• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiếp tục ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 28/08/2018
Ngày cập nhật: 30/8/2018

Sản phẩm hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân TP. Tuy Hòa. Ảnh: ANH NGỌC

Sau 10 tháng triển khai quyết liệt, đến nay Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Riêng ở Phú Yên, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục vào cuộc nhằm góp phần xóa “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu đã đưa ra…

Quyết liệt ngăn chặn

Theo Bộ NN-PTNT, sau khi có cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Chính phủ đã giao bộ này đôn đốc các địa phương liên quan thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các cơ quan chức năng và địa phương đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, ngư dân… nhằm thay đổi nhận thức cũng như hành vi khai thác, mua bán và sử dụng hải sản khai thác IUU. Ở Phú Yên, từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.

Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức 4 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý 14 phương tiện vi phạm (không có trường hợp nào vi phạm IUU). UBND tỉnh đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đồng thời đưa ra khỏi danh sách các tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản ở vùng biển xa.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành các văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và địa phương không cấp văn bản chấp thuận đóng mới đối với các chủ tàu tái phạm và tước giấy phép khai thác thủy sản.

Ngư dân Trần Kim Hòa ở phường 6 (TP. Tuy Hòa), cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài nên đa số ngư dân đã nâng cao ý thức, không khai thác hải sản bất hợp pháp. Tuy nhiên, tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Còn theo ngư dân Huỳnh Tấn Anh ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam còn dồi dào, nhưng ngư dân khai thác không hiệu quả vì chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác. Ngư dân cần đầu tư ngư lưới cụ, máy móc, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt đạt hiệu quả cao nhất. Việc đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn, thường xuyên vươn khơi bám biển không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế cho ngư dân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Cần những giải pháp đồng bộ

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.170 tàu cá, trong đó khoảng 1.200 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên (khoảng 470 tàu có công suất từ 400CV trở lên) đều được giám sát hành trình thông qua thiết bị Movimar và máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Đơn vị đã thành lập văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Đông Tác (TP. Tuy Hòa) và Phú Lạc (huyện Đông Hòa).

Ngoài nhiệm vụ thanh, kiểm tra, những văn phòng này còn xác thực và chứng nhận nguồn gốc thủy sản của ngư dân đã khai thác nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Sau hơn 5 tháng hoạt động, các văn phòng đã chứng nhận gần 300 tấn thủy sản khai thác các loại…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế vừa chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC mà Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã chỉ đạo. Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan tiếp tục không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu cá tái phạm, tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng. Những chủ tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sở NN-PTNT phối hợp với Sở TT-TT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sớm khảo sát, đề xuất triển khai hệ thống giám sát hành trình tàu cá của tỉnh khai thác ở vùng biển khơi để triển khai thực hiện…

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng trong việc chống khai thác IUU. Việt Nam cơ bản đã nội luật hóa các quy định của quốc tế và khu vực về chống khai thác IUU trong Luật Thủy sản năm 2017. Công tác tuyên truyền đã triển khai mạnh, nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp được nâng cao. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt.

Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có nhiều tiến bộ; việc hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản có nhiều nỗ lực tích cực. Tuy nhiên, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện triệt để, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của EC đưa ra. Theo kế hoạch, tháng 10/2018, Đoàn Nghị viện châu Âu và đầu năm 2019 Đoàn thanh tra của EC sẽ quay lại Việt Nam để xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng”. Các địa phương ven biển và ngư dân cần chấp hành nghiêm các quy định của quốc tế về khai thác hải sản trên biển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ NN-PTNT khẩn trương tham mưu cho Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU để chỉ đạo, điều hành hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Các địa phương ven biển tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ về sự ảnh hưởng của “thẻ vàng” và các quy định quốc tế phải tuân thủ, thực hiện.

Đồng thời, các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ngăn chặn tàu cá vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Các bộ, ngành và địa phương ven biển phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là cơ hội để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản, quyết tâm không để EC nâng lên mức cảnh báo “thẻ đỏ” đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam.

ANH NGỌC

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang