• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Tháp: Nhộn nhịp thị trường ngư cụ đánh bắt thủy sản

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 23/08/2018
Ngày cập nhật: 24/8/2018

Theo dự báo, nước lũ năm nay sẽ về sớm và có nhiều khả năng cao hơn những năm trước. Hơn 1 tháng qua, các cơ sở sản xuất dụng cụ đánh bắt thủy sản thuộc địa bàn 2 huyện Lai Vung, Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) sôi động hẳn lên để đón con nước về, đón mùa lũ với hy vọng mưu sinh từ nghề kinh doanh dụng cụ đánh bắt thủy sản...

Không khí sản xuất, buôn bán lưới diễn ra tấp nập tại làng nghề sản xuất lưới cá, lọp ở 2 huyện Lai Vung và Lấp Vò

Những ngày này, các cơ sở sản xuất lưới trên đoạn Quốc lộ 80 đi qua 2 huyện Lai Vung, Lấp Vò đang tất bật vào mùa tăng cường sản xuất lưới, dớn, chài... phục vụ người dân. Tại cơ sở sản xuất lưới Khoa Nhỏ thuộc ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, gần 40 công nhân hối hả làm việc với các công đoạn: đan tay, đan lưới, dệt máy, kết lưới bắt viền, cột phao kéo chì, dập chì... để hoàn thành các sản phẩm. “Nghề lưới ở Lai Vung, Lấp Vò làm quanh năm, nhưng tập trung sản xuất mạnh nhất là từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Năm nào lũ lớn thì nhu cầu mua lưới của người dân cũng tăng cao” - chị Nhung, chủ cơ sở sản xuất lưới Khoa Nhỏ cho hay. Hiện mỗi ngày, cơ sở của chị Nhung cung cấp ra thị trường vài chục sản phẩm.

Bà Đặng Thị Luyện - chủ cơ sở sản xuất lưới thuộc ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B chia sẻ: “Sản phẩm lưới của tôi bán chạy nhờ sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu khách hàng là nhạy, dễ dính cá, thích nghi địa thế kênh, mương, sông, lạch và giá bán phù hợp. Hiện cơ sở có nhiều mặt hàng như: lưới mắt nhỏ dùng bắt cá linh, cá rô; lưới mắt lớn hoặc lưới ba màn để bắt các loại cá lớn”.

Theo nhiều cơ sở sản xuất lưới, năm nay do giá chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công, điện... đều tăng, nên giá lưới cũng nhích nhẹ từ 10 - 20%. Cụ thể, tại nhiều cơ sở, lưới mùng giá 70.000 - 75.000 đồng/kg (loại thường); loại cao cấp giá 80.000 - 85.000 đồng/kg; lưới 1 màn loại thường 70.000 - 150.000 đồng/tay; lưới 3 màn từ 100.000 - 300.000 đồng/tay (loại 100m); lú có giá 75.000 - 270.000 đồng/cái; chài có giá từ 260.000 - 500.000 đồng/cái (tùy loại); lưới 12 cửa ngục giá từ 150.000 - 250.000 đồng/cái (tùy loại)...

Bà Mai Thị Hồng - chủ cơ sở lưới Dũng Hồng thuộc khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung cho biết: “Mùa kinh doanh lưới nhộn nhịp nhất từ cuối tháng 6 âm lịch hàng năm. Năm ngoái nhu cầu mua lưới của người dân tăng cao, lưới bán ra nhiều, hiện cơ sở tranh thủ sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cung ứng cho người dân. Hiện sức mua tăng khoảng 40% so với năm trước”.

Vừa tranh thủ làm lưới, anh Bùi Văn Giang - thợ làm lưới ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò cho biết: “Những ngày qua, anh em ở đây ai cũng bận rộn với công việc, vì số lượng đơn đặt hàng nhiều nên phải tranh thủ làm để kịp giao cho khách đúng hẹn. Mỗi ngày, một thợ lành nghề cũng kiếm được từ 150.000 - 200.000 đồng. Có hôm tăng ca, thu nhập khá hơn, khoảng 300.000 đồng. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất còn giao hàng (các loại lưới) gia công tại nhà cho nhiều hộ dân tại địa phương làm phụ. Nhờ đó, bà con địa phương có thêm thu nhập khi mùa lũ về”.

Trong thời gian rảnh, nhiều em học sinh trên địa bàn 2 huyện Lai Vung, Lấp Vò cũng tranh thủ tham gia thực hiện một số công đoạn sản xuất ngư cụ như: đạp chì lưới, bẻ khung lú... để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, lo chi phí cho năm học mới. Em Lê Nguyễn Phước Hậu ngụ ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B cho biết: “Công việc đạp chì lưới cũng nhẹ nhàng nên em tranh thủ tham gia. Mỗi ngày được 100.000 đồng. Tiền kiếm được em để dành mua tập, sách, quần áo chuẩn bị cho năm học mới...”.

Cùng với làng nghề đan lưới, nghề đan lọp tép ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung cũng trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn bao giờ hết. Chị Nguyễn Thị Tuyết ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long cho biết: “Mấy ngày nay, con nước tại các sông về mang theo nhiều tôm tép. Bà con theo nghề làm lọp tép tất bật hơn mọi năm vì đơn đặt hàng tăng khá nhiều. Mỗi ngày, nhà tôi làm vài trăm cái lọp”.

Theo nhiều hộ dân đan lọp tép, những ngày qua, sức mua lọp tép tăng khoảng 30% so với năm trước. Hiện giá bán mặt hàng này tăng nhẹ từ 5 - 10% so với năm trước, dao động từ 16.000 - 18.000 đồng/cái (tùy loại). Để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, các hộ sản xuất kinh doanh mặt hàng lọp tép phải tăng cường sản xuất thêm vào các buổi tối.

Để duy trì và phát triển các làng nghề lưới, lọp tại huyện Lai Vung và Lấp Vò, những năm gần đây, người trong nghề ở địa phương đã từng bước cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, sản phẩm có mặt khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và xuất sang Campuchia, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Trang Huỳnh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang