• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Áp dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 14/08/2018
Ngày cập nhật: 15/8/2018

Hiện nay, cả nước có gần 99.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng khoảng 427.000 tấn tôm thương phẩm mỗi năm, mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân ven biển.

Tuy nhiên, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát hiện nay đứng trước thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên tôm nuôi. Mới đây, tại tỉnh Phú Yên, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức diễn đàn khoa học và công nghệ phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các tỉnh miền Trung. Tại diễn đàn này, một số cơ sở sản xuất, các nhà khoa học đã chia sẻ các mô hình áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, đạt hiệu quả cao và cách quản lý tốt ao nuôi, hạn chế dịch bệnh…

ÔNG LÊ MINH CHÍNH, CÔNG TY TNHH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CHÍNH MỸ (TỈNH KHÁNH HÒA): Ương giống tôm trên bể theo công nghệ biofloc

Hiện nay, công nghệ nuôi tôm nhiều giai đoạn, còn gọi là nuôi tôm đa chu kỳ hoặc đa ao được cho là có nhiều ưu điểm nổi bật. Trong công nghệ nuôi tôm từ 2 - 3 giai đoạn kết hợp với công nghệ biofloc/semi biofloc tập trung vào việc cải thiện khả năng thích ứng với môi trường, tỉ lệ tôm sống cao và tốc độ tăng trưởng nhanh. Riêng trang trại nuôi tôm Chính Mỹ nhận thấy sau một khoảng thời gian thử nghiệm, quy trình ương tôm trên bể có nhiều ưu điểm hơn ương trong ao. Quy trình ương tôm giai đoạn 1 trong bể bạt có diện tích 80m2 (từ PL 12-27, tương ứng 15 ngày) với mật độ từ 7.500 - 12.500 con/m2. Nguồn nước cấp cho bể ương được bơm từ ao chứa, kiểm tra độ kiềm trong nước đảm bảo trên 120mg/l, nếu thấp hơn thì sử dụng bicacbonat (soda lạnh - NaHCO3) để nâng độ kiềm. Trước thả giống từ 3 - 5 ngày, tiến hành gây màu nước hay đánh vi sinh cho bể ương. Mật độ cao của vi khuẩn dị dưỡng trong môi trường nuôi sẽ giúp chúng chiếm ưu thế, thúc đẩy nhanh hơn quá trình hình thành biofloc. Sau 15 ngày tôm ương đạt tỉ lệ sống từ 90 - 95%, trọng lượng 0,4 - 0,5g/con, chiều dài từ 25 - 30mm, sau đó được chuyển qua ao nuôi giai đoạn 2. Ao nuôi có diện tích khoảng 1.500 - 1.600m2 được cải tạo, cấp nước gây màu nước giống như giai đoạn 1 nhưng khác về lượng và thời gian từ 3 - 5 ngày. Vào ngày thứ 12, tiến hành đảo nước, hạ mực nước trong bể xuống 10cm, sau đó cấp bù lại nước mới vào bể bằng lượng nước ban đầu. Ngày thứ 13, tiến hành hạ mực nước xuống 20cm và làm tương tự như ngày thứ 12. Ngày thứ 14 tiếp tục hạ mực nước xuống 30cm và làm tương tự như các ngày trước. Đến ngày thứ 15, tiến hành xả hết tôm xuống ao nuôi, thời gian sang tôm trước khi mặt trời mọc, tốt nhất từ 5 - 6 giờ sáng. Mỗi khi chuyển tôm như vậy, cần quan sát lượng tôm sang ao để điều chỉnh phù hợp lượng thức ăn ở bể ương và cả ao nuôi.

Việc ương tôm trên bể theo công nghệ biofloc có nhiều lợi thế hơn quy trình nuôi truyền thống như dễ kiểm soát môi trường, kiểm soát chất lượng nước tốt hơn và kiểm soát cả mầm bệnh. Ban đầu tôm tăng trưởng chậm nhưng khi chuyển qua giai đoạn tăng trưởng bù sau 20 - 25 ngày thì phát triển nhanh, tỉ lệ tôm sống cao, chi phí sản xuất thấp hơn từ 10 - 20% so với nuôi truyền thống, số vụ nuôi trong năm từ 3 - 4 vụ. Nhìn chung, quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng theo 3 giai đoạn kết hợp công nghệ biofloc có nhiều ưu điểm nổi bật về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi. Tuy nhiên, để công nghệ nuôi này hoàn thiện hơn, người nuôi nên bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên gồm copepoda, artemia giúp tôm có hệ tiêu hóa tốt, khỏe mạnh, hấp thu hiệu quả thức ăn. Bể ương thay vì đặt ngoài trời dưới mái che lưới lan, người nuôi nên đặt trong nhà, giúp tôm tăng trưởng bình thường vào mùa mưa, giúp kiểm soát được nhiệt độ, phòng ngừa một số bệnh gây ra cho tôm nuôi. Để giảm chi phí, người nuôi có thể sử dụng bể dài (1x25x1m) âm dưới đất hoặc dùng bao cát xếp chồng lót bạt HDPE.

ÔNG LÊ HỒNG DUYỆT, CÔNG TY TNHH THỦY SẢN ĐẮC LỘC (TỈNH PHÚ YÊN): Công nghệ nuôi tôm trong nhà lưới

Hiện nay, đa số hệ thống ao nuôi tôm thương phẩm ở khu vực miền Trung là hệ thống hở nên có nhiều hạn chế trong quá trình nuôi. Hệ thống ao nuôi này khó duy trì độ mặn trong ao nuôi do bốc hơi nên phải thường xuyên bổ sung nước ngọt để kiểm soát độ mặn trong ao. Mặt khác, việc khai thác nguồn nước ngầm phục vụ nuôi tôm có thể dẫn tới sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước, gây nên xâm nhập mặn và không an toàn sinh học, dễ phát sinh dịch bệnh. Hơn nữa, ao nuôi nằm ngoài trời với yếu tố môi trường biến đổi liên tục theo thời tiết thì khó khống chế được sự phát triển của tảo. Sự phát triển quá mức của tảo làm biên độ pH dao động, nhiệt độ cao làm tảo nở hoa kéo theo môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, các tác nhân trung gian như cua, còng, chim, chuột… từ ao này bò sang ao kia cũng có thể mang mầm bệnh lây lan.

Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã thực hiện thử nghiệm thành công 2ha mô hình nhà lưới trong ương tôm, được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật và ghi danh vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017. Hiện công ty tiếp tục ứng dụng công nghệ nhà lưới này cho diện tích 30ha ao nuôi thương phẩm. Theo đó, quy trình này có hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ, toàn bộ hệ thống ao nuôi lót bạt HPDE nằm trong nhà lưới, với độ che phủ 50 - 60%, giúp cho ao nuôi tách biệt với môi trường bên ngoài, giảm cường độ chiếu sáng, đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình nuôi. Nguồn nước sử dụng nuôi tôm có độ mặn khoảng 28 - 32ppt khai thác từ nước biển ven bờ bằng hệ thống ống lọc ngang. Việc sử dụng hoàn toàn nước mặn để nuôi tôm so với nuôi nước lợ thì tôm chậm lớn hơn, nhưng có nhiều ưu điểm. Cụ thể, độ mặn càng cao thì vi khoáng có sẵn trong nước dồi dào đủ để cung cấp cho tôm hấp thu nên không cần bổ sung. Tôm nuôi săn chắc, màu đẹp, chất lượng thịt ngon, thị trường ưa chuộng. Mô hình này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Để tạo ra sản phẩm sạch, công ty sử dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất, đảm bảo môi trường nước trong ao nuôi không bị ô nhiễm. Ngoài ra, công ty còn ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất như hệ thống cho tôm ăn tự động bằng máy, hệ thống kiểm tra môi trường nước ao nuôi tự động…

ÔNG NGUYỄN TRẦN THỌ, CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ THƯƠNG MẠI TRÚC ANH (TỈNH BẠC LIÊU): Quy trình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn

Hệ thống ao nuôi của quy trình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn gồm ao lắng thô (chiếm 20% diện tích), ao lắng tinh (29% diện tích), ao ương (1% diện tích), ao nuôi (30% diện tích), ao xả thải (10% diện tích) và công trình phụ (10% diện tích). Với quy trình này, ở giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong nhà lưới 20 - 30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Lúc này, môi trường ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ nhờ quản lý được nguồn gốc tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học sẽ hạn chế hội chứng tôm chết sớm (hội chứng EMS, thường xảy ra trong 20 ngày đầu của quá trình nuôi). Tôm giống được thả nuôi ở ao ương với mật độ 1.500 - 3.000 con/m2. Khi tôm có trọng lượng 1,5 - 2g/con, chuyển sang giai đoạn 2 ở ao nuôi liền kề, mật độ 200 - 300 con/m2. Trước khi chuyển tôm 3 ngày, cần vệ sinh và lấy nước vào ao nuôi, chạy quạt và hệ thống oxy đáy 24/24 giờ. Ủ 0,5kg Ta-Pondpro và 10kg mật đường cho 1.000m2 tạt đều trong ao từ 8 - 9 giờ sáng, tiếp tục đánh xuống ao 10kg khoáng N79 lúc 8 - 9 giờ tối. Quy trình xử lý ao nuôi được làm liên tục từ 2 - 3 ngày, sau đó tiến hành cấp nước vào ao và sang tôm lúc sáng sớm để tránh tôm bị sốc do ảnh hưởng nhiệt độ…

Với quy trình này, trong quá trình nuôi không sử dụng bất kỳ loại kháng sinh, hóa chất gì, mà chỉ dùng chế phẩm sinh học. Quy trình này cũng không thay nước hoặc thay nước rất ít, chỉ châm bù nước. Song song với quy trình này cần sử dụng các loại thiết bị hiện đại như máy cho ăn tự động, máy sục oxy đáy, quạt nước… nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và công lao động. Bộ NN-PTNT cần có sự hỗ trợ đối với các mô hình đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật được tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm cải tiến, tối ưu quy trình mang lại hiệu quả cao nhất; tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững.

ÔNG ĐẶNG HOÀNG GIANG SEN, TRUNG TÂM QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG VÀ BỆNH THỦY SẢN MIỀN TRUNG (VIỆN NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG THỦY SẢN III): Quản lý tốt môi trường vùng nuôi

Hiện cả nước có gần 99.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó có một số tỉnh khu vực miền Trung có diện tích thả nuôi lớn như Bình Thuận (28%), Ninh Thuận (18%), Phú Yên (16%), Thừa Thiên - Huế (14%)… Sự phát triển này là nhờ công nghệ nuôi tôm thâm canh ít thay nước, công nghệ biofloc. Tuy nhiên, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát hiện gặp nhiều khó khăn, hạ tầng kỹ thuật đầu tư chưa đồng bộ, áp lực về môi trường, phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên tôm nuôi và việc sử dụng các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ thực trạng trên đã phát sinh nhiều vấn đề tại một số vùng nuôi như ô nhiễm môi trường ao nuôi, ô nhiễm môi trường biển ven bờ, cạn kiệt nguồn nước ngọt và nước ngầm, thu hẹp diện tích rừng phòng hộ…

Để phát triển nghề nuôi tôm trên cát ở khu vực miền Trung bền vững hơn, các địa phương cần đánh giá lại tính hiệu quả và có chính sách phát triển phù hợp song song với công tác bảo vệ môi trường. Các địa phương cần tổ chức lại sản xuất trong nuôi tôm, ưu tiên các mô hình áp dụng những tiến bộ KH-CN, thu hút các đơn vị sản xuất giống tôm đạt chất lượng cao, nâng cao đội ngũ cán bộ chuyên môn và đội ngũ làm công tác quan trắc cảnh báo môi trường. Đặc biệt, các địa phương cần hoàn thành công tác quy hoạch, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại các vùng nuôi, quản lý vùng nuôi thật tốt, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở địa phương mình. Các tỉnh cũng cần xây dựng và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời phát huy vai trò tổ tự quản, tổ quản lý cộng đồng. Địa phương cần phối hợp với cơ quan chuyên môn để tập huấn cho người nuôi về kỹ thuật nuôi tôm trên cát, phổ biến và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao nhằm tạo ra sản phẩm nuôi trồng thủy sản sạch để phát triển bền vững.

ANH NGỌC (ghi)

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang