• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Bình: Chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho tôm

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 06/08/2018
Ngày cập nhật: 7/8/2018

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, tính đến cuối tháng 7/2018, bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 47 hộ nuôi thuộc 6 xã, phường của 4 huyện, thị xã với tổng diện tích bị bệnh gần 24ha, chiếm hơn 2,1% diện tích thả nuôi toàn tỉnh; thiệt hại 13,2 triệu con tôm giống thả nuôi.

Trong đó, bệnh đốm trắng (WSSV) gần 22,6ha/52 ao/44 hộ tại các xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy), xã Đồng Trạch, Hạ Trạch (Bố Trạch) và xã Quảng Tiên, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn); bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) trên 1,6ha/4 ao/3 hộ tại xã Võ Ninh (Quảng Ninh).

Vụ nuôi tôm năm 2018, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) thực hiện thả nuôi diện tích khoảng 35ha tôm mặn lợ. Từ khoảng đầu tháng 4 đến nay, diện tích tôm nuôi bị bệnh hơn 13,1ha, chiếm 37,5% tổng diện tích thả nuôi toàn xã; trong đó hơn 11,5ha bị bệnh đốm trắng, hơn 1,6ha bị bệnh IHHNV, thiệt hại hơn 7,6 triệu con tôm giống.

Quá trình kiểm tra cho thấy, vụ nuôi năm trước một số ao nuôi bị nhiễm bệnh, tuy nhiên, bước vào vụ nuôi năm 2018, các chủ hồ cải tạo ao nuôi chưa kỹ và xử lý mầm bệnh chưa triệt để, đây là nguyên nhân chính làm dịch bệnh bùng phát và lây lan.

Người nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra và tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Ngoài ra, dịch bệnh đốm trắng cũng phát sinh tại một số địa phương trong tỉnh, như: phường Quảng Thuận, xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn) hơn 8,6ha; xã Đồng Trạch, Hạ Trạch (Bố Trạch) hơn 1,8ha; xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) 0,3ha.

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, so với cùng kỳ năm 2017, dịch bệnh trên tôm nuôi giảm cả về phạm vi và diện tích bị bệnh. Tuy nhiên, năm 2018, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra sớm hơn, chủ yếu tập trung trên ao đất, tại các ổ dịch cũ, tôm bị bệnh tập trung ở giai đoạn 25 - 65 ngày tuổi.

Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết diễn biến bất thường khiến tôm nuôi giảm sức đề kháng dẫn đến bị bệnh, còn có yếu tố chủ quan của người nuôi. Cụ thể, bà con cải tạo ao hồ, xử lý mầm bệnh của ổ dịch cũ chưa triệt để tại một số ao nuôi ở xã Võ Ninh và xã Hạ Trạch; một số hộ dân cố tình để theo dõi hoặc điều trị bệnh sau 5 - 7 ngày rồi mới báo cho cán bộ thú y cơ sở và cơ quan chức năng... dẫn đến dịch bệnh lây lan.

Đồng hành cùng với người nuôi tôm, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, giám sát tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tại các địa phương, nhất là những vùng nuôi đang có dịch bệnh.

Để khống chế dịch trong diện hẹp, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người nuôi, Chi cục đã kịp thời chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan triển khai các biện pháp chống dịch; đồng thời hỗ trợ hóa chất Chlorine cho các xã có nuôi tôm để thực hiện tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường trước vụ nuôi và hỗ trợ dập dịch với số lượng 25.650kg, trong đó hỗ trợ tiêu độc, khử trùng kênh mương 15.950kg, hỗ trợ dập dịch 9.700kg (xã Võ Ninh nhiều nhất với 5.100kg).

Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã thực hiện 2 đợt lấy mẫu giám sát chủ động dịch bệnh trên tôm nuôi tại các vùng nuôi tôm trọng điểm với số lượng 49 mẫu tôm và 49 mẫu nước. Kết quả, có 8/21 mẫu phát hiện bị nhiễm vi rút gây bệnh đốm trắng; 30/30 mẫu xét nghiệm không phát hiện nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

Qua kết quả phân tích, đánh giá các vùng nuôi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi, Chi cục đã cảnh báo nguy cơ dịch lây lan nhằm hướng dẫn người nuôi tôm các biện pháp xử lý kịp thời.

Cũng theo ông Trần Công Tám, để hạn chế tối đa thiệt hại, đối với các vùng nuôi tôm đang xảy ra dịch bệnh, bà con tạm thời ngừng thả giống, tập trung xử lý, cải tạo ao đầm và chuẩn bị con giống cho vụ nuôi mới; những ao liền kề đang nuôi cần áp dụng biện pháp nhằm ngăn ngừa lây nhiễm từ ao bị bệnh.

Đối với những ao nuôi phát hiện tôm có dấu hiệu, như: ăn nhiều một cách bất thường hoặc giảm ăn, có đốm trắng trên vỏ, đỏ thân, đen mang, bơi lờ đờ, không định hướng…, thì cần báo ngay với cán bộ thú y các cấp để lấy mẫu xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời tránh gây thiệt hại trong vụ nuôi.

Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi tôm cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi, có ao chứa lắng và xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi, mua tôm giống ở những cơ sở uy tín và được xét nghiệm không mắc các virut gây bệnh; đối với những ao 2 năm liền bị dịch bệnh khuyến cáo không tiếp tục thả nuôi tôm mà nên chuyển sang nuôi cá hoặc nuôi luân canh, xen ghép nhiều đối tượng…

Ngọc Lan

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang