• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Phước: Nâng cao hoạt động của tổ nghề cá cộng đồng

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 11/09/2018
Ngày cập nhật: 14/9/2018

Trong 28.300ha mặt nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước, khoảng 18.000ha có thể đưa vào sử dụng để nuôi trồng và khai thác thủy sản. Hồ Nông trường 6 là một trong những hồ lớn tại xã Long Hà (Phú Riềng). Với diện tích hơn 115ha mặt nước, nguồn nước hồ Nông trường 6 chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp khu vực. Bên cạnh đó, hồ còn có nguồn thủy sản rất đa dạng và phong phú. Để đảm bảo nguồn lợi thủy sản được khai thác đúng quy định và phát triển bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thành lập Tổ nghề cá cộng đồng - khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Nông trường 6 từ năm 2003.

Tổ viên Tổ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đánh bắt cá trên hồ Nông trường 6

Ông Hồ Văn Biên, chuyên viên Phòng Thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết: Tổ nghề cá cộng đồng tại hồ Nông trường 6 là một trong 15 tổ nghề đang phát huy hiệu quả cao. 15 năm qua, 20 tổ viên luôn đoàn kết để khai thác đánh bắt cá hiệu quả, thu nhập của mỗi tổ viên đạt 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, để bổ sung nguồn lợi thủy sản, hằng năm Sở NN&PTNT, tổ nghề cá và các cơ quan chức năng thả khoảng 300 - 350kg cá các loại, vì vậy thủy sản ở đây rất phong phú, đa dạng.

Bên cạnh khai thác nguồn lợi thủy sản tại hồ, các tổ viên luôn chấp hành nội quy, quy chế hoạt động của tổ nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Định kỳ 3 tháng 1 lần, tổ họp và đánh giá hoạt động đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản với phương châm mỗi thành viên là một bảo vệ tự nguyện, phát giác đối tượng, kiểm tra và rà soát các đối tượng đánh bắt bừa bãi bằng chất nổ, xung, kích điện, khua, thục ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trong hồ. Các tổ viên cũng gây quỹ để thả cá giống hằng năm và xét cho tổ viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn làm ăn.

Ông Đỗ Xuân Hiến, Tổ trưởng Tổ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Nông trường 6 cho biết: Để khai thác nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả cao, ngay sau khi thành lập, tổ đã phân công trách nhiệm cho từng tổ viên để quản lý, kiểm tra việc khai thác đánh bắt cá trên lòng hồ; cấm đánh bắt bằng phương pháp hủy diệt. Nhờ vậy nguồn lợi thủy sản ở hồ nông trường ngày càng phong phú.

Mặc dù khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong hồ đã đem lại những kết quả đáng kể, góp phần tạo việc làm cho người lao động nhưng việc đánh bắt ở đây chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, do hồ sâu, diện tích mặt nước rộng, cộng với hầu hết hoạt động đánh bắt bằng cách câu, thả lưới truyền thống nên không khai thác được cá số lượng lớn và không bắt được cá to; việc đóng và sử dụng thuyền, bè nhỏ thô sơ không đảm bảo an toàn cũng khiến hoạt động khai thác thủy sản hạn chế.

Thời gian qua, việc kiểm tra, rà soát, xử lý các đối tượng vi phạm đã được chính quyền địa phương phối hợp Thanh tra Sở NN&PTNT đẩy mạnh, nhiều vụ sử dụng xung điện để khai thác thủy sản đã bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tình trạng đánh bắt bằng xung điện vẫn xảy ra. Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên chứng kiến 1 trường hợp bắt cá bằng xung điện ngay tại hồ. Chỉ cần đưa 2 đầu sào có điện của bộ kích xuống vùng nước có cá thì hầu hết các loài động vật thủy sinh từ to đến nhỏ quanh khu vực đó đều bị điện giật gây tê liệt. Đây chính là một trong những phương pháp khai thác cá tận diệt bị nghiêm cấm tại hồ. Khi được hỏi, người dùng xung điện bắt cá chống chế rằng: “Chỉ kiếm vài con để ăn chứ không có bao nhiêu mà bán!”.

Duy trì mô hình quản lý cộng đồng về khai thác thủy sản tự nhiên cân bằng, sử dụng an toàn hệ sinh thái và môi trường mặt nước, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm khai thác thủy sản bằng công cụ hủy diệt vẫn là mục tiêu hàng đầu mà tổ nghề cá hướng tới. Để đạt được mục tiêu này, trước hết phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời huy động mọi nguồn lực để thường xuyên thả bổ sung các giống loài thủy sản quý hiếm vào mặt nước tự nhiên nhằm tái tạo số lượng, chất lượng cá trong hồ; phục hồi các loài cá bản địa như cá rô, bống tượng, cá lóc... đang ngày càng cạn kiệt.

Đức Hiến - Đào Bằng

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang