngao tự phát không theo quy hoạch đã mang lại những hệ lụy, gây ra nhiều rủi ro cho người nuôi ngao. Thực tế, nhiều hộ đã thất thu, phá sản hoàn toàn từ nuôi ngao. Ngoài những nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu mang lại, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ thì nguyên nhân khiến ngao chết hàng loạt là do người dân chưa nắm được kỹ thuật nuôi, thiếu kinh nghiệm, nuôi sai quy trình.

Ông Trần Văn Xương, xã Nam Thịnh (Tiền Hải): Vụ ngao chết những năm 2014, năm 2015 đã gây thiệt hại rất lớn, nhiều hộ không còn nguồn vốn để tái đầu tư và trả nợ vốn vay. Chúng tôi cũng như các hộ dân nuôi ngao tại địa phương rất mong các cấp, ban, ngành có chính sách hỗ trợ cho người nuôi ngao, có những chủ trương, giải pháp căn cơ về nuôi ngao. Đồng thời tiếp tục có chính sách ưu tiên đầu tư vốn vay để các hộ nuôi ngao có nguồn vốn đầu tư sản xuất khi có dịch bệnh xảy ra.

Ông Trần Mạnh Cường, xã Nam Thịnh (Tiền Hải): Nhiều năm nay, nhà tôi chung vốn với người quen đầu tư nuôi 4ha ngao thương phẩm. Vào vụ nuôi mới, chúng tôi phải đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng tiền ngao giống. Nếu như “thiên thời, địa lợi”, không có chuyện gì xảy ra thì sau hơn 1 năm nuôi thả sẽ được thu hoạch, trừ hết chi phí cho thu lãi từ 300 - 700 triệu đồng. Còn trong quá trình nuôi nếu ngao bị chết do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường… thì thiệt hại về kinh tế rất lớn, nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, không còn nguồn vốn để tái đầu tư và trả nợ vốn vay ngân hàng.

Nhóm phóng viên

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang