• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng đến ‘Vùng nuôi không ô nhiễm’

Nguồn tin: Tổng cục Thủy sản, 28/8/2018
Ngày cập nhật: 30/8/2018

Việc phát triển nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè quá mức, cùng với sự thiếu kiểm soát trong các hoạt động khai thác thủy sản đã khiến chất lượng môi trường tại các vùng nuôi giảm sút, dẫn tới tình trạng tôm, cá chết, gây thiệt hại cho người dân.

Ảnh minh họa

Khánh Hòa: Mật độ nuôi dày đặc

Nuôi thủy sản bằng lồng bè tại Khánh Hòa đang phát triển nóng, với mật độ dày khiến vùng nuôi ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Theo quy định, các lồng phải cách nhau tối thiểu 1m, nhưng khảo sát tại vịnh Cam Ranh và Vân Phong, người nuôi vẫn đặt lồng san sát.

Cuối tháng 7 vừa qua, tại Hòn Lăng (đầm Nha Phu) xuất hiện tình trạng cá mú đen, cá chim nuôi lồng bè bị chết bất thường. Tại khu vực vịnh Cam Ranh cũng ghi nhận tình trạng tôm hùm xanh chết rải rác. Nguyên nhân bước đầu được xác định: Do tập trung lồng bè nuôi quá dày. Chất thải và thức ăn thừa đã khiến nguồn nước tại vùng nuôi bị ô nhiễm. Trong khi đó, các ghe cào sò thường xuyên hoạt động, làm lớp bùn tích tụ bị xới lên, khiến nguồn nước càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Mặc dù tỉnh Khánh Hòa đã có quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè nhưng hiện nay, hầu hết người nuôi vẫn nuôi với mật độ lớn tại các vùng nước ven vịnh Cam Ranh. Trong quá trình nuôi, túi ni lông đựng thức ăn cho tôm, cá không được thu gom vào bờ mà ném xuống biển. Túi bám ngoài lồng khiến tôm, cá thiếu ôxy trầm trọng. Bên cạnh đó, lượng thức ăn thừa chìm dưới đáy, qua nhiều năm đã dày tới 0,5m dẫn tới thủy sản nuôi bị chết, tỷ lệ hao hụt cao, hiệu quả nuôi thấp. Từ đầu năm đến nay, qua giám sát dịch bệnh và môi trường vùng nuôi, đã ghi nhận nhiều trường hợp tôm hùm nuôi lồng bè bị chết (có nơi tỷ lệ tôm chết hơn 20%). Việc phát triển ồ ạt lồng bè nuôi thủy sản (thậm chí, những khu vực không phù hợp để nuôi cũng được người dân thả nuôi) đã khiến nhiều vùng nuôi vượt ngưỡng; điều này đã để lại hệ lụy về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại đối với hộ nuôi.

Phú Yên: Hoạt động khai thác sò gây thiệt hại cho tôm nuôi

Sò láng (sò lụa) sống trong môi trường tự nhiên, thịt dai, ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Ngay cả khi các loại hải sản khác như vẹm đá, cua, ghẹ có thời điểm hạ giá, không bán được, thì sò láng vẫn được tiêu thụ hết. Vì vậy, người dân trong tỉnh và người ở các tỉnh khác cũng đến Phú Yên, dùng ghe ra giữa vịnh, lặn bắt sò. Hoạt động khai thác, sục bùn tìm sò đã quậy đục nước vùng nuôi, làm ảnh hưởng hô hấp của tôm hùm nuôi lồng. Những con tôm yếu sức sẽ chết, con khỏe hơn thì đỏ mắt, bỏ ăn. Thiệt hại đối với người nuôi tôm là rất lớn (vì tôm giống phải nhập từ nước ngoài với mức giá rất cao). Nguồn nước ô nhiễm trong nhiều tháng qua khiến tôm nuôi chết 10 - 15%.

Quản lý tốt vùng nuôi lồng bè thủy sản

Kết quả quan trắc môi trường nước trung tuần tháng 7 tại vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho thấy: Chỉ tiêu NH3 vượt giới hạn cho phép tại vùng nuôi Dân Phước (phường Xuân Thành); mẫu nước tầng đáy dao động 0,01 - 0,04mg/l, so với đợt quan trắc đầu tháng 7/2018 thì chỉ tiêu NH3 tăng 2 điểm vượt ngưỡng. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước cũng thấp hơn giới hạn cho phép. Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo người nuôi tăng cường vệ sinh lồng nuôi, không để hàu, hà bám vào lồng làm giảm sự lưu thông dòng nước bên trong và ngoài lồng; Đồng thời, quản lý lượng thức ăn, tránh dư thừa; Thường xuyên kiểm tra nước phân tầng để kịp thời điều chỉnh lồng nuôi, cần thiết treo các bao tải vôi trong các gốc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông.

Cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm vùng nuôi chính là lượng thức ăn dư thừa. Mức độ ô nhiễm ở vịnh Xuân Đài được xác định ở mức báo động (có nơi tầng đáy dày đến 1m) dẫn tới người nuôi tôm bị thiệt hại nặng. Tháng 5 năm ngoái, tôm chết hàng loạt, tỉnh Phú Yên đã phải trích ngân sách để hỗ trợ người nuôi.

Để quản lý tốt vùng nuôi, hạn chế ô nhiễm: Địa phương cần tuân thủ nghiêm quy định mật độ nuôi; Kiểm soát số lượng lồng nuôi (sao cho phù hợp với sức tải của vùng nước); Kiên quyết giảm mật độ lồng nuôi; Chọn kiểu lồng bè phù hợp với từng vùng nuôi trên địa bàn tỉnh; Tổ chức công bố, tuyên truyền để người dân nắm bắt, thực hiện; Ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản trái phép dưới vịnh; Theo dõi diễn biến môi trường để đưa ra các khuyến cáo cho người dân; Mùa mưa bão đến, phải có phương án chống bão, sắp xếp lại lồng bè để không ảnh hưởng đến đường di chuyển vào khu neo đậu tránh trú bão của tàu cá.

Về phía người dân, cần thay đổi nhận thức, nuôi đúng quy hoạch, tuân thủ các quy định về cách đặt lồng nuôi; sử dụng thức ăn, lựa chọn con giống; phòng, trị bệnh cho thủy sản. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng nước vùng nuôi, người dân cần chú trọng khâu vệ sinh, thu gom thức ăn thừa, chất thải, đưa vào bờ xử lý để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh, rủi ro trong quá trình nuôi.

Ngọc Thúy - FICen

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang